Theo TS Phu, Hội đồng đánh giá tai biến vaccine của Bộ Y tế đã xem xét hơn 3.000 ca tai biến thông thường sau tiêm vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng từ tháng 1-9.2015. Kết quả có 32 trẻ phản ứng nặng, trong đó 16 trường hợp tử vong. Cụ thể số ca tai biến tử vong sau tiêm vaccine lao là 5 trường hợp, Quinvaxem 8 trường hợp và viêm gan B có 3 trường hợp.
Trong số các ca tử vong sau tiêm chủng có 31% là do trùng hợp ngẫu nhiên. Tuy số ca tử vong sau tiêm Quinvaxem cao hơn các vaccine khác nhưng số mũi tiêm gấp hơn 3 lần các vaccine khác. Năm 2015, cả nước tiêm khoảng 4,8 triệu liều Quinvaxem, trong khi các vaccine khác chỉ hơn 1,5 triệu liều.
GS-TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, vaccine Quinvaxem được Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) tài trợ cho Việt Nam đến năm 2020. Hiện mỗi năm, có hơn 1,5 triệu trẻ dưới 1 tuổi ở Việt Nam được tiêm Quinvaxem với hơn 4,5 triệu liều. Sau năm 2020, Việt Nam sẽ chủ động hoàn toàn về nguồn vaccine. Khi đó, chúng ta sẽ cân nhắc xem có nên dùng Quinvaxem hay thay thế bằng vaccine khác.