Một số bà vợ thường than thở về chồng rằng: “Chồng mình tệ hơn cả chồng con bé bán nước”, “Chồng mình mang tiếng học cao mà không khác gì nông dân”, “Mang tiếng có chồng mà cũng như không”…Theo các chuyên gia tâm lý, những câu nói tưởng như vô hại này thực chất là nguyên nhân đang giết chết hạnh phúc trong hôn nhân mà các bà vợ không hay biết.
“Chồng học cao mà không khác gì ông nông dân”
Theo nhà nghiên cứu tâm lý Trịnh Trung Hòa, có một tình trạng khá phổ biến gây hại đến hạnh phúc trong hôn nhân đó là việc các bà vợ hay so sánh chồng mình với chồng người khác.
Chị Lê Thị Hiền, Đống Đa, Hà Nội là một ví dụ điển hình. Chị Hiền luôn sống trong nỗi chán nản, thất vọng vì lý do không chịu nhìn thấy điểm tốt của chồng mình. Mỗi lần xung đột, giận dỗi chị lại gọi điện đến trung tâm tư vấn tâm lý để kể tội chồng.
Chị Hiền bảo, mang tiếng lấy chồng giỏi giang nhưng chồng chị sống không khác gì một anh nông dân. Chị còn ao ước giá chồng chị cư xử tế nhị bằng một nửa anh chồng nhà hàng xóm thì chị đã thấy được mãn nguyện.
So sánh chồng mình với chồng người khác, chị em rất dễ đi đến thất vọng (Ảnh minh họa)
Hỏi vì sao chị chán chồng thì chị Hiền kể một lô một lốc những tội lỗi không thể chấp nhận được. “Ví dụ như hôm sinh nhật của anh ấy, tôi nhắn tin vào điện thoại của chồng để chúc mừng sinh nhật. Rõ ràng anh ấy nhìn thấy tin nhắn của vợ đến nhưng chán đến mức là không thèm mở ra đọc”, chị Hiền nói.
Hay mới đây nhìn thấy một mẫu váy đẹp trên mạng, chị Hiền liền đi lùng mua một miếng vải về để đi may. Hí hửng vấn vào người soi soi ngắm ngắm rồi chạy ra hỏi chồng “Chồng ơi, em may chiếc váy này theo mẫu này liệu có đẹp không?”. Tưởng chồng sẽ nói gì, hóa ra buông một câu “May mà mặc đẹp được như người mẫu thì may”! Hay việc đơn giản như cách nói chuyện điện thoại, anh Nam hay nói oang oang, không kể chuyện trong nhà có ai thức, ai ngủ. Chị Hiền chán đến mức mỗi lần nghe chuông điện thoại của chồng đổ chuông là chị chạy tới cầm điện thoại lên rồi bảo chồng “Anh ra ngoài nghe điện thoại đi”.
Chị Hiền còn kể thêm một tật xấu của anh Nam nữa đó là thói keo kiệt. Do nằm điều hòa nhiều làm da khô nên chị Hiền đã mua một chiếc quạt thổi hơi nước về. Được ít hôm thì quạt bị trục trặc không chạy được. Chị Hiền bảo chồng sửa thì mãi anh Nam không sửa. Nghĩ chồng keo kiệt nên chị Hiền dọa anh Nam rằng “anh không sửa thì em đi mua cái khác!”. Anh Nam bảo vợ không việc gì phải mua và ngay lập tức bê một chậu nước đặt giữa nhà nói “Hơi nước từ đây chứ đâu!”.
Chị Hiền góp ý chồng nhưng thói quen đó anh Nam không sửa được. Chị Hiền cho biết, mặc dù cãi nhau từ những việc cỏn con như vậy nhưng nó khiến chị mất dần tình cảm với chồng, chẳng còn thấy yêu chồng nữa.
Người chồng qua đời mới thấy hụt hẫng
Tương tự là trường hợp của chị Nguyễn Như Lan ở Trường Chinh, Hà Nội. Vợ chồng chị Lan lấy nhau đã 20 năm nay, có hai đứa con trai. Vợ chồng họ đều là người kinh doanh buôn bán tự do. Điều đáng nói là trong suốt thời gian là vợ chồng của nhau, lúc nào chị Lan cũng ở trong tâm thế “muốn bỏ chồng”. Chị kể với bạn bè, chồng chị là người khó tính. Chị dường như không chịu nổi vì họ thường xuyên cãi vã vì những lý do không đâu. Khi thì vì nồi canh nhạt, lúc vì nồi cơm quá nhiều nước, lúc chỉ vì cái ô để không đúng chỗ…
Đến khi chồng chị vì bệnh ung thư mà mất, chị nói rằng chị đã bị hẫng. Hẫng vì hơn 20 năm nay chồng chị lo toan hết mọi thứ từ tài chính, chi tiêu, con cái ăn học… mà chị không chịu nhận thấy giá trị của điều đó. Mặc dù anh Thành có nhược điểm là khó tính nhưng lại là người chu toàn. Anh không ham rượu chè, cờ bạc, gái gú. Anh cũng không chi dùng hay hưởng thụ gì cho bản thân. Tiền kiếm được anh chỉ chắt chiu lo cho vợ con và gia đình.
Chính vì chồng chị sống mẫu mực và chu toàn như vậy nên suốt hơn 20 năm chung sống, chị Lan không hề biết đến khái niệm tiền bạc. Sau khi anh Thành mất, chị Lan cảm thấy hẫng hụt vô cùng. Lúc này chị mới nhận ra những điểm tốt của chồng thì đã muộn. Giờ đi đâu, làm gì chị cũng kể về anh Thành với niềm tự hào, hãnh diện như để bù đắp, lấy lại những điều chị đã không vừa lòng về chồng.
Theo nhà nghiên cứu tâm lý Trịnh Trung Hòa, những va chạm trong cuộc sống đời thường khiến cho vợ chồng thường chỉ thấy nhược điểm của nhau. Nhiều chị em lúc nào cũng chỉ nhìn thấy nhược điểm của chồng rồi sinh ra thất vọng, chán chồng. Nguy hiểm là về lôgic tâm lý, khi chán chồng hoặc cảm thấy chồng mình tệ hơn chồng người dễ khiến chị em nghĩ tưởng đến người đàn ông khác. Từ việc ngoại tình trong tâm tưởng, chị em rất dễ đi đến ngoại tình ở ngoài đời.
Thực tế như trường hợp của vợ chồng chị Hiền, những va chạm hàng ngày đó thường đến từ những lý do trời ơi đất hỡi. Những va chạm đó được chị phóng đại ra nên chị Hiền không thể nhìn thấy được những thứ tử tế mà chị đang nhận được từ chồng.
Bởi theo như chị Hiền kể thì anh Nam dân học kinh tế nhưng không làm trong cơ quan nhà nước. Anh Nam làm nghề tự do nhưng quay đủ nghề để lo toàn bộ kinh tế trong gia đình. Chị Hiền chỉ ở nhà nội trợ và chăm sóc con cái. Dù anh Nam không được khéo léo chiều chuộng vợ nhưng là anh là người chồng tử tế.
Ngay cả khi xung khắc thì nhìn vào cũng thấy anh Nam không hề hà hiếp hay bắt nạt chị Hiền, ngược lại, chính chị Hiền lại là người “bắt nạt chồng” thông qua chi tiết cầm điện thoại của chồng bảo chồng ra ngoài nghe…
Thực chất, nhìn vào vị thế của chị Hiền trong mối quan hệ vợ chồng, khách quan sẽ thấy rằng chị may mắn, hạnh phúc. Thế nhưng bản thân chị lại luôn không hài lòng, cảm thấy chồng mình đầy nhược điểm và hết sức tệ hại…
Khi so sánh chồng mình với chồng người khác, chị em rất dễ đi đến thất vọng, dễ cảm thấy chồng mình kém cỏi, tệ hại. Thực chất, đôi khi điểm mạnh của đối phương nhiều hơn điểm yếu nhưng người vợ chỉ nhớ đến điều dở. Bởi thói xấu của không ít người là ở chỗ, chỉ “thù lâu, nhớ dai” những thứ mình đòi hỏi, mình mong muốn mà không được. Còn những thứ tốt đẹp mà hàng ngày người bạn đời đang mang lại cho mình thì coi như một lẽ hiển nhiên. Nhà nghiên cứu tâm lý Trịnh Trung Hòa |