Dân Việt

Bạo lực gia đình: Đổ hết tội cho... rượu

Tuấn Kiệt 31/12/2015 07:29 GMT+7
60% các vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) xảy ra khi người “gây án” đã có men rượu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia không thể “đổ hết tội” cho rượu.

Chết người vì rượu

Đầu tháng 10.2015, tại xã Bờ Ê (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) đã xảy ra vụ việc vợ đánh chồng tử vong vì bị chồng sai đi mua rượu lúc nửa đêm. Theo cơ quan điều tra, trước đó nạn nhân là A Thương (36 tuổi) đã đi uống rượu về nhà giữa khuya. Đến nhà, anh ta lại sai vợ là Y Dập (38 tuổi) đi mua rượu về nhậu tiếp. Người vợ không chịu nên hai vợ chồng cãi nhau. Trong cơn tức giận, người vợ đã dùng khúc củi đánh chồng dẫn đến tử vong.

img

Nhiều vụ bạo lực gia đình nảy sinh sau khi người chồng sử dụng rượu. Ảnh:  M.H

Trước đó, tháng 7.2015, Công an huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, cũng đã bắt La O Rum (51 tuổi, ngụ thôn Phú Giang, xã Phú Mỡ) về hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Nạn nhân là bà La O Thị Nhật – vợ của Rum. Theo điều tra, sau khi đi uống rượu về, La O Rum thấy vợ đang ngủ bên nhà hàng xóm nên gọi vợ dậy. Người vợ ngủ say không trả lời nên Rum bực tức lao vào đấm đá liên tục khiến vợ tử vong.

Trong thời gian qua, rất nhiều vụ BLGĐ đau lòng đã xảy ra mà người gây án đang trong tình trạng say rượu. Theo các chuyên gia, rượu là chất xúc tác dẫn đến nhiều vụ BLGĐ nghiêm trọng. Theo một số nghiên cứu, 60% các vụ BLGĐ có liên quan đến bia rượu, mà phần lớn là do đàn ông say rượu, không làm chủ được hành vi nên đánh vợ con. Ngoài ra, rượu cũng gây ra rất nhiều hậu quả làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình: tai nạn giao thông gây tử vong hoặc tàn tật, ngộ độc rượu, tâm thần do rượu, mắc các bệnh hiểm nghèo do rượu…

Không thể đổ tội cho rượu

 " Hạn chế đồ uống có cồn song song với tuyên truyền các kiến thức về bình đẳng giới, BLGĐ là cách tốt nhất để tiến tới hạn chế các vụ BLGĐ”.
Bà Nguyễn Thu Thuý

Theo bà Nguyễn Thu Thuý – Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và nghiên cứu khoa học về giới gia đình, phụ nữ và vị thành niên Csaga, nhiều cán bộ hoà giải, cán bộ chính quyền khi vào can thiệp các vụ BLGĐ đều khuyên rằng: “Chồng em uống rượu nên mất khôn chứ bình thường vẫn tốt. Nên bỏ qua hoặc “mắng át” người chồng rằng: “Nên bớt uống rượu đi để vợ con được nhờ...”. Tuy nhiên, BLGĐ mà lại “đổ tại” rượu là quan niệm sai lầm. “Tại sao anh ta say rượu không ra đường đánh nhau với người khác mà cứ say lại về đánh vợ con? Tại sao nhiều người uống rượu nhưng lại không chửi mắng, đánh đập người thân trong gia đình?” – bà Thuý đặt vấn đề.

Theo bà Thuý, căn nguyên của BLGĐ vẫn là do tính cách gia trưởng, thích chèn ép, lấn vượt, áp đặt đối với vợ con của đàn ông mà ra. Còn rượu chỉ là “chất xúc tác”, là “ngòi nổ” để vụ việc BLGĐ xảy ra mà thôi. Những người đàn ông thích trút bực tức bằng nắm đấm lên vợ con thường cho rằng vợ con thấp kém, đáng bị coi thường, cần phải dạy dỗ, uốn nắn. Khi say rượu, họ “mượn” vợ con để trút giận dữ, thậm chí cả nỗi ghét người, chán đời, bực bội vì bản thân kém cỏi.

“Đồ cồn chỉ là chất xúc tác khiến cho cơn giận dữ leo thang đến mức độ nghiêm trọng và các vụ BLGĐ nguy hiểm hơn. Cùng một mâu thuẫn nhưng nếu uống bia rượu vào thì dễ dẫn đến bạo lực hơn so với không uống” – bà Thuý cho biết. 

Đồng quan điểm, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất –Giám đốc Trung tâm tư vấn An Việt Sơn (Hà Nội) cho biết, rượu khiến cho cánh mày râu “bùng nổ” sự gia trưởng của bản thân mà bình thường họ vẫn dùng lý trí để che giấu. Đó là chưa kể nhiều người nghiện rượu đến mức hoang tưởng, luôn coi vợ con như “kẻ thù” để tấn công.