Từ 1.1.2016, những người đóng bảo hiểm y tế sẽ không phải đóng những chi phí ngoài giá dịch vụ y tế như hiện nay.
Bắt đầu từ ngày 1.1.2016, Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi về việc tăng giá viện phí, BHYT học sinh sinh viên, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội tự nguyện,... chính thức có hiệu lực.
Trước sự quan tâm đặc biệt của dư luận, sáng 31.12.2015, BHXH Việt Nam tổ chức giao lưu trực tuyến về chính sách BHXH, BHYT trên trang tin điện tử BHXH Việt Nam nhằm cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc của các đơn vị sử dụng lao động, người lao động và nhân dân trên cả nước một cách đầy đủ và kịp thời về những chính sách này.
Buổi giao lưu trực tuyến tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Ông Phạm Lương Sơn - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, việc tăng giá dịch vụ y tế có tác động tích cực đối với người có thẻ BHYT. Vì mức giá chi trả của dịch vụ kỹ thuật sẽ được thống nhất trong cả nước, người bệnh sẽ được cung cấp dịch vụ y tế công bằng, đồng đều ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, không phân biệt vùng miền.
Ngoài ra, các chi phí như: thuốc, vật tư y tế (ví dụ thuốc gây mê hay một số loại vật tư y tế như dao mổ laser, dịch nhầy,… ) đã được tính đủ thì người bệnh không phải thanh toán riêng, ngoài giá dịch vụ y tế.
Người dân sẽ được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo cơ chế chuyển dịch tài chính, từ các cơ sở y tế chuyển sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế nhằm thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các nhóm người yếu thế trong xã hội.
Khi giá dịch vụ y tế được tính đủ chi phí sẽ khuyến khích các bệnh viện triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế, đồng thời có trách nhiệm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng phục vụ. Người có thẻ BHYT được thụ hưởng các dịch vụ khám chữa bệnh tiên tiến, hiện đại ngay trên địa bàn và được cơ quan BHXH thanh toán, tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.
BHYT hộ gia đình, người thứ hai mua được giảm 30%
Ông Phạm Lương Sơn cho hay, với những gia đình đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, trừ các đối tượng đã tham gia bảo hiểm y tế ở nhóm khác (nhà trường học, công ty,…) thì mức đóng của người thứ hai bằng 70% mức đóng BHYT của người thứ nhất.
Nếu gia đình, các con đóng bảo hiểm ở trường học, công ty,… còn bố mẹ tham gia BHYT theo nhóm hộ gia đình, khi tham gia BHYT người thứ hai sẽ được giảm 30% mức đóng BHYT.Cụ thể, người thứ nhất đóng là 621.000 đồng, người thứ hai bằng 70% mức đóng của người thứ nhất: 621.000 đồng x 70% = 434.700 đồng.
Để đăng ký tham gia BHYT theo hộ gia đình, đại diện hộ gia đình kê khai vào danh sách đăng ký tham gia BHYT mẫu (DK01) và nộp tiền đóng BHYT cho đại lý thu BHYT trên địa bàn xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan BHXH nơi cư trú. Căn cứ vào danh sách hộ gia đình đăng ký, đại lý thu sẽ lập danh sách tham gia BHYT của đối tượng tự đóng theo mẫu (DK04) và xác định giảm trừ mức đóng khi tham gia theo hộ gia đình.
Bên cạnh đó, người đang đóng BHYT tự nguyên, khi đóng BHXH bắt buộc vẫn phải đóng BHYT bắt buộc và được hoàn trả tiền đã đóng BHYT tự nguyện đến hết giá trị còn lại của thẻ BHYT.
6 thay đổi chính trong Luật bảo hiểm xã hội 2014 (có hiệu lực từ 1.1.2016) Tăng tiền đóng BHXH Đây là thay đổi quan trọng nhất trong Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Từ 1/1/2016 đến hết 2017, mức đóng dựa trên lương cộng phụ cấp ghi trong hợp đồng lao động. Muốn hưởng lương hưu tối đa phải đóng thêm 5 năm BHXH Muốn được hưởng lương hưu tối đa 75% thì người lao động đóng BHXH thêm 5 năm nữa, tức là Nam sẽ đóng 35 năm, Nữ sẽ đóng 30 năm. Cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi theo quy định thì bị trừ 2%. Mở rộng chế độ thai sản Lao động nam được nghỉ khi vợ sinh con: Chồng được nghỉ 5 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh thường, 7 ngày khi vợ sinh phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi. Nếu vợ sinh đôi thì chồng được nghỉ 10 ngày; từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. Nếu vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì chồng được nghỉ 14 ngày. Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ mang thai hộ đều được nghỉ thai sản như người mẹ nhờ mang thai hộ. Tăng mức trợ cấp ốm đau Cụ thể, mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 24 ngày thay vì chia 26 ngày như hiện hành. Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động một ngày bằng 30% mức lương cơ sở. Mức hỗ trợ ốm đau dài ngày (sau 180 ngày) tăng lên 50% thay vì 45% như hiện nay. Mở rộng đối tượng tham gia BHXH BHXH bắt buộc bổ sung 3 nhóm đối tượng đóng là người làm việc theo hợp đồng lao động từ một tháng đến dưới 3 tháng; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người lao động là công dân nước ngoài. Tăng quyền, trách nhiệm của người lao động và cơ quan Bảo hiểm xã hội Người lao động được chủ sử dụng cung cấp thông tin về đóng BHXH định kỳ 6 tháng một lần. Năm 2020, sổ BHXH được thay bằng thẻ BHXH. |