Dân Việt

Remix nhạc xưa: Phá cách hay phá hoại?

Huy Cường 03/01/2016 09:07 GMT+7
Ngày càng có nhiều ca sỹ trẻ tìm mọi cách để “tỏa sáng” bằng cách remix (chỉnh sửa) nhạc xưa. Vấn đề đặt ra là sáng tạo ở chừng mực nào để không phá hỏng các ca khúc vốn đã nằm lòng với số đông người hâm mộ Việt. Điều đó thì nghệ sỹ trẻ không tiệm cận được.

Ngày càng có nhiều ca sỹ trẻ tìm mọi cách để “tỏa sáng” bằng cách remix (chỉnh sửa) nhạc xưa. Vấn đề đặt ra là sáng tạo ở chừng mực nào để không phá hỏng các ca khúc vốn đã nằm lòng với số đông người hâm mộ Việt. Điều đó thì nghệ sỹ trẻ không tiệm cận được.

Trào lưu gây tranh cãi

Những ngày qua, khán giả cả nước xôn xao về bài hát "Quảng Bình quê ta ơi", sáng tác của nhạc sỹ Hoàng Vân, được Hồ Ngọc Hà trình diễn trong Lễ khai mạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 35 ngay trên mảnh đất Quảng Bình, với bản phối khí hoàn toàn mới.

Nhiều khán giả không đồng tình với cách làm mới ca khúc của ê-kíp và cho rằng, bản phối trình diễn không đúng với “hơi thở” của bài hát.

img

Hồ Ngọc Hà hát "Quảng Bình quê ta ơi" trên nền nhạc Remix. (Ảnh: VTV)

PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái, nhà phê bình văn hóa – giảng viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thẳng thắn phê bình bản phối và cách trình diễn của Hồ Ngọc Hà. Bà cho rằng, đây là ca khúc đã đi cùng năm tháng, được hát và gắn liền với rất nhiều thế hệ ca sỹ. Ca sỹ phải hát thế nào để bài hát này vẫn giữ được kỷ niệm và lòng yêu mến với địa danh Quảng Bình.

Trái lại, NSND Thu Hiền, ca sỹ thể hiện thành công nhất ca khúc Quảng Bình quê ta ơi lại cho rằng, một ca sỹ trẻ, dám hát một ca khúc cũ, đã đi vào lòng người là một sự mạnh dạn, đáng được trân trọng. Do đó, không nên quá khắt khe, lên án, chê bai và cho rằng, cô đã phá hỏng ca khúc.

Cần phải nói rằng, thời gian gần đây, việc remix ca khúc cũ đang trở thành một trào lưu. Đây cũng không phải là lần đầu tiên một ca khúc “nằm lòng” với khán thính giả Việt được “làm mới” gây tranh cãi.

Thái Thùy Linh được xem là một trong những ca sỹ đi đầu trào lưu này. Cô khiến khán giả “ngã ngửa” khi tung album Bộ đội với rất nhiều bài hát quen thuộc như Dậy mà đi, Hát cho dân tôi nghe, Hò kéo pháo... nhưng lại có cách hát hoàn toàn khác biệt bằng bản phối rock đậm đặc. Thế nhưng, sau đó không lâu, album này lại được khán giả lẫn giới chuyên môn hết lời khen ngợi.

Tiếp nối, hàng loạt ca sỹ như Mai Quốc Huy, Phan Đinh Tùng, Phạm Anh Khoa, Đan Trường, Lam Trường, Tóc Tiên... cũng giới thiệu với khán giả những ca khúc cũ trong “chiếc áo mới”. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận, bên cạnh những bản nhạc remix hay, vẫn còn không ít ca khúc phá cách quá đà, “nhiều sạn”, khó nghe.

Sáng tạo nhưng phải phù hợp

Bình luận về vấn đề này, nhạc sỹ Hải Âu cho rằng, remix một ca khúc nhạc xưa “nằm lòng” trong công chúng là thử thách rất lớn. Bởi, theo thói quen, khi một điều quen thuộc bị thay đổi bao giờ cũng gây ra sự băn khoăn, phản đối và âm nhạc cũng không là ngoại lệ.

Chia sẻ với PV, nhạc sỹ Quốc Trung nói: “Phối khí một ca khúc cũ để tạo sự khác biệt là rất khó. Do đó, nó thường thất bại do ấn tượng đầu tiên của đám đông vì “dám” khác biệt với điều đã quá quen thuộc. Nhưng, cần nhìn nhận rằng, các ca khúc cũ được “khoác chiếc áo mới” thường mang lại sự mới mẻ, thú vị cho người nghe”.

Trong khi đó, ca sỹ Ánh Tuyết nhận định, sáng tạo trong nghệ thuật là điều cần thiết và không có giới hạn. “Điều đáng nói, không ít ca sỹ trẻ hiện nay chạy theo thị hiếu, sáng tạo theo kiểu vô tội vạ. Điều này là thật sự đáng lo ngại. Thật ra, không phải bất kỳ ca khúc nào cũng có thể phối khí theo phong cách mới được”, nữ ca sỹ bình luận.

Trao đổi về vấn đề này, “phù thủy phối khí” Thanh Tâm chia sẻ: “Tôi luôn nghe bản phối cũ, tìm hiểu rõ ý tưởng của tác giả rồi nâng ca khúc cũ lên bằng cách của mình. Bản phối khí mới phải diễn đạt đầy đủ ý đồ của bài hát nhưng không đưa cái tôi của mình vào quá nhiều. Ngoài ra, tôi cũng sáng tạo theo kiểu “đo ni đóng giày” phù hợp với từng giọng hát của ca sỹ. Việc hòa âm một ca khúc cũ luôn là làm sao để người nghe cảm thấy hay, hoàn mỹ, hợp lý”.

Nghệ sỹ cần sự sáng tạo, bước ra khỏi vùng “an toàn” trong lòng người hâm mộ. Chỉ như thế, họ mới được khán giả đón nhận, ghi dấu ấn trong lòng người hâm mộ. Tuy nhiên, người nghệ sỹ cũng không nên chạy theo thị hiếu hay làm bằng mọi cách để tạo sự khác biệt để rồi phá hủy những giá trị cố hữu, mà cần tỉnh táo, cân nhắc kỹ lưỡng trước những sáng tạo của mình. Hy vọng có thể làm “sống dậy” ca khúc cũ Tùng Dương là ca sỹ thể hiện thành công rất nhiều ca khúc cũ như Chiếc khăn Piêu, Hồ trên núi, Trên đỉnh Phù Vân...

Trao đổi với PV, anh cho rằng, cover một ca khúc cũ phải tạo được ấn tượng, sắc thái khác, mới. Bản phối mới phải là sự hợp sức của nhạc sỹ sáng tác, nhạc sỹ phối khí và ca sỹ thể hiện. Anh hy vọng, mình cũng như các ca sỹ trẻ sẽ tìm cách sáng tạo để các ca khúc là vốn quý của âm nhạc Việt Nam có thể “sống dậy”, để đồng hành cùng thế hệ hôm nay với một tâm thức, cảm xúc mới. Điều này là một sự sáng tạo đầy ý nghĩa trên những giá trị cũ.