Vào tù rồi bằng cấp có nghĩa gì...
Những ngày cuối năm 2015, tôi gặp Nguyễn Thiên Long (SN 1973, ngụ TP.HCM) trong trại cải tạo Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Là phạm nhân, Long không những “nổi tiếng” bởi vẻ đẹp trai, mà còn “nổi tiếng” khi là một trong những phạm nhân ít ỏi có bằng thạc sĩ kinh tế. Tuy nhiên, khi ngồi đối diện với chúng tôi, Long lại không muốn nhắc đến cái việc học hành của mình.
Với giọng điềm tĩnh, đượm buồn, Long chia sẻ: “Tôi kỵ nhất là nói đến học vị và ở trong này thì học vị hay bằng cấp cũng chẳng có nghĩa gì nữa, ai cũng như ai thôi. Đôi khi, đi làm mà lên giọng bằng cấp này kia, biết đâu nhiều bạn tù họ lại chửi cho, bảo ông có học mà không bằng những đứa vô học”.
Long tâm sự với PV.
“Cuộc đời tôi khi bị bắt, coi như cũng đã chết, mùa hạ hay mùa xuân đều như nhau cả. Nhưng, từ khi vào đây, càng ngày tôi càng nghiệm ra nhiều điều. Tôi trộm nghĩ, chắc mình phải cố gắng thôi. Án thì dài dằng dặc, nhưng nghĩ đến ba mẹ, đến hai đứa con, lòng tôi cũng vơi đi phần nào buồn đau. Lại càng hy vọng ngày trở về...”, Long suy tư.
Nói đến đây, Long mở lòng mình với những ký ức như cuốn phim quay chậm. Long là con cả trong gia đình có ba mẹ làm trong cơ quan Nhà nước. Tuy chức vụ không lớn lắm, nhưng cũng đủ cho nhiều người nể trọng.
Long tâm sự: “Tôi cũng không biết phải nói thế nào, nhưng bây giờ đã vào đây, án kinh tế mà chung thân là nặng lắm. Tôi đã làm ba mẹ tôi thất vọng, nhiều đêm nằm suy nghĩ, tôi khóc rất nhiều. Từ nhỏ, ít khi tôi khóc lắm, nhưng không hiểu sao từ ngày bị bắt, nước mắt rất dễ rơi. Cứ hễ ai nhắc về ba mẹ, lòng mình lại đau thắt. Mình đâu phải phường lưu manh trộm cắp, cũng không phải là đứa không có học, không hiểu sao lại phạm sai lầm đến độ đi tù chung thân. Nhưng ba mẹ tôi vẫn không một lời trách mắng”.
Năn nỉ vợ bỏ mình để đi lấy người khác
Theo lời Long, sau khi tốt nghiệp đại học kinh tế, Long được ba mẹ xin cho làm ở một công ty vận tải. Trong thời gian làm việc, nhờ năng lực của mình, Long đã lên đến chức trưởng phòng. Cuộc sống tưởng chừng như trôi qua rất yên ả, khi Long có một cô vợ xinh xắn, hiền lành và hai cô con gái kháu khỉnh. Tuy nhiên, cuộc đời Long lại rẽ sang một hướng khác.
Nhớ lại thời điểm này, Long cho biết: “Tôi đang làm ở công ty rất ngon lành, vì có chuyên môn, lại tận tụy với công việc, nên tôi nhanh chóng được đề bạt làm trưởng phòng. Ba mẹ cũng tự hào về tôi lắm, tôi còn đi học thêm lấy bằng thạc sĩ. Ngày đó, đi đâu tôi cũng được ba mẹ của bạn bè lấy làm gương cho con cái họ. Rằng “thằng Long nó còn trẻ mà có tài, nó còn tiến xa hơn nữa...”.
Nhưng, có vẻ như chưa bằng lòng với những gì đang có, Long tính toán bỏ cơ quan Nhà nước ra thành lập công ty riêng. Năm 2007, sau khi bàn bạc với vợ, Long thống nhất rằng sẽ xin nghỉ làm việc Nhà nước, ra ngoài thành lập công ty vận tải.
Thành thật tâm sự về thời gian này, Long buồn bã nói: “Cũng vì tôi nghĩ, mình chuyên môn cao, có chút ít vốn liếng, ba mẹ tôi cũng giúp thêm vốn. Hơn nữa, trong những ngày làm ở cơ quan Nhà nước, tôi đã bắt được nhiều mối bên vận tải, những mối này đều rất “ngon lành” nên tôi cứ nghĩ, mình sẽ làm được và chuyện làm giàu là dễ như trở bàn tay”.
Nhưng, như người ta hay nói “thương trường là chiến trường”, Long không ngờ việc kinh doanh thực sự khó khăn hơn Long nghĩ. Sau khi đã thành lập được công ty vận tải riêng, Long lao vào làm ăn lớn. Nhưng chỉ sau mấy tháng, công ty thua lỗ liên tiếp. Với sự hiếu thắng cộng thêm chút sĩ diện với bạn bè, người thân, Long đã cố giấu thất bại của mình.
Long tâm sự: “Đối với tôi, việc làm ăn thua lỗ là không thể nào chấp nhận được. Tôi có thể chấp nhận bất cứ khó khăn cực khổ nào, nhưng việc thú nhận với mọi người tôi vừa tách ra làm ăn đã thất bại ngay là điều không thể. Thời gian đó tôi bị áp lực kinh khủng, nhưng tôi cứ phải cười nói vui vẻ, coi như mình là ông chủ thành đạt”.
Nhưng tiền càng ngày càng thâm hụt, Long phải đi vay người thân và ngân hàng, rồi mất khả năng chi trả. Năm 2009, Long bị bắt. Sau khi bị kết án tù chung thân, Long hoàn toàn suy sụp.
Long nghẹn ngào nói: “Cuộc đời tôi đang tươi rói, không dưng lại bị kết án chung thân. Lúc trước đi đâu cũng “tiền hô hậu ủng”, nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con ngoan, sau một đêm bỗng mất tất cả. Tôi sốc đến độ, cứ nghĩ giá mà chết được thì cũng chết đi. Nhưng mình là đàn ông, còn vợ và hai con, nhất là còn ba mẹ già. Ba mẹ là người sâu sắc, ông bà hay suy nghĩ lắm. Khi tôi bị bắt, ông bà đã không ăn ngủ gì được, cứ nghĩ mình gần 40 tuổi đầu, có hai đứa con lớn mà ba mẹ còn phải khổ vì mình... Cũng vì vậy, nên tôi càng quyết tâm phải sống, phải cố gắng cải tạo tốt để về với gia đình”.
Sau khi vào tù, vợ con Long vẫn thăm nuôi đều đặn, nhưng đến năm 2011, Long bàn với vợ đi tìm người khác nương tựa.
Với đôi mắt vẫn phảng phất buồn, Long chia sẻ: “Vợ tôi lúc đầu khóc, cô ấy bảo không muốn bỏ tôi nhất là khi tôi đang ở trong tù. Nhưng tôi năn nỉ, có lúc như van xin cô ấy bởi tôi nghĩ cuộc đời cô ấy còn dài, cô ấy cũng còn quá trẻ, chả lẽ vì cái thói ích kỷ của đàn ông mà mình giam hãm cô ấy suốt đời? Tôi nói với cô ấy, chỉ cần em chăm con tốt, lâu lâu cho nó lên thăm tôi, thế là mãn nguyện rồi. Lúc đầu cô ấy không chịu, nhưng thấy tôi quyết tâm, nên cuối cùng, cô ấy cũng gật đầu đồng ý”.
Dù vậy, nhưng khi thấy vợ ký vào đơn ly hôn để gửi tòa, lòng Long lại dâng lên một nỗi buồn khôn xiết. Nhưng Long cố gắng để vui, để cho vợ thấy mình thực tâm nhẹ nhõm.
Long kể lại: “Lúc đó tôi muốn òa khóc, ai ở trong này mới biết, thực sự rất cần một điểm tựa. Chỉ mong có vợ con, gia đình lên thăm. Tôi yêu vợ lắm, dù không ở bên cô ấy, cũng muốn cô ấy là của riêng mình. Nhưng có lẽ, điều tôi cần làm là giải thoát cho cô ấy, như thế, tôi cảm thấy thanh thản hơn”.
Mơ Tết được gặp con và vợ cũ Theo lời của Long, dù vợ chồng đã chia tay nhau, nhưng thỉnh thoảng, vợ cũ vẫn đưa hai con gái lên thăm bố. Nếu không đi được, cô ấy đưa con sang ông bà nội nhờ ông bà đưa đi. Đôi khi, cô ấy còn nấu các món mà Long thích rồi mang vào trại giam. Có một tin vui là Tết năm nay, vợ sẽ đưa hai con lên thăm Long. Đó là điều an ủi duy nhất đối với Long lúc này. |
*Tên nhân vật đã được thay đổi.