Vụ việc một cô giáo cắm bản ở huyện Vân Hồ, Sơn La bị 5 học sinh hiếp dâm vào một ngày cuối năm 2015 khiến nhiều người chua xót. Sống nơi vùng sâu, heo hút, vắng vẻ, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhà công vụ tạm bợ, công trình vệ sinh không có... đều tiềm ẩn những nguy hiểm cho các giáo viên.
Giọt nước mắt trong đêm
Chưa bao giờ cô Lò Thị Chiển, giáo viên Trường Mầm non Nậm Khăn (Nậm Pồ, Điện Biên) không quên được những ngày đầu tiên ngược núi lên đây nhận lớp. Nhà cô Chiển ở Sơn La, cách trường đến 320km. Năm 2011, nhận quyết định về trường Nậm Khăn cô Chiển vừa mừng vừa lo, mừng vì giấc mơ làm giáo viên ngày bé đã trở thành hiện thực, lo vì từ đây cô bắt đầu bước vào cuộc “trường chinh” xa chồng, xa con biền biệt để cắm chốt ở một nơi… mở mắt ra chỉ thấy mây mù.
Ngoài việc dạy học, các thầy cô ở Trường Mầm non Tà Tổng 1 (xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, Lai Châu) còn đảm nhiệm nấu bữa trưa cho các em học sinh. Ảnh: Lê San
Để vào được điểm trường mình phụ trách, cô và một đồng nghiệp nữ đã phải cuốc bộ đường rừng 4 tiếng đồng hồ. “Đường đi trơn trượt, một bên là dốc đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, từng ngón chân phải bấm chặt vào đất, cảm giác người cứ muốn lao xuống vực. Hai chị em vừa đi vừa phải tự động viên mình: “Cố gắng, sắp đến nơi rồi” – cô Chiển kể. Nhưng đến nơi, nhìn điểm trường cô chỉ muốn khóc. Lớp học trống huếch trống hoác, xiêu vẹo, mái chỗ lành chỗ thủng, không điện, không nước, không sóng điện thoại…
Nhà công vụ của 2 cô giáo trẻ thực chất là một phòng gỗ ghép, lợp mái tôn, rộng 3m2, chỉ kê được đúng 1 chiếc giường. Đồ đạc sinh hoạt phải để hết dưới gầm giường mới có chỗ đi lại. Mùa đông lạnh quá thì các cô lấy bạt quây xung quanh chống gió, mùa mưa hắt vào cũng lấy bạt căng lên nóc nhà, gió lùa tứ phía.
“Ban ngày có học sinh quây quần không sao, chứ nhiều đêm 2 chị em ôm nhau khóc, khóc vì nhớ nhà, khóc vì sợ. Nói dại, nếu có chuyện gì xảy ra hai chị em cũng không biết xoay xở thế nào, gọi ai giúp đỡ” – cô Chiển nói.
Mỗi năm cô Chiển chỉ được về thăm chồng con 2 lần vào dịp tết và nghỉ hè. Thỉnh thoảng sạc được điện thoại từ ắc–quy, 2 cô giáo lại hì hụi trèo lên cây cao để “hứng sóng”. “Lúc nào may mắn gọi được cho chồng con thì mừng rơi nước mắt, cứ thế đứng trên cây nói chuyện mặc kệ học sinh phía dưới nhìn cô cười như nắc nẻ” – cô Chiển kể lại.
Hàng ngày cô lên lớp dạy học, sau giờ học lại xuống bếp nấu cơm cho học sinh ăn. Vất vả, thiếu thốn là thế nhưng tình yêu với học trò nghèo vùng cao đã níu chân cô giáo trẻ ở lại với rừng suốt 5 năm qua.
Lạc lối trong rừng rậm
Trường Mầm non số 1 Tà Tổng (xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, Lai Châu) có 1 điểm trường trung tâm và 7 điểm trường lẻ, trong đó điểm xa nhất phải đi bộ tới 6 - 7 tiếng.
Cô Trần Thị Hương - Hiệu trưởng Trường Mầm non số 1 Tà Tổng chia sẻ: “Khó khăn nhất phải kể đến điểm trường ở bản Đầu Suối, Nậm Luồng. Tới điểm trường phải đi bộ từ sáng sớm, đường toàn đèo dốc với cỏ gianh. Đi tới trưa thì phải dừng nghỉ ở điểm bản Giàng Mí Cha. Ai đi khoẻ, ăn cơm xong phải đi bộ tiếp 4 tiếng, lội qua suối rồi cứ thế leo lên núi dốc theo kiểu… chữ M lộn ngược. Còn ai không đi được phải nghỉ một đêm ở Giàng Mí Cha, sáng mai đi tiếp”.
Đường xa lại đi mãi trong đường mòn nên không ít thầy cô đi lạc trong rừng. “Có cô bị lạc về kể lại, em cứ đi mãi, đi mãi chả thấy nhà dân nào cả. Tối mịt tối mù rồi vẫn loanh quanh ở khu vực đó. Bụng thì đói, chả thấy ai để hỏi thăm, lo lắng đến phát khóc. Cứ đi xuôi, đi ngược thì nhìn thấy được khói bốc lên, vội vàng chạy về hướng đó, mừng còn hơn bắt được vàng” – cô Hương kể.
Với những điểm trường thuộc khu tái định cư, việc dạy và học của các thầy cô giáo gặp khó khăn hơn nhiều. Trường Mầm non Tà Mít (xã Tà Mít, huyện Than Uyên, Lai Châu) có 1 điểm trung tâm và 1 điểm trường ở nữa cách trung tâm gần 1 tiếng đi thuyền. Trường có 11 giáo viên quản lý 6 lớp. Lớp học và nhà công vụ cho giáo viên đều làm tạm bằng tre nứa, tuềnh toàng.
Cô Hồ Thị Quyên - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tà Mít đặt chân lên vùng đất khó này đã hơn 5 năm. Cô vẫn nhớ như in ngày mình nhận nhiệm vụ ở xã Tà Mít năm 2009.
“Lúc bấy giờ, giáo viên chúng tôi phải đi huy động học sinh ra lớp. Thời điểm ấy vào mùa mưa, đường sá trơn trượt, đi lại vất vả, nước sông dâng cao, chúng tôi cần vượt qua sông để đến nhà học sinh. Tôi không may trượt chân và bị nước cuốn, may mắn được anh em trong đoàn cứu vớt nhưng cũng uống no nước. Mới vào đã bị như thế tôi cũng sợ lắm, nhưng nhìn các em học sinh thương quá lại không nỡ bỏ cuộc” – cô Quyên kể.
Ngày 24.12.2015 tại huyện Vân Hồ, Sơn La xảy ra một vụ việc hy hữu, cô giáo B.N.H (27 tuổi) giáo viên Trường Tiểu học Lóng Luông bị 5 học sinh lớp 9 trú tại bản Suối Bon hãm hiếp ngay tại nhà ở công vụ dành cho giáo viên ở điểm trường. Ngay sau vụ việc này, lãnh đạo xã Lóng Luông, ngành giáo dục huyện Vân Hồ cho biết sẽ tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho giáo viên cắm bản. Thời gian tới địa phương này sẽ tăng cường xây các nhà công vụ cho giáo viên để thầy cô giáo yên tâm giảng dạy. |
Nên đầu tư mạnh về nhà ở, công trình vệ sinh “Có vào tận nơi mới thấy giáo viên cắm bản vất vả, khó khăn và đối mặt với nhiều hiểm nguy như thế nào. Rất nhiều nơi giáo viên vừa dạy vừa nấu ăn cho học sinh, làm tạp vụ dọn dẹp trường lớp. Nhiều nơi nhà công vụ tạm bợ, không an toàn, các công trình vệ sinh, nước sạch chưa có. Ngành giáo dục địa phương rất muốn đầu tư kiên cố nhưng kinh phí hạn hẹp. Để xây một nhà công vụ, nhà vệ sinh ở các điểm trường lẻ có khi chỉ mất vài chục, vài trăm triệu đồng, nhưng lên miền núi thì nói là mất tiền tỷ cũng không sai. Có chỗ ở ổn định, an toàn các cô mới yên tâm công tác và chất lượng giáo dục vùng cao mới đi lên. Chính vì vậy, tôi cho rằng thay bằng đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất trường lớp nhiều thì hãy san sẻ ngân sách đó xây nhà công vụ, công trình vệ sinh cho thầy trò vùng khó”. Ông Hoàng Đức Minh – Phó Giám đốc Sở GDĐT Lai Châu |