Năm 2015, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hiện tượng El Nino cường độ mạnh kéo dài gây nên tình trạng nắng nóng, hạn hán lịch sử ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên hay tình trạng xâm nhập mặn sớm và cao ở đồng bằng sông Cửu Long.
Thu hoạch lúa ở Tiền Giang. Ảnh: I.T
Ông Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay, miền Trung bị hạn hán nặng nề với 50.000ha lúa bị ảnh hưởng, trong đó 10.000ha bỏ trắng, phải chuyển đổi sang các cây trồng khác. Hiện tại, các tỉnh phía Nam đang có hơn 9.000ha bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn, năng suất giảm…
Ngay khi tập trung phân tích xu hướng của diễn biến thời tiết, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương đẩy mạnh sản xuất vụ thu đông. Nhờ vậy, diện tích gieo trồng đạt 871.000ha, tăng 56.000ha, sản lượng lúa đã được bù đắp phần thiếu hụt và có sự gia tăng về sản lượng so với năm 2014.
Một sự thay đổi đáng lưu ý là để ứng phó với biến đổi khí hậu và sản xuất theo tín hiệu của thị trường, trong năm 2014 đã có 214.000ha đất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác, có giá trị kinh tế cao hơn và giảm bớt khó khăn về thị trường xuất khẩu lúa gạo. Riêng các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển đổi được hơn 100.000ha.
Tuy nhiên, mục tiêu chuyển đổi sang cây ngô vẫn còn hạn chế, dẫn đến lượng ngô nhập khẩu vẫn còn cao. Để tháo gỡ, Bộ NNPTNT đã công nhận 11 giống ngô biến đổi gene và đưa vào trồng với diện tích khoảng 3.500ha, phấn đấu sẽ tăng lên 35.000-40.000ha thời gian tới.
Năm 2015, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 50,54 triệu tấn, tăng 378.000 tấn. Giá trị bình quân/ha đất trồng trọt ước đạt 82,5 triệu đồng/ha, tăng 3,8 triệu đồng/ha so với năm 2014.