Dân Việt

Nguồn phóng xạ bị mất ở Bắc Kạn nguy hiểm tới mức nào?

Ngọc Phạm 05/01/2016 10:03 GMT+7
Mặc dù có hoạt độ ở mức thấp nhưng đồng vị phóng xạ Cs-137 vừa bị thất lạc ở Bắc Kạn có thể gây ung thư và có thời gian bán rã lên đến 30 năm, tức nó có thể tồn tại rất lâu trong tự nhiên nếu không may bị phát tán khỏi lớp vỏ bảo vệ.

Vừa qua, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn đã phát hiện một vụ mất nguồn phóng xạ Cs-137 tại nhà máy xi-măng Bắc Kạn (đã dừng hoạt động). Vụ việc được phát hiện khi công an tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ yêu cầu công ty xi-măng Bắc Kạn di chuyển nguồn phóng xạ về nơi an toàn. Tuy nhiên, nguồn phóng xạ này đã bị thất lạc.

img

Một trong những nguồn phóng xạ từng bị thất lạc ở Việt Nam. (Ảnh minh họa)

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo (Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt) cho biết: Cs-137 có năng lượng thấp hơn một nửa so với Co-60 (đồng vị phóng xạ từng bị thất lạc ở nhà máy xi măng Pomina 3 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Cs-137 cũng có độ xuyên sâu thấp hơn so với Co-60.

Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của đồng vị phóng xạ còn phụ thuộc vào chu kỳ bán rã, như Cs-137 là 30 năm, Co-60 là 5,2 năm. “Co-60 bỏ ra ngoài sẽ giảm hoạt độ phóng xạ nhanh hơn; còn Cs-137 thì nguy hiểm hơn vì chu kỳ bán rã dài, mặc dù có độ xuyên sâu thấp hơn. Nếu như để đồng vị phóng xạ Cs-137 rò rỉ ra bên ngoài tự nhiên thì nó sẽ tồn tại rất lâu”, PGS.TS Hùng nói.

Ông Hùng cho biết thêm, về mặt nguy hiểm đối với sức khỏe con người, cả Cs-137 và Co-60 gần tương đương nhau. Tất cả cùng phát ra tia gamma (một dạng bức xạ như tia X) và hoàn toàn có thể gây ung thư cho người đứng gần. Khoảng cách an toàn cần phải tính toán cụ thể, nhưng chắc chắn đứng càng gần, càng lâu thì mức độ ảnh hưởng càng lớn.

Nguồn phóng xạ Cs-137 bị mất nói trên và các nguồn phóng xạ nói chung đều được bảo vệ trong một lớp vỏ gọi là container. Thông thường lớp vỏ này được làm bằng chì là tốt nhất vì chất liệu chì khiến tia gamma suy giảm rất nhanh. Tuy nhiên, do chất liệu chì rất mềm nên nó chỉ được dùng làm lớp chắn bên trong, còn bên ngoài là một khung thép bảo vệ. Khả năng chịu đựng nhiệt độ của container tương ứng với chất liệu kim loại làm nên nó.

img

Lực lượng chức năng đang dùng các thiết bị chuyên dụng để dò tìm nguồn phóng xạ bị thất lạc tại nhà máy thép Pomina 3 (xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vào tháng 4.2015. (Ảnh: Lê Mai)

Theo PGS.TS Hùng, nguy hiểm nhất là khi nguồn phóng xạ rơi vào các vựa phế liệu và bị nấu hoặc đập ra. Phóng xạ không mùi, không vị, nhìn vào như một cục sắt, thép bình thường, phải có máy đo mới phát hiện được. Nếu họ không biết mà làm rò rỉ chất phóng xạ trong lõi thì nó sẽ thành phóng xạ hở, gây chiếu xạ cho cả con người và nhiễm bẩn phóng xạ môi trường.

Theo Cục an toàn bức xạ và hạt nhân, nguồn phóng xạ nếu bị lẫn vào phế liệu kim loại được dùng làm nguyên liệu cho các nhà máy, cơ sở luyện, nấu thép thì sẽ bị nung chảy, làm lò luyện thép và lượng thép sản xuất ra bị nhiễm bẩn phóng xạ, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

Còn khi chất phóng xạ đang được bảo vệ trong container gọi là phóng xạ kín. Lúc này nó vẫn phóng tia phóng xạ liên tục nhưng không gây nguy hiểm, vì đã có lớp chắn bảo vệ. Trước đó, một nguồn phóng xạ Cs-137 cũng bị thất lạc tại nhà máy xi-măng Việt Trung (tỉnh Hà Nam), tới nay chưa được tìm thấy.

Về đặc điểm nhận biết nguồn phóng xạ, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế quy định: Tất cả các nguồn phóng xạ đều có biển cảnh báo là ba cánh quạt màu đen trên nền vàng bên trong hình tam giác viền đen.

PGS.TS Hùng cho biết thêm, do Cs-137 có độ xuyên sâu thấp nên thường được dùng để đo các vật liệu có bề dày thấp. Tuy nhiên, Cs-137 chế tạo khó khăn và đắt tiền hơn Co-60. Đồng vị phóng xạ Cs-137 phải được sản xuất theo dây chuyền phân hoạch từ các nhà máy điện hạt nhân lớn trên thế giới.