Cải thiện hình ảnh
Hai ngày cuối năm 2015, các nhà quản lý ngành VHTTDL tập trung nhìn lại một năm và bàn cách tháo gỡ khó khăn khi bước sang năm mới, đặc biệt là ngành du lịch ngày càng được nhiều địa phương coi là kinh tế mũi nhọn. Năm 2015, du lịch Việt Nam đón hơn 7,9 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ hơn 58 triệu lượt khách nội địa và tổng thu hơn 338 nghìn tỷ đồng. Dù chưa đạt được số khách du lịch quốc tế đề ra với 8,5 triệu lượt, nhưng tổng thu tăng 6,2%.
Dù không có nhiều tiền quảng bá, xúc tiến thu hút khách nước ngoài, nhưng ngành du lịch đề xuất nhiều giải pháp tăng hiệu quả trong năm mới. Ảnh: Toan Toan.
Tham dự Hội nghị triển khai công tác năm 2016 ngành VHTTDL, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ cảm nhận khi đến nhiều địa điểm du lịch có tiếng như Đà Nẵng. “Tôi đề nghị chúng ta có thể làm tốt được hai điều, là khách sạn phải rất sạch sẽ, thái độ phải thật lễ phép. Tôi đi có nơi thấy khách sạn bốn sao mà thảm ở sảnh đen sì sì, mùi hôi nồng nặc. Không phải miễn visa là du lịch tăng ngay được. Có những thứ không hề đao to búa lớn như trên chúng ta có thể làm trước để lan tỏa”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói. Ngay sau đó, người đứng đầu ngành du lịch nghiêm túc tiếp thu, hứa sẽ phối hợp chặt chẽ thanh tra, địa phương xử lý và khắc phục.
Đó chỉ là một trong những mặt hạn chế của du lịch nước nhà. Quảng Ninh là một trong những địa phương sở hữu điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước, tuy nhiên bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nói Quảng Ninh tự thấy chất lượng du lịch chưa thật sự chuyên nghiệp, thái độ của người cung cấp dịch vụ, thái độ của người dân chưa hoàn toàn thân thiện. “Môi trường du lịch vẫn còn tình trạng chặt chém, hở ra thu được gì của khách là thu. Chuyện rất nhỏ như nhà vệ sinh công cộng, hoạt động dịch vụ công cộng khác chưa được quan tâm”, bà Thủy nói.
Nhiều chuyên gia du lịch từng cảnh báo đôi khi địa phương lại quảng bá quá sự thật, khiến khách đến không hài lòng. “Nhiều khi chúng ta yêu quê hương quá nên quảng bá quá đẹp, rằng tiềm năng lắm. Khu Ramsar ở Nam Định chẳng hạn, không phù hợp để phát triển du lịch, nó chỉ đơn thuần là khu dự trữ sinh quyển”, ông Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định từng thẳng thắn nhìn nhận.
Quảng bá kiểu con nhà khó
Tại hội nghị triển khai công tác ngành năm 2016, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn than, kinh phí quảng bá xúc tiến chẳng được bao nhiêu, chỉ 27 tỷ đồng (hơn 1 triệu USD). Con số này chưa bằng số lẻ của các nước như Malaysia, Thái Lan. Dẫu vậy, ông Tuấn tin tưởng ở chiến lược huy động nhiều nguồn lực, không chỉ trông chờ số tiền ít ỏi này.
“Ngay đầu năm chúng tôi gửi địa phương các chương trình quảng bá, xúc tiến trong và ngoài nước để mong có sự chủ động hợp tác. Ngoài ra, Tổng cục cũng huy động nhiều nguồn từ doanh nghiệp, hãng hàng không, đối tác nước ngoài đưa khách đến Việt Nam”, ông Tuấn nói. Cụ thể nhất là nếu đón một đoàn khảo sát trước đây mất khoảng 500 triệu đồng, nay có thể chỉ mất khoảng 100 triệu nếu có hỗ trợ vé máy bay quốc tế và một số hỗ trợ khác.
Hà Nội cũng được nói đến với vai trò tích cực phối hợp với Tổng cục trong quảng bá, xúc tiến ở nước ngoài. Năm 2016, Hà Nội tham gia bốn hội chợ quảng bá xúc tiến du lịch quan trọng ở nước ngoài, trong đó có hội chợ lớn JATA ở Nhật Bản. “Ba năm rồi chúng tôi tham gia hội chợ JATA thấy kết quả đầy triển vọng”, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nói.
Dù các di sản văn hóa như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Cổ Loa được khách quốc tế ưa thích, tuy nhiên, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cũng nói như thế chưa đủ. Hà Nội cần chủ động phối hợp Đà Nẵng, Hội An, Kiên Giang tham gia hội chợ quốc tế, giới thiệu sản phẩm liên kết tua tuyến du lịch để có các sản phẩm phong phú.
Một số giải pháp khác được nhắc đến để đạt hiệu quả quảng bá, xúc tiến cao nhất: E-marketing, xây dựng sản phẩm đúng với thị trường. “Nhiều địa phương không có tiềm năng đón khách quốc tế nhưng cứ đòi quảng bá xúc tiến ở nước ngoài, như thế gây lãng phí”, ông Nguyễn Văn Tuấn nói. Ngành du lịch vẫn xác định thị trường Đông Bắc Á, châu Âu và Mỹ, ASEAN là trọng tâm. Trong đó thị trường Đông Bắc Á chiếm gần 50% khách quốc tế, năm vừa rồi Hàn Quốc vươn lên đứng vị trí thứ hai với hơn 1 triệu lượt đến Việt Nam.
“Về dài hạn, chúng ta phải gắn quảng bá xúc tiến với định vị thương hiệu, xây dựng sản phẩm tốt và quản lý điểm đến đảm bảo môi trường du lịch. Nếu chúng ta không tạo niềm tin, khách đến không thấy hài lòng thì quảng bá, xúc tiến cũng thất bại”, ông Tuấn nói.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác VHTTDL năm 2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá năm 2015 dù khó khăn nhưng ngành nỗ lực và cơ bản đạt được kế hoạch.
“Trong thành tựu chung, chúng ta không thể không nhắc tới đóng góp quan trọng của ngành VHTTDL. Không đơn thuần doanh thu du lịch bao nhiêu, bao nhiêu tấm huy chương SEA Games, doanh nghiệp đầu tư bao nhiêu, mà còn nhiều yếu tố khác trong đó có con người”, Phó Thủ tướng nói. Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, những người làm văn hóa phải rất tỉ mỉ, thực chất, tiếp tục nỗ lực làm cho các cơ quan, đoàn thể, tổ chức và người dân nhận thức thực sự đúng đắn về các chuẩn mực văn hóa.