Dân Việt

3 kỳ vọng của thể thao Việt Nam

Chính Minh 01/01/2016 06:30 GMT+7
Sau SEA Games 2015 được đánh giá rất thành công với sự “nở rộ” của các môn Olympic, trong năm mới, Thể thao Việt Nam (TTVN) dồn hết nội lực vào nhiệm vụ giành huy chương Thế vận hội 2016. Ba điểm sáng được đặt kỳ vọng tỏa sáng ở Brazil là xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, lực sĩ Thạch Kim Tuấn và “kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên.

Chờ Xuân Vinh bắn trúng “hồng tâm”

Trở lại những ngày thi đấu tại SEA Games 2015, dù đã đóng góp 2/4 Huy chương Vàng (HCV) cho bắn súng Việt Nam nhưng khi trao đổi với NTNN tại trường bắn quốc gia Singapore, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh vẫn không mấy vui, thậm chí anh còn… buồn: “Nội dung 10m súng ngắn hơi chúng ta bắn tốt nhưng 50m súng ngắn lại không được như ý. Với những bài học đắt giá từ trong quá khứ, giờ đây tôi luôn tâm niệm điều cần quan tâm, hướng tới nhất không phải là huy chương, mà phải cố gắng chiến thắng chính mình”- Vinh nói.

img

Những niềm hy vọng của TTVN tại Olympic Rio 2016 (Từ trái qua): Lực sĩ Thạch Kim Tuấn, kình ngư Ánh Viên, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Ảnh: I.T

Trong số các điểm sáng của thể thao Việt Nam lúc này, xạ thủ ngoài 40 tuổi và đã mang hàm đại tá quân đội là người hiểu rõ nhất cái ranh giới vô cùng mong manh giữa thành công-thất bại. Đôi khi, tất cả chỉ được quyết định sau 1 tiếng nổ chớp nhoáng: “Tôi nhận thấy trình độ của mình và các vận động viên (VĐV) hàng đầu thế giới không có sự chênh lệch. Điểm yếu mà mình cần khắc phục chính là trạng thái tâm lý. Ngay cả VĐV giỏi nhất thế giới, khi chuẩn bị tâm lý không tốt cũng sẽ thất bại”- Xuân Vinh cho biết thêm.

Đến giờ, người hâm mộ Việt Nam vẫn chưa quên tại ASIAD 2010 (Quảng Châu, Trung Quốc), khi tấm HCV Á vận hội đã ở rất gần thì Vinh đã bị cướp cò ở lượt bắn cuối. Tới Olympic London 2012, khi mà tất cả đều tin chắc Vinh sẽ giành được tấm HCĐ Thế vận hội lịch sử cho bắn súng nước nhà thì một lần nữa, anh lại bắn không tốt ở viên đạn cuối cùng, chấp nhận xếp thứ 4, kém người xếp thứ 3 đúng 0,1 điểm.

Đi qua những thăng trầm của sự nghiệp, những năm gần đây, Xuân Vinh đã cho thấy độ ổn định ở những giải đấu lớn mà bằng chứng là những tấm HCV 10m súng ngắn hơi Cúp thế giới 2013, 2014; HCĐ 50m súng ngắn bắn chậm Cúp thế giới 2015. Trao đổi với báo chí về cơ hội của Vinh tại Olympic 2016, huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung nhận định: “Tháng 9.2014, Hoàng Xuân Vinh và Trần Quốc Cường đã giành vé chính thức dự Olympic 2016 thông qua giải vô địch thế giới (VĐTG) diễn ra tại Tây Ban Nha. Thời gian qua, cả 2 VĐV đều có những bước tiến chắc chắn về chuyên môn. Đấu trường Olympic luôn vô cùng khốc liệt và hiện tại, chúng ta chỉ biết nỗ lực chuẩn bị tốt nhất mà thôi”.

Kim Tuấn, Ánh Viên tỏa sáng?

Cùng với Hoàng Xuân Vinh, lực sĩ cử tạ Thạch Kim Tuấn là điểm sáng hiếm hoi có hy vọng giành huy chương Olympic 2016. Tại giải VĐTG cuối tháng 11.2015 tổ chức ở Mỹ, các lực sĩ nam đã thi đấu đầy nỗ lực (bản thân Kim Tuấn với chấn thương chưa hoàn toàn bình phục vẫn giành HCĐ hạng 56kg) để xếp hạng 20 đồng đội thế giới. Điều đó đồng nghĩa với việc cử tạ nam Việt Nam được cử 3 suất chính thức dự Olympic 2016.

"Việc giành huy chương Olympic 2016 là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn đối với TTVN. Tuy nhiên, phải nhìn nhận Hoàng Xuân Vinh là VĐV có đẳng cấp thế giới rồi. Với kinh nghiệm dày dạn của mình, trong một  ngày đẹp trời, tôi nghĩ Vinh có thể lập kỳ tích ở Brazil” - Ông Nguyễn Hồng Minh – nguyên Vụ trưởng  Vụ Thể thao thành tích cao, Tổng cục TDTT.

Với khả năng của mình, cửa có huy chương Olympic của Kim Tuấn là khá lớn. Tiếc là sau khi từ Mỹ trở về nước, Tuấn đã được các bác sĩ khám và chẩn đoán bị giãn dây chằng cột sống, đứt gân bánh chè độ 1 và phải nghỉ thi đấu hoàn toàn 1,5-2 tháng để điều trị dứt điểm. Cả ngành thể thao đã cùng vào cuộc để “chạy đua” với Tuấn bởi theo HLV Huỳnh Hữu Chí, Tuấn phải bình phục hoàn toàn vào tháng 2.2016 và có đủ thời gian tối thiểu 5 tháng tập luyện trở lại mới mong lấy lại được phong độ để cạnh tranh huy chương Olympic 2016 khai mạc ngày 5.8. Đối thủ của Kim Tuấn không ai khác vẫn là những người quen mà anh từng so tài ở giải VĐTG 2014, 2015, ASIAD 2014 như của Om Yun Chol (CHDCND Triều Tiên), Wu Jingbiao (Trung Quốc).

Tại giải VĐTG 2014 diễn ra tại Almaty (Kazakhstan), Kim Tuấn đã đạt tổng cử 296kg (135kg cử giật, 161kg cử đẩy) – thành tích tốt nhất trong sự nghiệp của anh. Thông số đó bằng với thông số của Om Yun Chol (CHDCND Triều Tiên) và Tuấn chỉ “rơi vàng” do  nặng hơn đối thủ… 40g (55,75kg so với 55,71kg). Tuy nhiên, tới giải VĐTG 2015, Tuấn chỉ đạt tổng cử 287kg (130kg cử giật, 157kg cử đẩy), hơn tổng cử so với VĐV xếp thứ 4 là Nestor (Philippines) 5kg. Hai VĐV giành HCV và HCB lần lượt là Om Yun Chol (tổng cử 302kg, cân nặng 55,78kg), Wu Jingbiao (Trung Quốc, tổng cử 302kg, cân nặng 55,93kg).

Niềm hy vọng còn lại có thể ghi dấu ấn của TTVN trên đấu trường Olympic 2016 là “kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên. Ngoài việc “làm mưa làm gió” ở SEA Games 2015, điểm nhấn đáng chú ý nhất trong năm của Ánh Viên là việc lọt vào bán kết 200m hỗn hợp tại giải VĐTG 2015 tổ chức tại Kazan-Nga với thông số 2 phút 13 giây 41. Đỉnh cao thành tích của Viên ở nội dung này là thông số 2 phút 12 giây 33 giúp chị giành HCĐ Cúp thế giới 2015 (Matxcơva-Nga).

Nhận định về cơ hội của Ánh Viên tại Olympic 2016, ông Nguyễn Hồng Minh nói: “Tôi tin tới Olympic 2016, Ánh Viên có khả năng sẽ cải thiện được thành tích. Nhưng cũng chỉ hy vọng vượt qua được thông số 2 phút 12 giây 33 để có mặt ở lượt bơi chung kết 200m hỗn hợp nữ, thế là quý rồi. Còn nghĩ tới huy chương thì còn cần thêm thời gian. Cần nhớ, các VĐV cạnh tranh với Ánh Viên đều được phát hiện, tập luyện trong môi trường chuyên nghiệp, giàu tính cạnh tranh từ 7-10 năm rồi. Còn Ánh Viên, tính tới thời điểm khởi tranh Olympic 2016 thì mới được đầu tư chuyên biệt trong khoảng 4,5 năm”. 

Nguyễn Thị Ánh Viên đã đạt 3 chuẩn A Olympic 2016 ở các cự ly 400m tự do, 400m hỗn hợp, 200m hỗn hợp. Trong số này, nội dung 200m hỗn hợp và 400m hỗn hợp được đặt niềm tin giúp Ánh Viên ghi dấu ấn tại Brazil.