Dân Việt

Cao su chỉ hợp vùng Đông Nam Bộ

M.N - T.H 05/01/2016 15:30 GMT+7
Các nhà khoa học đã từng chỉ ra rằng, cây cao su chỉ thích hợp trồng tại miền Đông Nam Bộ và thường 5-6 năm mới cho thu hoạch nhựa. Tuy nhiên, do quỹ đất trồng cao su truyền thống không còn nên từ những năm 2000, việc tìm quỹ đất mới để phát triển loại cây công nghiệp này đã được các nhà khoa học và doanh nghiệp đặt ra.

img

Vườn cao su ở xã Mường Bon (huyện Mai Sơn, Sơn La) được gắn biển “Là tài sản quốc gia” để ngăn chặn người dân phá bỏ cây cao su, đòi lại đất sản xuất. Ảnh: K.T

Từ năm 2006, đã có 3.000ha cây cao su được đưa vào trồng thử nghiệm trên miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Sơn La. Mặc dù chưa có kết quả thử nghiệm, nhưng sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch cây cao su Việt Nam đồng ý cho nhân rộng cây cao su ra miền Bắc (năm 2009) thì cây cao su đã nhanh chóng phủ khắp các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La...

Tuy nhiên, quá trình “Bắc tiến” của cây cao su đã cho thấy rất nhiều trở ngại, do điều kiện khí hậu rét, gió Tây nên đã xảy ra hiện tượng cây cao su chết hoặc sinh trưởng không bình thường, khi thu hoạch có thể không cho sản lượng.

Ví dụ, năm 2008 có 240ha cao su được trồng ở xã Thanh Lương (tỉnh Điện Biên), đến năm 2010-2011 nhiều cây chết hoặc cháy do gió Tây, mặc dù được trồng lại bằng giống khác nhưng đến nay đa số cây vẫn chưa đủ đường kính 15cm để khai thác.

Đợt rét năm 2009-2010 cũng làm chết 95% diện tích cao su của Tập đoàn Cao su Việt Nam trồng tại 4 tỉnh: Phú Thọ, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai; còn tại các tỉnh Tây Bắc thiệt hại khoảng 5%. Đáng chú ý, sau nhiều năm trồng không cho mủ, tháng 6.2015, Công ty cổ phần Cao su Sơn La đã chặt 70ha cao su từ 6 - 7 năm tuổi tại địa bàn huyện Mường La và Thuận Châu (tỉnh Sơn La) với lý do giống cao su này không phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu nên chặt bỏ để trồng giống khác.