Dân Việt

Khi trẻ hóc dị vật, sơ cứu như thế nào?

Quốc Hải 08/01/2016 14:45 GMT+7
Dịp Tết Nguyên đán, trẻ sẽ thường hóc các dị vật như: hạt dưa, chôm chôm, hạt bí, hạt hướng dương, hạt nhãn… Nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ sẽ dễ tử vong.

Sáng 8.1, BV Nhi Đồng 1 tổ chức thông tin báo chí để cảnh báo với các bậc cha mẹ liên quan đến các trường hợp trẻ hóc dị vật dịp Tết.

Theo BS chuyên khoa 2 Nguyễn Tuấn Như, phó khoa Tai Mũi Họng, điều hành Khoa Tai Mũi Họng cho biết: Ngày 6.1 vừa qua, BV tiếp nhận bệnh nhi  Lê Thanh Tâm (nam, sinh năm 2009), ngụ tại xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai; nhập viện trong tình trạng khó thở, ho kéo dài, điều trị tại BV địa phương không cải thiện.

img

BS chuyên khoa 2 Nguyễn Tuấn Như thông tin về các trường hợp dị vật dễ vướng vào cơ quan nào nhất.

Sau khi chụp CT scan cổ ngực, các bác sĩ chẩn đoán bé bị dị vật đường thở bỏ quên dạng đường ống trong lòng phế quản thùy dưới bên phải nên cho bé nhập viện và tiến hành soi đường thở, gắp dị vật.

Theo chị Lê Thị Ngọc Giàu (mẹ bệnh nhi), cách đây 3 tháng bé ngậm đầu bút bi bằng nhựa mềm sau đó bị sặc, ho kéo dài, khó thở. Người nhà nhanh chóng đưa bé đến trạm y tế địa phương để soi nhưng không tìm thấy dị vật. Tiếp tục đưa bé lên BV Nhi Đồng Nai chụp X – Quang nhưng cũng không phát hiện ra dị vật.

“Cháu bị ho kéo dài, khó thở mà điều trị ở địa phương gần 3 tháng không cải thiện nên gia đình đưa bé lên BV Nhi Đồng 1 để điều trị”, chị Giàu nói.

img

Bé Tâm hồi phục sau 3 ngày được gắp dị vật

Về trường hợp này, BS chuyên khoa 2 Nguyễn Tuấn Như cho biết: Bé Tâm khá may mắn khi dị vật mềm, có thông hơi 2 đầu nên không gây nghẹt thở cho bé. Ở địa phương các bác sĩ điều trị theo phác đồ viêm phổi nên tình trạng kéo dài. Khi đến BV Nhi Đồng 1, chúng tôi nghi ngờ có dị vật nên tiến hành CT scan cổ ngực và phát hiện lấy ra dị vật.

Sau 3 ngày, bé Thanh Tâm đã ổn định, không còn khó thở, giảm ho, không đau ngực, ăn uống bính thường.

Trước đó khoảng 1 tuần (cuối tháng 12.2015), BV Nhi Đồng 1 cũng tiếp nhận 1 bệnh nhi nuốt phải hột chôm chôm nhưng do thời gian kéo dài nên dù các bác sĩ tận tình cứu chữa song bé vẫn không qua khỏi.

Cũng theo BS Như, Tết sắp đến gần, trẻ sẽ dễ dàng mắc hóc các dị vật như hạt dưa, hạt bí, chôm chôm… Vì vậy, tuyệt đối các bậc cha mẹ phải lưu ý để những dị vật này tránh xa tầm tay trẻ em. Trong trường hợp nghi ngờ trẻ mắc hóc dị vật (có biểu hiện tím tái, khó thở…), tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ em vì như thế sẽ đẩy dị vật vào sâu hơn.

“Biện pháp sơ cứu trong trường hợp trẻ hóc dị vật tốt nhất đối với trẻ nhỏ là đặt trẻ nằm đầu thấp, sấp trên một tay, tay kia vỗ mạnh vào lưng trẻ tạo áp lực để đẩy dị vật ra. Với trẻ lớn, thì ôm ngang bụng trẻ, ép bụng trẻ lại, dị vật sẽ dễ dàng vọt ra. Sau đó đưa trẻ đến trung tâm y tế hoặc BV gần nhất để tiếp tục được cấp cứu”, BS Như nói.