Dân Việt

Bộ trưởng Bộ Y tế: Tai biến sau tiêm chủng là không tránh khỏi

Diệu Linh 04/01/2016 09:27 GMT+7
Trả lời báo chí về “cơn sốt” vaccine dịch vụ vào ngày cuối cùng năm 2015, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, cho dù tiêm bất cứ loại vaccine nào cũng có tỷ lệ nhỏ các ca tai biến sau tiêm mà chúng ta phải chấp nhận.

img

Người dân cho con đi tiêm vaccine Pentaxim tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Ảnh: Diệu Linh

Bộ trưởng phân tích, hiện nay một bộ phận phụ huynh cho rằng, vaccine Quinvaxem 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) có tỷ lệ phản ứng (tai biến) sau tiêm cao hơn các vaccine dịch vụ vô bào phòng các bệnh tương tự (cụ thể là Pentaxim hoặc Infarix Hexa). Thực tế, vaccine giống như mọi loại thuốc khá đều có khả năng xảy tai biến hoặc phản ứng phụ không mong muốn cho người sử dụng. “Khi tiêm vaccine là đưa một kháng nguyên lạ vào cơ thể, để cơ thể gặp kháng nguyên lạ sẽ kích thích sản xuất kháng thể để chống lại virus gây bệnh. Trong quá trình kích thích đó, sẽ có một vài người có phản ứng quá mẫn cảm với “chất lạ” và gây ra các phản ứng quá mạnh hoặc sốc phản vệ. Các phản ứng của cơ địa rất khó phòng vệ, dự báo” – Bộ trưởng cho biết.

"Hiện 92% trẻ dưới 1 tuổi tại Việt Nam vẫn đang tiêm vaccine Quinvaxem trong khi đó tiêm dịch vụ vaccine “5 trong 1” như Pentaxim, Infarix Hexa chỉ chiếm 8%”.
 Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Tiến, nguy cơ trẻ tử vong sau tiêm vaccine là khoảng 1-4 trường hợp/ 1 triệu liều vaccine. Nhưng nếu không tiêm chủng và mắc bệnh nào đó thì tỷ lệ tử vong ít nhất 100 - 200/1 triệu trẻ.

Hiện vaccine dịch vụ đang khan hiếm trên toàn cầu, việc chờ đợi sẽ đánh mất đi cơ hội phòng bệnh của trẻ. Còn vaccine Quinvaxem thì được cung cấp đầy đủ, miễn phí cho mọi trẻ. Vì lợi ích của con, người dân cần có sự lựa chọn sáng suốt.

Bộ trưởng Tiến phân tích thêm, ví dụ, như khi trẻ bị chó cắn, nếu muốn xác định con chó đó có bị dại hay không thì phải theo dõi 14 ngày. Nhưng nếu như không tiêm sau 72 giờ thì trẻ có nguy cơ bị mắc bệnh dại và nếu mắc bệnh dại thì 100% tử vong. Và khi tiêm cũng sẽ xảy ra nguy cơ vài chục phần triệu trẻ bị sốc, viêm não, màng não, dây thần kinh, có người tiêm còn bị liệt? Bộ trưởng cũng nhận trách nhiệm khi ngành y  tế đã không lường trước được tâm lý của người dân, tổ chức tiêm dịch vụ không tốt, dẫn đến vụ việc người dân chen lấn, giẫm đạp tại điểm tiêm 182 Lương Thế Vinh (Hà Nội) trong ngày 24.12.2015 vừa qua.