Dân Việt

Bàn chuyện danh hiệu "Hoa hậu quốc dân"

Hà Phạm 03/01/2016 09:32 GMT+7
Ngày cuối năm, cả “quốc dân” mới xôn xao chuyện “hoa hậu quốc dân” Phạm Hương trở về khóc nấc trong vòng tay mẹ...

Cuối năm, nhiều vấn đề của quốc dân được đem ra bàn luận trong các cuộc tổng kết, bình bầu, trong đó bao gồm cả các vấn đề văn hóa, giải trí nữa. Chẳng hạn như chuyện người đẹp Thúy Vân, đoạt giải Á hậu 3, Hoa hậu Quốc tế đã được coi là một trong 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu của đất nước.

Mặc dù, sau sự cố xướng nhầm tên ở Hoa hậu Hoàn vũ 2015, vẫn còn những quan điểm cực đoan (như quan điểm của cây bút Jessica Valenti của tờ The Guardian) cho rằng, “cần chấm dứt ngay việc các cô gái mặc bikini đi lại trước mặt Ban giám khảo”, và rằng các cuộc thi sắc đẹp chỉ là cơ hội để các cô gái trẻ thể hiện tính ganh ghét, đố kỵ...

img

Phạm Hương tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2015. Ảnh: missosology

Nhưng, nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của ta đang trong quá trình đẩy mạnh hội nhập, thì đương nhiên có cả việc hội nhập về sắc đẹp nữa, tuy nó không gắn với vấn đề quốc kế, dân sinh, đặc biệt là chuyện cơm ăn áo mặc hàng ngày, nhưng ai bảo là không quan trọng, không khiến giới trẻ sôi lên sùng sục, còn các nhà văn hóa, ngoại giao cũng thấy mát mặt, khi hai chữ Việt Nam được xướng lên trên đấu trường sắp đẹp quốc tế?!

Và thế là, ngày cuối năm, cả “quốc dân” mới xôn xao chuyện “hoa hậu quốc dân” Phạm Hương trở về khóc nấc trong vòng tay mẹ. Cho dù thành tích của cô không thực sự đáng kể (không vào Top 15), nhưng “những bước đi hoàn vũ” như rắn lượn của cô trong cuộc thi cũng khiến dân tình mê tít. Chẳng hề gì, miễn được công chúng yêu thích, bầu chọn thì cũng xứng đáng là người đẹp của “nhân dân”  (à không, người đẹp của “quốc dân”) rồi.

Mà chữ “quốc dân” thì có gì khác với chữ “nhân dân” nhỉ? Về cơ bản có lẽ cũng không khác, nhưng thời trước, người ta thích dùng từ “nhân dân” hơn, vì nó hướng tới quảng đại quần chúng cần lao, còn từ “quốc dân” ít nhiều không thể hiện tính giai cấp.

img

Biển chào đón "Hoa hậu quốc dân" Phạm Hương ngày trở về tại sân bay Tân Sơn Nhất

Người Nam Triều Tiên lấy tên nước là Đại Hàn dân quốc, nên đặc biệt khoái hai chữ “quốc dân”. Họ có “Con rể quốc dân”, “Em gái quốc dân”, “Tình đầu quốc dân”... Bất cứ nhân vật nào được cả “quốc dân” xứ Đại Hàn quan tâm, yêu mến là họ lập tức tấn phong luôn. Tất nhiên, xét về tiêu chuẩn, thì đạt danh hiệu “quốc dân” còn phải “là người đem lại cảm giác gần gũi, thân quen, góp phần kết nối thế giới showbiz với khán giả hâm mộ nước nhà”.

Giờ đây, trong “làn sóng Hàn” tươi mát và làn sóng hội nhập xôn xao, “quốc dân” thì cũng là “nhân dân” cả thôi.

Danh hiệu do công chúng tấn phong, để sử dụng trong nội bộ đất nước, kể ra cũng rất tốt.

Và một cái danh hiệu đẹp như vậy, tất nhiên, không chỉ dành cho riêng Phạm Hương khi cô khóc nấc trong vòng tay mẹ, mà Hoa khôi Lan Khuê cũng trở thành “Hoa hậu quốc dân” khi gây bất ngờ trong vai trò MC, cho dù trước đó cô chỉ vào Top 11 Hoa hậu Thế giới nhờ sự bầu chọn của công chúng, và cô phải khóc cạn nước mắt khi không được xuất hiện mở màn Dances Of The World.

Trước sự  quan tâm của “quốc dân”, truyền thông lập tức bầu ra Top 3 Hoa hậu quốc dân, đưa thêm cả Hoa hậu Đặng Thu Thảo vào. Nhưng xem chừng, “quốc dân”  vẫn còn nhiều ý kiến, nên báo chí lại phải đặt tiếp câu hỏi “Ai là hoa hậu quốc dân đình đám nhất showbiz?”, và tiến cử thêm cả hoa hậu Mai Phương Thúy, Nguyễn Thị Huyền nữa.

Nói đến “quốc dân” rồi thì lại phải nói đến “nhân dân”. Hà Nội vừa công bố danh sách nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, nhưng có vẻ “quốc dân” không chú ý đến lắm, nên báo chí chỉ đưa tin chiếu lệ.

Giá như có một cuộc bình bầu “Ai là nghệ sĩ nhân dân được yêu mến nhất” thì chắc chắn các nghệ sĩ mới được tước phong, sẽ nở mày nở mặt, sau quá trình bình xét đầy áp lực. Và giá như có cuộc bình bầu “Ai là nghệ nhân nhân dân vĩ đại nhất” thì chắc chắn các cụ nghệ nhân, sau bao năm mòn mỏi vừa lần đầu tiên được đón nhận danh hiệu, sẽ bớt tủi thân hơn nhiều...