Dân Việt

Thông tin xấu, độc trên mạng: Hãy là người đọc thông thái

Hải Phong 04/01/2016 09:30 GMT+7
Trước mỗi kỳ Đại hội Đảng, trên mạng Internet lại xuất hiện hàng loạt những thông tin không rõ nguồn, không có kiểm chứng với nội dung xuyên tạc, bôi xấu về các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XII này cũng không phải là ngoại lệ. Phải làm gì để ngăn chặn những dòng thông tin xấu độc, để mỗi người có tự tạo ra một cơ chế đề kháng chống lại những thông tin kiểu này?

An ninh mạng - thách đố ghê gớm

Tại Hội nghị báo chí toàn quốc vừa mới diễn ra, Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông (TTTT) Trương Minh Tuấn đã thừa nhận: “Hiện trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều thông tin xấu độc. Đặc biệt trước các kỳ Đại hội Đảng và khi chuẩn bị về công tác nhân sự, các trang này hầu hết xuyên tạc đường lối chính sách và bôi xấu lãnh đạo Đảng và Nhà nước”.

img

Thứ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn tại Hội nghị báo chí toàn quốc. Nguồn: Infonet

Trong lần trò chuyện  với báo giới nhân dịp đầu năm mới này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã đặc biệt nhấn mạnh: Các vấn đề như an ninh nguồn nước, lương thực, năng lượng…, đều quan trọng, nhưng cũng có thể giải quyết được vì mình hình dung nó rõ ràng. Nhưng an ninh mạng mới là nguy cơ mà chúng ta phải đối mặt, nhưng lại là một nguy cơ rất khó nhìn nhận, đánh giá. “Nó thực sự là một thách đố ghê gớm” - Chủ tịch nước khẳng định.

Để làm rõ ý của mình, ông phân tích thêm: Nói an ninh mạng là thách đố ghê gớm vì hiện toàn thế giới đang tập trung rất nhiều nguồn lực để kiểm soát vấn đề này. “Giờ nhiều thứ (trên mạng) không thể kiểm soát được, rất nguy hiểm. Các trang mạng có thể lái dư luận đi theo hướng nó muốn mà nhiều khi cơ quan tuyên giáo cũng phải chịu. Điều này trước đây không hề có”- Chủ tịch nước đánh giá.

Chính vì thế, Chủ tịch nước đã căn dặn lực lượng công an: “Muốn đảm bảo và giữ ổn định chính trị, an ninh quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế, xã hội phát triển, bằng mọi cách phải vượt qua trình độ còn hạn chế, yếu kém cả về con người lẫn phương tiện, công nghệ để khắc phục được những mối nguy hiểm rình rập từ an ninh mạng”.

Và Chủ tịch nước cũng lưu ý: Cần tập trung nâng cao trình độ của đội ngũ làm công tác về an ninh mạng. Và điều quan trọng là phải học tập kinh nghiệm từ bạn bè quốc tế bằng cách gửi anh em đi học ở những nước phát triển nhất về an ninh mạng, trang bị những máy móc, thiết bị hiện đại tương thích với nhu cầu. “Phải dùng công nghệ đối trọng với công nghệ chứ không thể dùng ý chí đối trọng với công nghệ”- Chủ tịch nước chốt lại vấn đề.

Sẽ là vô ích, nếu…

"Cần phải có chế tài đủ mạnh đối với người sản xuất thông tin độc hại, kém chất lượng, vi phạm pháp luật; khuyến khích cung cấp thông tin tốt phục vụ nhu cầu công chúng. Phải nâng cao việc định hướng dư luận, nâng cao nhận thức, trình độ tiếp nhận, xử lý thông tin của công chúng...".

GS-TSKH Phan Xuân Sơn

Trước các luồng thông tin xấu và độc hại đang lây lan trên mạng với sự “trợ giúp” vô tình của mạng xã hội, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã đưa ra giải pháp: "Chúng tôi chỉ đạo các cơ quan báo chí đấu tranh lại các thông tin xấu độc này. Người làm báo phải vững vàng về bản lĩnh chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, cần có những bài viết có tính chiến đấu sâu sắc hơn, vạch trần âm mưu thủ đoạn xuyên tạc của những kẻ xấu, những thế lực thù địch. Thứ hai, cần có bài viết nâng cao tinh thần cảnh giác để người dân biết đó là thông tin xấu độc".

“Chúng ta không chặn mạng xã hội, tự do báo chí và tự do Internet là quan điểm nhất quán của Nhà nước. Tuy nhiên, đối với những trang xấu độc, xuyên tạc, có tính chất vu cáo để chia rẽ nội bộ thì chúng ta dùng nhiều biện pháp, trong đó có cả biện pháp kỹ thuật nếu cần thiết”- Thứ trưởng Trương Minh Tuấn quả quyết.

Các biện pháp kỹ thuật được đưa ra, nhưng đó chỉ là những giải pháp mang tính tạm thời. Bởi nếu chặn tường lửa một trang web xấu, sẽ có ngay cả trăm cách để vượt qua tường lửa đó. Nếu đánh sập một trang này, sẽ sẵn sàng có ngay vài trang khác thay thế. Đó chính là sự biến ảo khôn lường của thế giới mạng.

Trao đổi với PV NTNN, GS-TSKH Phan Xuân Sơn (nguyên Viện trưởng Viện Chính trị học, Học viện Chính trị - Quốc gia Hồ Chí Minh)  phân tích: Chúng ta đang sống trong thời đại “bùng nổ thông tin”, xuất hiện nhiều “kênh thông tin” với vai trò và tác dụng khác nhau. Giá trị của thông tin hiện nay không phải ở vị trí “độc quyền”, “chính thức” hay “quan trọng” của người cung cấp thông tin nữa mà  nằm ở chất lượng thông tin, ở độ tin cậy, độ nhanh nhạy và độ xác thực của thông tin.

GS Sơn cho rằng, với sự phát triển của Internet, mạng xã hội trên nền tảng dân chủ và pháp quyền, thông tin trở thành đa dạng, được cung cấp bởi truyền thông đa phương tiện. Người cung cấp thông tin cũng rất đa dạng về tư cách và mục đích. Tình hình đó, buộc những người cung cấp và tiếp nhận thông tin phải nhìn nhận lại chính mình, phải trưởng thành cùng xã hội và thế giới.

Ông Sơn cũng khẳng định, việc “ngăn chặn” thông tin, cũng như “ngăn cấm” sản xuất trong thị trường, sẽ trở nên vô ích bởi tiếp cận thông tin là quyền của mỗi cá nhân. Điều quan trọng là thái độ của công chúng đối với thông tin đó ra sao, cũng như thái độ của người tiêu dùng đối với các “sản phẩm” độc hại này. Vì thế, GS Sơn khuyên mỗi bạn đọc hãy cố gắng trở thành một bạn đọc thông thái, biết lựa chọn, chắt lọc thông tin cần thiết, quý giá và phù hợp với mình.

Còn với cơ quan quản lý thông tin, ông Sơn nhấn mạnh cần phải có chế tài đủ mạnh đối với người sản xuất thông tin độc hại, kém chất lượng, vi phạm pháp luật; khuyến khích cung cấp thông tin tốt phục vụ nhu cầu công chúng. Thứ hai là phải nâng cao việc định hướng dư luận, nâng cao nhận thức, trình độ tiếp nhận, xử lý thông tin của công chúng; giúp người dân trở thành “người tiêu dùng thông thái” đối với hàng hóa thông tin.  

Ông Trần Đức Khang (quận Gò Vấp, TP.HCM): Minh bạch thông tin sẽ tránh việc bêu xấu

Việc đưa thông tin lên mạng xã hội để bày tỏ chính kiến của mình là quyền của mỗi người và họ phải chịu trách nhiệm về những thông tin mình đưa ra. Mạng xã hội có cả những điều tốt, xấu. Và thường thì những điều bêu xấu, nói xấu, xuyên tạc lại lan truyền rất nhanh. Trong thời điểm hiện nay, các thế lực thù địch đã lợi dụng mạng xã hội để bôi xấu, xuyên tạc một số vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước gây mất đoàn kết trong nội bộ. Bởi vậy khi tiếp nhận thông tin, nếu chúng ta không tỉnh táo đánh giá phân tích, chắt lọc sẽ dễ bị sa bẫy kẻ xấu.

Còn về phía Nhà nước, theo tôi, chúng ta càng minh bạch thông tin thì lại càng tránh được những điều xuyên tạc, bôi xấu. Những vấn đề mà trước nay chúng ta cho là nhạy cảm như vấn đề tài sản, quan hệ của các vị lãnh đạo cấp cao, theo tôi hoàn toàn có thể công khai cho nhân dân biết. Điều đó vừa tạo ra một môi trường minh bạch, lại vừa tạo ra một không khí cởi mở, đoàn kết giữa nhân dân và các lãnh đạo.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật Đại Nam, Hà Nội): Nghiêm trị để làm gương

Hiện nay, tôi được biết trên một số trang thông tin cá nhân (tất nhiên thường do các cá nhân từ nước ngoài lập ra) thường xuất hiện các bài viết nói xấu các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong bối cảnh chúng ta đang chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng lần thứ XII, sắp bầu ra Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa mới, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh chủ chốt, những thông tin xuyên tạc không phải vô tình lại xuất hiện ồ ạt vào thời điểm này và nhắm vào một số đồng chí lãnh đạo cụ thể. Điều này là vô cùng nguy hiểm vì những thông tin thiếu kiểm chứng, vô căn cứ này sẽ tạo ra sự hoang mang trong xã hội.

Hành vi này không chỉ đơn thuần là việc vu khống, bôi nhọ các vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước mà còn đủ các yếu tố quy vào hành vi phạm tội được quy định tại Điều 88 trong Bộ luật Hình sự, đó là: Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bởi vì thông qua việc vu khống, bôi nhọ các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, mục đích của những kẻ viết những bài này là khiến cho người dân mất lòng tin đối với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, thậm chí có thể gây ra sự nghi ngờ, chia rẽ trong chính nội bộ ta.

Cơ quan an ninh cũng như các cơ quan chức năng liên quan cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa, nhằm kịp thời ngăn chặn, điều tra và truy tố những kẻ có dã tâm như vậy ra trước pháp luật để làm an lòng dân.

Lê Chiên (ghi)