Dân Việt

Ngành giao thông tiết giảm hơn 17.000 tỷ đồng trong 2 "đại dự án"

Vinh Hải 04/01/2016 19:00 GMT+7
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, chỉ tính riêng hai ”đại dự án” mở rộng nâng cấp đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và mở rộng QL1 đã tiết giảm so với tổng mức vốn dự kiến ban đầu khoảng 17.082 tỷ đồng.

Chiều nay (4.1), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016.

Ông Nguyễn Nhật  - Thứ trưởng Bộ GTVT - cho biết: “Trong giai đoạn 2011 - 2015, ngành GTVT đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo khoảng 4.400km đường bộ và hơn 94.000m cầu đường bộ; đưa vào khai thác khoảng 704km đường cao tốc, vượt 104km so với mục tiêu đề ra”.

img

Ngành giao thông tiết giảm hơn 57 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, ngành đã hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng và đưa vào khai thác toàn tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sớm hơn 1,5 năm so với kế hoạch; cơ bản hoàn thành nâng cấp, mở rộng QL1A từ Thanh Hóa đến Cần Thơ, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.

Hàng loạt công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác như các đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Nhật Tân; các cầu quy mô lớn như Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Cổ Chiên, Mỹ Lợi, Hạc Trì; các cảng hàng không quan trọng gồm nhà ga T2 - Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ, Phú Quốc, Pleiku, Vinh, Thọ Xuân.

Đây cũng là giai đoạn ngành GTVT kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được nhiều nhất. Cụ thể, số vốn ngoài  ngân sách đầu tư cho lĩnh vực đường bộ kêu gọi được là 186.660 tỷ đồng (trong tổng số 202.556 tỷ đồng huy động được từ trước tới nay). Lĩnh vực cảng biển thu hút được 121.453 tỷ đồng (trên tổng số 157.600 tỷ đồng huy động được từ trước tới nay).

Bộ GTVT cũng đã rà soát 68 dự án và tiết giảm được khoảng 57.242 tỷ đồng so với tổng mức vốn đầu tư dự kiến ban đầu. Trong đó, rà soát, phân kỳ đầu tư giúp tiết giảm 13.463 tỷ đồng; rà soát phân kỳ quy mô đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật giúp tiết giảm 16.245 tỷ đồng; lựa chọn giải pháp thiết kế hợp lý, tiết kiệm giúp tiết giảm 15.942 tỷ đồng; đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tiết giảm 9.943 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT - cho biết, chỉ tính riêng hai ”đại dự án” mở rộng nâng cấp đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và mở rộng QL1 đã tiết giảm so với tổng mức vốn dự kiến ban đầu khoảng 17.082 tỷ đồng. Trong năm 2016, Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành đưa vào khai thác 61 công trình, dự án; khởi công, triển khai thi công mới 78 công trình, dự án.

Không nên nhìn vào túi Trung ương rồi xách cặp ra Hà Nội

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các lãnh đạo Bộ GTVT tập trung chỉ đạo, tiếp tục phát huy việc huy động các nguồn lực đồng thời sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước, vốn ODA để đầu tư kết cấu hạ tầng thông qua từng dự án cụ thể.

Thủ tướng lưu ý từ cấp trung ương, tỉnh, thành phố, cấp huyện, cấp xã cần hết sức chú ý vấn đề này.

Thủ tướng cho hay: “Tôi đi nhiều chỗ, đò ngang đưa các cháu đi học rất khổ sở, trời mưa gió đi đò rất nguy hiểm. Người ta chỉ cần đầu tư một chiếc cầu nhỏ thôi, rồi thu phí hoàn vốn thì các cháu sẽ có đường đi an toàn”.

Thủ tướng cho rằng, những vấn đề như trên, ở địa phương, HĐND xem giá vé thế nào rồi thông qua để thực hiện dự án, trẻ em sẽ đỡ vất vả. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng, những công trình nhỏ như thế cũng trông chờ vào ngân sách.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: “Bây giờ cứ nhìn vào túi của Trung ương mà xách cặp ra Hà Nội thì không nên. Bởi vì phân bổ ngân sách T.Ư là 5 năm rồi, trong thời gian đó có bao nhiêu là cơ cấu rõ rồi. Bây giờ phân bổ cơ chế chính sách theo từng dự án cụ thể. Có cơ chế chính sách chung rồi, khi đi đến phê duyệt từng dự án cụ thể theo phân cấp phải có những cái cụ thể, kể cả hỗ trợ GPMB, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư”.