Không đạt mục tiêu do thiếu vốn
Báo cáo của Bộ NNPTNT cho thấy, ước đến hết năm 2015, cả nước có 1.500 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 16,8% tổng số xã trên cả nước), bình quân mỗi xã đạt 12,9 tiêu chí (tăng 2,9 tiêu chí so với năm 2014 và tăng 8,2 tiêu chí/xã so với năm 2011); có 11 huyện đạt chuẩn NTM, 8 huyện, thị xã đã có tờ trình của UBND tỉnh, thành phố đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM.
Anh Nguyễn Văn Hoàn (phải), thôn Tiền Phong, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) có thu nhập cao nhờ nuôi bò thịt và trồng chè an toàn. Ảnh: Minh Huệ
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ NNPTNT, do nguồn lực hạn chế (cả từ ngân sách và huy động xã hội) và nhiều nguyên nhân khác, giai đoạn 2011-2015, chương trình xây dựng NTM chỉ hoàn thành 75% mục tiêu; đời sống nhân dân ở vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn (vùng Tây Bắc tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo là 25,86% và 12,92%, trong khi trung bình cả nước là 7,8% và 6,32%); khả năng tiếp cận giáo dục, y tế của người dân những vùng này cũng rất hạn chế.
Ưu tiên hạ tầng thiết yếu
Theo ông Nguyễn Đức Quyền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, hiện trên địa bàn tỉnh có 113 xã đạt chuẩn NTM và 62 thôn bản đạt chuẩn. Tuy nhiên, ông Quyền cũng cho rằng, trong giai đoạn tới đây cần gắn chương trình xây dựng NTM với đề án tái cơ cấu nông nghiệp bằng các chính sách hỗ trợ sản xuất, đầu tư cho NTM.
Từ kết quả đã đạt được trong năm 2015, Bộ NNPTNT đã đề ra mục tiêu nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM đến cuối 2016 lên 25% (tăng 8,2% so với năm 2015). Để đạt mục tiêu trên, Bộ NNPTNT đã đề nghị các địa phương kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy giúp việc Ban chỉ đạo các cấp và đội ngũ cán bộ vận hành chương trình; tăng cường thu hút các nguồn lực, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu gắn với phát triển đời sống nhân dân; thực hiện các nhiệm vụ về nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển sản xuất hiệu quả…
Đặc biệt, cần tập trung thực hiện chương trình bố trí dân cư vùng thiên tai, ổn định đời sống, phát triển sản xuất sau tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện; ổn định đời sống, sản xuất của người dân vào các cụm, tuyến dân cư vượt lũ ĐBSCL, vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai. Theo Bộ NNPTNT, trong năm 2016 và cả giai đoạn 2016-2020 sẽ ưu tiên nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các xã bãi ngang ven biển và hải đảo có tỷ lệ hộ nghèo cao, trong đó ưu tiên nhiều hơn cho các xã dưới 5 tiêu chí. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách T.Ư, các tỉnh, thành phố phải chủ động dành một phần nguồn lực từ ngân sách địa phương hỗ trợ cho chương trình xây dựng NTM.
Tuyệt đối tránh huy động quá mức Bộ NNPTNT đề nghị các địa phương có cơ chế phù hợp để huy động được nhiều nguồn lực ngoài ngân sách: PPP, tín dụng, doanh nghiệp, hỗ trợ quốc tế, vận động đóng góp từ người dân, nhưng tuyệt đối tránh huy động quá mức hoặc xây dựng cơ bản không có nguồn lực đảm bảo dẫn đến đọng nợ, không có khả năng thanh toán... |