Dân Việt

Vì sao Triều Tiên không ngại qua mặt Trung Quốc vụ thử hạt nhân?

Theo Minh Anh/Zing 07/01/2016 13:30 GMT+7
Triều Tiên quyết định thử bom nhiệt hạch sau khi đã lường trước được phản ứng của Trung Quốc. Bình Nhưỡng tin rằng, Bắc Kinh sẽ không có hành động đột phá nào và nước này cũng không dễ dàng "khuất phục" trước sức ép từ Trung Quốc...

img

Kim Jong Un ký thông qua quyết định thử nghiệm hạt nhân ngày 6.1. Ảnh: KRT

Việc Trung Quốc ngày 6.1 kiên quyết phản đối Triều Tiên thử hạt nhân và triệu tập đại sứ nước này để bày tỏ sự không hài lòng cho thấy vết nứt mới trong quan hệ 2 nước.

Cụ thể, tại cuộc họp báo ngày 6.1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng Triều Tiên không hề thông báo trước việc thử hạt nhân. Bà cũng cho biết Bắc Kinh sẽ triệu tập đại sứ Triều Tiên để chính thức phản đối vụ việc, đồng thời nhắc lại quan điểm của Trung Quốc là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Khi được hỏi, liệu Trung Quốc có trừng phạt Triều Tiên vì hành động táo bạo mới này, bà Hoa không phủ nhận, cũng không trả lời trực tiếp, nhưng ám chỉ ngầm rằng: "Chúng tôi sẽ tuân thủ vai trò quốc tế của mình để thực hiện phi hạt nhân hóa trên bán đảo".

"Bắc Kinh chắc chắn rất tức giận. Mối quan hệ Trung - Triều hiện tại khá mong manh. Vụ thử hạt nhân sẽ gây tác động tiêu cực đến mối quan hệ này", Zhang Yushan, nghiên cứu viên tại Học viện Khoa học Xã hội Cát Lâm, nói bình luận trên Wall Street Journal.

img Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, Bắc Kinh sẽ triệu tập đại sứ Triều Tiên để phản đối vụ thử hạt nhân. Ảnh: AP Mối quan hệ lạnh nhạt

Nhiều thập niên qua, Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, nước viện trợ và đối tác thương mại chủ chốt của Triều Tiên. Bắc Kinh cũng luôn có những hành động bảo vệ cho Bình Nhưỡng trước những chỉ trích quốc tế.

Quan hệ Trung - Triều trở nên lỏng lẻo trong vài năm trở lại đây, trong khi đó, quan hệ Trung - Hàn đang ấm dần khi thương mại hai nước tăng mạnh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Seoul vào năm 2014. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye cũng đến dự buổi diễu hành quân sự ở Bắc Kinh vào tháng 10.2015. Tuy nhiên, kể từ khi nhậm chức vào năm 2012, ông Tập Cận Bình chưa từng đến thăm Triều Tiên để gặp Kim Jong Un.

Năm 2013, Trung Quốc như quay lưng với Triều Tiên khi nước này ủng hộ các cấm vận chống lại Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân. Ông Jin Canrong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân, dự đoán Trung Quốc sẽ có hành động tương tự trong năm 2016.

"Họ sẽ theo dõi và điều chỉnh phản ứng tùy theo diễn tiến sự việc. Quan hệ hai nước xấu đi những năm gần đây là do Bắc kinh kiên quyết phản đối hạt nhân hóa. Trung Quốc muốn Triều Tiên trở thành nước phi hạt nhân, không chiến tranh và không hỗn loạn".

img

Ảnh vệ tinh chụp bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. Ảnh: 38north.org

Trung Quốc nhiều lần lặp lại lời kêu gọi loại trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, đối với Bắc Kinh, việc gây sức ép lên Bình Nhưỡng cần là một tính toán cân bằng.

Gây căng thẳng với giới lãnh đạo ở Triều Tiên tạo ra rủi ro về sự mất ổn định ở các tỉnh Đông Bắc Trung Quốc, từ đó có thể dẫn tới dòng người tị nạn Triều Tiên tràn qua biên giới. Hồi năm ngoái, Bắc Kinh đã có phản đối ngoại giao hiếm hoi với Bình Nhưỡng, sau vụ một người Triều Tiên vượt biên và giết 4 công dân Trung Quốc trong lúc tìm lương thực.

Nhìn xa hơn, ông Cai Jian từ Đại học Phúc Đán nói, sự việc ngày 6.1 đẩy Trung Quốc vào thế khó khăn khác, khi Mỹ và Nhật Bản có thể tận dụng hành động của Triều Tiên để tăng cường triển khai quân sự trong khu vực.

Chia sẻ quan điểm trên, Paul Haenle, nghiên cứu viên ở Trung tâm Carnegie - Thanh Hoa tại Bắc Kinh, nói với Washington Post rằng: "Sự bất tuân của Triều Tiên sẽ dẫn đến các hành động quân sự mở rộng của Mỹ, cũng như sự tăng cường hợp tác giữa Mỹ và các đồng minh ở châu Á - Thái Bình Dương. Đây là điều mà Bắc Kinh không mong muốn".

Triều Tiên không ngại Trung Quốc?

Hồi tháng 10.2015, Bắc Kinh cũng có cử chỉ hòa giải khi ông Tập Cận Bình cử một quan chức cấp cao đến dự diễu binh ở Bình Nhưỡng, đồng thời gửi thư cùng "những lời chúc tốt đẹp nhất" đến Kim Jong Un. Tuy nhiên, quan hệ hai nước lại nhanh chóng xấu đi trong tháng 12, khi Kim Jong Un tuyên bố nước này đã phát triển bom nhiệt hạch.

Chỉ trong 48 giờ, nhóm nhạc nữ Moranbong nổi tiếng của Triều Tiên phải thu xếp hành lý và rời khỏi Bắc Kinh dù lịch trình biểu diễn đã được sắp xếp. Giới quan sát nhận định, sự cố nhóm nhạc Moranbong là một biểu hiện rõ ràng nhất cho thấy căng thẳng Trung - Triều.

img Người dân Triều Tiên theo dõi bản tin truyền hình về vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch ngày 6.1. Ảnh: Kyodo

Ông Bo Zhiyue, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Victoria (New Zealand), cho rằng vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên như cách để phản đối Bắc Kinh. "Họ như muốn nói rằng, chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì. Đây là quyền của quốc gia độc lập và chúng tôi không cần các ông cho phép", Zhiyue nhận định với Washington Post.

Tương tự ý kiến trên, Mike Chinoy, chuyên gia bình luận quốc tế của CNN, cho rằng vụ thử hạt nhân của Triều Tiên chính là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng không còn nể mặt Bắc Kinh.

Ông cho rằng, Triều Tiên quyết định hành động sau khi đã lường trước phản ứng của Trung Quốc. "Triều Tiên không yếu đuối và dễ tổn thương trước sức ép từ Trung Quốc. Hoặc họ đã tính toán rằng Trung Quốc sẽ không có hành động phản ứng đột phá nào khác. Tôi cho rằng lần này Triều Tiên đã đúng", ông nói.

Theo ông Chinoy, ông Tập Cận Bình hiện tại có quá nhiều vấn đề để giải quyết, bao gồm chiến dịch chống tham nhũng, nền kinh tế chững lại, các bất đồng nội bộ, căng thẳng với các quốc gia láng giềng và với Mỹ. "Do vậy, điều khiến Trung Quốc bất an nhất chính là sự bất ổn định ở Triều Tiên so với việc nước này có sở hữu bom hạt nhân", Chinoy nhận định.