Dân Việt

'Đừng ép tôi cai nghiện Happy New Year khi năm mới về'

Bình luận viên Anh Râu 01/01/2016 01:00 GMT+7
Hãy quên câu chuyện thảm hại phía sau "Happy New Year" đi để tận hưởng giai điệu muôn đời bất tử.

Nếu mỗi bài hát có một số phận, thì số phận của ca khúc Happy New Year do ban nhạc ABBA thể hiện quả thật có đời sống mãi hoài thú vị.

Một bài hát có tiêu đề Chúc Mừng Năm Mới nhưng ca từ lại nhắc rất nhiều tới những nỗi buồn, sự mất mát, sự ảm đạm lạc lõng của bầu trời Bắc Âu rạng sáng ngày mùng 1 Tết, về những giấc mơ đã chết…

Một số người yêu thích âm nhạc, yêu thích ABBA và sử dụng thành thạo ngoại ngữ đặt ra câu hỏi, tại sao lại hát một bài hát thảm hại như vậy trong dịp tết đến xuân về? Có bạn đọc còn comment, ở nước tây chẳng ai còn hát bài này vào dịp năm mới nữa. Và chỉ có dân Việt Nam mới vẫn còn kiểu hâm mộ một cách đầy hạnh phúc, hân hoan bài hát này đến vậy.

Và họ lại hỏi tiếp, liệu những cô nàng, anh chàng ABBA cũ kỹ sẽ nghĩ gì khi thấy người Việt đang nghĩ về "đứa con tinh thần" của họ hoàn toàn khác với tinh thần gốc của bài hát?

img

Nghệ thuật, không động vào thì thôi, nhưng đã phân tích thì phải có đôi chút lý lẽ cho nó chắc dạ.

Tôi hỏi mãi, mới hay tồn tại một cái lý thuyết gọi là "Lý thuyết Tiếp nhận". Theo đó, người ta cho rằng tác giả là cha mẹ tác phẩm, nhưng tác phẩm ấy tồn tại được trong cuộc đời lại là nhờ khán giả. Khán giả khi nghe hát, đọc thơ, xem tranh… sẽ tự sáng tạo ra thế giới của riêng mình.

Đại khái cùng một cuốn tiểu thuyết ngôn tình, nhưng đọc xong, chị này nghĩ soái ca phải thế này, chi kia gân cổ cãi soái ca phải thế khác... Chính những suy nghĩ của các chị đã góp phần làm nên tiểu thuyết - dù rằng thực tế, hình mẫu soái ca phải cụ thể thế nào thì chẳng ai dám chắc.

Lý thuyết này còn lưu ý, cá tính khán giả, hoàn cảnh tiếp nhận cũng làm nên cái hồn của tác phẩm.

Nôm na là, chị nào mà mới bị người yêu đá, lại còn bị đuổi việc vì chểnh mảng… hẳn sẽ thấy soái ca là người ngoài trái đất, là hạt ngọc khó tìm trên bãi biển phàm phu tục tử. Thế nhưng một cô gái vừa được bố mẹ mua cho con Iphone 6S hẳn sẽ thấy soái ca không ở đâu xa, mà chính là các hotboy trên mạng xã hội ảo Facebook.

Cá nhân tôi khi nghe giai điệu của bài hát Happy New Year  lại nhớ đến những ngày thơ ấu đầu thập niên 90. Chiều 28 Tết, lũ trẻ chúng tôi được nghỉ học, sung sướng chạy chơi trong sân khu tập thể. Vang trong không gian là ca khúc Happy New Year phát kèm trong chương trình của đài truyền hình. Tiếng của những chiếc tivi màu mới mua nó mới xốn xang làm sao. 

Cô em gái lũn chũn của tôi chạy loăng quăng trong sân khu tập thể, mặc áo len đỏ, quần len tím sơ-vin tận rốn. Nó líu lo “hập bì nìu niu dia, hập bì nìu niu dia…”. Ai đi qua cũng phải cười toét miệng trêu nó một câu. Con bé hát cả tết, mỗi lần hát là lại được các bác, các cô cười tươi như hoa, đặt vào tay nhiều tờ mười nghìn đỏ hồng mới cứng.

Bây giờ thì con bé đã là giảng viên tiếng Anh của một trường Đại học đối ngoại. Nó không còn hát ngọng líu ngọng lô, nhưng năm nào cũng hát đi hát lại cái điệp khúc Happy New Year. Và nó vẫn hát với cái say mê của năm 3 tuổi. Chưa cái Tết nào quên.

Trải nghiệm đó của tôi chắc cũng gợi đến cho nhiều người thời kì đất nước bắt đầu đổi mới, khi tất cả chúng ta đều có những kỳ vọng lớn lao ở tương lai. Và ca khúc Happy New Year đã đến với người Việt Nam như một tín hiệu cho những cái tết nhiều thịt hơn, nhiều chất cay hơn, có xe máy Nhật và tivi màu, những chợ hoa đầy ắp đào Nhật Tân….

Có lẽ hoàn cảnh Việt Nam những năm đầu đổi mới, kết hợp với bản tính “cuộc đời vẫn đẹp sao” của người Việt đã làm nên một cách thưởng thức bài hát Happy New Year theo một cách cũng rất riêng. Có tý linh thiêng của giao thừa, có tý bồi hồi tổng kết năm qua và rất nhiều, rất nhiều sự lạc quan chào đón năm mới.

img

Tất nhiên, không thể nào có chuyện: ý nghĩa bài hát một đằng mà người nghe hiểu hoàn toàn một nẻo.

Nếu lấy hết hình ảnh của gia đình và bạn bè trong một năm, ghép chúng lại thành một clip ngắn, chèn Happy New Year vào… rồi đem chiếu cho cả nhà xem vào tối đêm giao thừa... Xin thề, tác phẩm ấy chắc chắn hợp tình hợp cảnh kinh khủng, bất chấp lời bài hát buồn rầu hay thảm hại đến cỡ nào… Thế nên, hãy cứ Happy New Year đi. Nghe nó và hát nó theo cách mà chúng ta cảm nhận. 

Cha mẹ sinh con trời sinh tính. Tác giả gửi gắm tâm sự vào bài hát. Nhưng bài hát “sống” như thế nào là việc của nó. Đời đối xử với nó ra sao, tác giả làm sao can thiệp nổi. Trong trường hợp này, đứa con được cho là “thảm hại” của một ban nhạc Bắc Âu lại trở thành “người hùng” biểu tượng cho niềm lạc quan và đầy tin yêu của người Việt. 

Tác giả mượn nốt nhạc để viết nên bài hát, còn chúng ta mượn bài hát của tác giả để sáng tạo nên một tâm thế mới. Nâng ly lên, chúng ta đã sống như thể một nghệ sĩ thực thụ. Và hoàn toàn không quá lời, đấy là hình thái nghệ thuật cực cao cấp.

Và kính gửi anh chị ABBA. Chúc mừng năm mới các anh chị. Cháu nhà anh chị rất tuyệt vời, chúng tôi rất yêu quý chúng. Rất mong anh chị bớt chút thời gian sang Việt Nam chơi dịp tết này.

Cuối cùng, ngôn ngữ nghệ thuật không phải lúc nào cũng lồ lộ, nói buồn là buồn, nói vui là vui. Đã chắc người phán xét tác phẩm đã là người hiểu đúng ý tác giả?

Thế nhé, hãy quên câu chuyện thảm hại gì đó đằng sau ý nghĩa ca khúc đi. Nâng ly lên và cùng tận hưởng hạnh phúc năm mới trong tiếng nhạc dập dìu của Happy New Year bất tử.Trên tất cả, đừng ép tôi, đừng ép ai phải "cai nghiện" Happy New Year mỗi dịp xuân ấm tràn về.

Video: ABBA và ca khúc kinh điển "Happy New Year"