Dân Việt

"Biển Đông đã ăn vào máu tôi"

Lương Kết 03/01/2016 06:30 GMT+7
"Trước khi trở thành Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), tôi có chuyến thăm Trường Sa. Chuyến đi khiến tôi suy nghĩ nhiều và sau khi trở thành ĐBQH tôi dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề biển đảo" - ĐBQH Nguyễn Anh Sơn - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đã tâm sự khi trao đổi với NTNN.

Tình cảm từ một chuyến đi biển

Thưa ông, theo dõi các kỳ họp Quốc hội có người nói  ông là ĐB đeo đuổi vấn đề Biển Đông suốt nhiệm kỳ Quốc hội. Tại sao ông có sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề này?

img

ĐBQH Nguyễn Anh Sơn phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: VPQH

- Trước khi trở thành ĐBQH vào tháng 4.2011, tôi đã cùng Đoàn công tác của tỉnh Nam Định đi ra một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Ra đó tôi được trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc, chứng kiến những hy sinh, những gian khổ, vất vả của những người chiến sĩ làm nhiệm vụ canh giữ biển đảo. Không chỉ có những người lính mà cả những lực lượng khác đang làm nhiệm vụ trên đảo như lực lượng công binh ra xây dựng đảo, lực lượng khí tượng hải văn, người coi đèn biển cũng gian khổ, vất vả...

Tôi cũng đi thăm cả 14 hộ dân sống trên các đảo thấy họ cũng có những hy sinh, gian khổ riêng. Sau đó tôi nghĩ đến những chuyện lớn hơn là Nhà nước phải làm sao để các hòn đảo của chúng ta trở thành những pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tôi đã nói với cử tri nếu trở thành ĐBQH, ngoài việc quan tâm đến vấn đề kinh tế - xã hội, tôi sẽ góp tiếng nói để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Có thể nói chuyến đi đã hình thành trong suy nghĩ của tôi một sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề biển đảo. Sau đó khi trở thành ĐBQH cũng một sự ngẫu nhiên nữa là tôi được bầu là Ủy viên Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội. Tôi thấy đây cũng là cơ hội tốt để  tìm hiểu được kỹ hơn, sâu hơn về vấn đề Biển Đông và đưa ra bàn ở Quốc hội.

Tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XIII, khi phát biểu thảo luận về kinh tế - xã hội, tôi đều đưa vấn đề Biển Đông ra. Ngay từ phát biểu đầu tiên về Biển Đông trước Quốc hội, tôi đã đề nghị trong điều kiện đất nước dù khó khăn đến mấy, chúng ta cũng phải đầu tư tiềm lực quốc phòng để bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Ông có nhớ tại các kỳ họp Quốc hội, ông đã bao nhiêu lần đưa vấn đề Biển Đông ra nghị trưởng?

- Tính đến nay qua 10 kỳ họp Quốc hội, tôi nhớ khoảng 5 lần đã phát biểu chính thức về vấn đề Biển Đông khi Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội. Ngoài ra khi Quốc hội thảo luận ở tổ, thảo luận ở hội trường về các dự luật nhiều lần phát biểu tôi đã lồng ghép chuyện bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ngoài ra, tôi còn chất vấn, kiến nghị, trả lời báo chí xung quan chủ đề Biển Đông.

Có thể nói vấn đề Biển Đông đã "ăn" vào máu tôi từ trước khi bước chân vào nghị trường và tôi đeo đuổi góp ý kiến theo chủ đề này suốt nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Sở dĩ tôi phát biểu nhiều và đeo đuổi vấn đề là vì tình hình Biển Đông càng ngày càng phức tạp, diễn biến khó lường.

Nhiều người đồng cảm với tôi

Những góp ý của ông về vấn đề Biển Đông đã nhận được sự chia sẻ, đồng cảm ra sao từ các vị ĐBQH và cử tri, thưa ông?

ĐB Nguyễn Anh Sơn (SN 1957), tốt nghiệp Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), sau đó phục vụ trong quân đội 5 năm. Năm 1984, ông về công tác ở Văn phòng Đoàn ĐBQH và Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định. Năm 2011, ông là ĐBQH tỉnh Nam Định.

- Có rất nhiều ĐBQH đã đồng tình và cũng có những ĐB phát biểu có nội dung giống tôi.

Tôi thấy một trong những người gắn với tôi nhất khi nói về vấn đề Biển Đông là ĐB Lê Nam (Thanh Hóa). Thỉnh thoảng chúng tôi trao đổi với nhau để xem ai sẽ đề cập đến vấn đề gì từ chủ quyền biển đảo, những lời tuyên bố, những hành động, những chương trình liên quan đến bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Tôi và ĐB Lê Nam còn dự định tổ chức chuyến khảo sát có tính chất cá nhân của ĐBQH về triển khai gói 16.000 tỷ đồng của Chính phủ cho ngư dân vay ưu đãi để đóng tàu vỏ thép, nhưng vì thời gian không có nên chúng tôi phải dừng việc này lại.

Qua theo dõi trên nghị trường, tôi thấy một trong những nội dung khi phát biểu nhận được sự đồng tình của nhiều ĐBQH nhất đó là vấn đề Biển Đông. Vì đây không phải là câu chuyện của nhóm ĐB, câu chuyện của địa phương hay câu chuyện của riêng Quốc hội mà nó là vấn đề quốc gia, dân tộc.

Là người có sự quan tâm đặc biệt đến biển đảo ông thấy vấn đề đáng lo ngại nhất là gì với tình hình hiện nay thưa ông?

- Nếu nhìn suốt một giai đoạn từ 2009 đến nay, câu chuyện Biển Đông càng ngày càng nóng lên, càng ngày càng trở phức tạp. Sắp xếp lại tất cả các sự kiện liên quan đến Biển Đông thấy Trung Quốc họ có sự chuẩn bị rất kỹ, có những bước đi. Sau khi hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển nước ta, họ triển khai xây dựng các đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông với quy mô lớn, tốc độ vô cùng nhanh.

Trung Quốc làm như vậy theo một sự chuẩn bị được tính toán kỹ lưỡng, họ đã buộc các quốc gia xung quanh, trong đó chủ yếu là Việt Nam chúng ta rơi vào “sự đã rồi”. Tôi hết sức lo lắng vì một ngày không xa nữa Trung Quốc sẽ đặt ra vùng cấm bay, vùng cấm tàu thuyền lưu thông trên Biển Đông.

Chúng ta đều biết khi Mỹ đưa tàu tuần tra vào gần vùng Trung Quốc xây dựng đảo trái phép họ đã phản ứng mạnh. Với những gì Trung Quốc đã và đang làm, họ sẽ xác định được vị thế của mình. Cùng với tiềm lực trên nhiều lĩnh vực, họ sẽ khống chế những nước xung quanh, đây là điều khiến tôi hết sức lo ngại.

Xin cảm ơn ông!