Nhà nhà nuôi gà quý
Ông Trần Quốc Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phong cho biết, gọi là gà Móng vì trước đây làng An Mông (làng nuôi gà nhiều nhất xã Tiên Phong - PV) có tên là làng Móng. Giống gà này đã có ở đây từ xa xưa. “Năm 2003, trong một lần khảo sát thực trạng nuôi gà ở xã, một cán bộ Sở NNPTNT tỉnh Hà Nam đã phát hiện ra giống gà quý hiếm này và đưa lên Viện Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) để xét nghiệm. Kết quả là gen của giống gà Móng thuộc loại quý hiếm và ngay trong năm đó gà Móng được ghi vào Sách đỏ”- ông Thắng cho hay.
Gà Sách đỏ càng lớn chân càng to, càng sần sùi, nuôi 1 năm có thể đạt trọng lượng từ 3 – 4kg đối với con mái, 5 – 6kg đối với con trống |
Ngay sau đó, xã đã thành lập Hội Chăn nuôi gà Sách đỏ do ông Lê Văn Biên - Chủ nhiệm HTX Tiên Phong làm Chủ tịch Hội. Lúc đầu, Hội có 20 hộ, là những hộ tiêu biểu trong việc nuôi gà “Sách đỏ”. Trung bình mỗi hộ nuôi khoảng 80 - 100 con gà các loại. Đến nay xã có khoảng 700/800 hộ nuôi gà, hộ ít thì 20 - 30 con, nhiều thì vài trăm đến vài nghìn con, tuy nhiên tập trung chủ yếu ở thôn An Mông 1, An Mông 2 và thôn Dưỡng Thọ.
Đặc điểm của gà Móng là nhanh lớn, khỏe, kháng dịch bệnh tốt, gà mái lông màu trắng mây, gà trống lông màu đỏ, đầu gốc tre, chân to, ngực nở. Giống gà này nuôi 6 tháng đạt trọng lượng 3 - 3,5kg/con (gà trống) và 2,5kg/con (gà mái). Nếu nuôi 1 năm, gà trống có thể đạt 5 - 6kg/con, gà mái 3 - 4kg/con. Đây là giống gà thả vườn, ăn ngô, thóc, thịt chắc, thơm, da giòn, nên những năm gần đây được giới “sành ăn” rất ưa thích, nhất là các dịp lễ, tết...
Cung không đủ cầu
Gà Móng có chất lượng thịt tốt
TS Võ Văn Sự - Chủ tịch Hiệp hội Bảo tồn động vật quý hiếm VN cho biết: Gà Móng “Sách đỏ” là giống gà cổ có thân hình gần giống với gà Hồ (Bắc Giang), chất lượng thịt rất cao, ngon như gà Đông Cảo (Hưng Yên), có khả năng chống chịu dịch bệnh rất tốt. Theo TS Sự, xã Tiên Phong là dải đất cụt, giáp với sông Châu, không có đường giao thông đi qua nên hạn chế được dịch bệnh; khí hậu, thổ nhưỡng ở đây rất đặc biệt, đã làm nên đặc điểm của con gà Móng. Hơn nữa, người dân bảo vệ nguồn gen bằng việc không nuôi tạp các giống gà khác với gà Móng.
Theo ông Biên, hiện cả xã có khoảng 18.000 gà mái đẻ, khoảng 8.000 - 10.000 gà hậu bị và hơn 10.000 gà choai. Do gà giống đắt, nên đa số các hộ đều giữ lại làm gà sinh sản, chỉ trừ số ít gà già, gà đẻ kém, hoặc những con trống người dân mới bán thịt, nên số lượng gà thịt rất ít. Đa số các hộ chỉ để vài con ăn tết hoặc biếu anh em, khách sang, chứ rất ít hộ có số lượng lớn để bán.
“Hiện cả xã mới có 3 trang trại nuôi quy mô lớn, trong đó trang trại của anh Nguyễn Văn Thắm là nuôi nhiều nhất khoảng 5.000 gà các loại, còn trang trại của anh Bùi Thanh Tuấn và anh Nguyễn Văn Dũng mới chỉ có khoảng 700 gà các loại. Nếu tính cả xã cũng chỉ cung cấp được khoảng gần 10 tấn gà thịt trong dịp Tết Nguyên đán này” - ông Biên ước lượng.
Anh Nguyễn Văn Thắm cho hay, thời gian gần đây có rất nhiều khách, chủ nhà hàng ở Hà Nội, Hải Phòng và gần đây có chủ một nhà hàng nổi tiếng ở TP.HCM ra đặt anh cung cấp mỗi tháng 3 tạ gà Móng, nhưng anh không đáp ứng được.
“Với 1.000 con gà thịt, ước đạt khoảng 4 tấn gà thịt, hiện gà có giá từ 150.000 - 170.000 đồng/kg, nhưng đến tết giá phải 180.000 - 200.000 đồng/kg. Giá cao nhưng vẫn không có gà để bán, nên tôi chỉ bán cho những khách quen” - anh Thắm nói.
Việt Tùng