Với diện tích ước trên 20 ha, Nghĩa Hà không chỉ là vùng trồng lay ơn Tết lớn nhất của tỉnh mà còn là một trong những nơi trồng loại này "khủng" nhất ở miền Trung. Tuy nhiên vụ năm nay, sự thất thường của thời tiết làm hàng trăm hộ trồng loại hoa này "đứng ngồi không yên".
Một góc cánh đồng trồng hoa lay ơn của người dân thôn Hổ Tiếu .
Tại cánh đồng bãi bồi ở thôn Hổ Tiếu - nơi trồng hoa lay ơn nhiều nhất Nghĩa Hà, ông Võ Thiên (43 tuổi) cho biết: "Người ít thì 1-2 sào (500m2/sào), nhiều thì lên đến 5-7 sào/hộ". Bình quân tiền đầu tư trồng lay ơn từ 12-17 triệu đồng/sào. Gặp năm mưa thuận gió hòa thì tỉ lệ lay ơn ra hoa từ 70-80%. Với giá bán dao động từ 5-10.000 đồng/hoa, thì sau khi trừ chi phí tiền lãi từ trồng lay ơn thu về từ 10-14 triệu đồng/sào, cao hơn gấp 2-3 lần so với nhiều loại cây trồng khác.
Số hoa lay ơn trồng sớm bị rụi chết, dập nát.
Thế nhưng theo các hộ trồng hoa ở đây thì vụ trồng lay ơn Tết năm nay, sau khi xuống giống vào đầu tháng 10 âm lịch trời không nắng ấm như thông thường mà lại mưa rồi nắng liên tục, khiến hàng loạt diện tích lay ơn bị rụi, chết gây thiệt hại nặng cho người dân. Trong đó không ít trường hợp thiệt hại lên đến 15-20 triệu đồng/hộ, như hộ anh Nguyễn Tuấn, chị Nguyễn Thị Lan...
Người dân Nghĩa Hà đang nỗ lực chăm sóc để giữ số hoa lay ơn của gia đình.
Cùng với số bị rụi chết, hàng trăm ruộng hoa lay ơn khác bị sâu bệnh tàn phá, phát triển còi cọc dẫn đến nguy cơ bị "tịt" không ra hoa.
Thu hoạch số hoa lay ơn trồng sớm chưa hư hỏng.
Anh Bùi Hồng (38 tuổi, ở thôn Hổ Tiếu) lo lắng: "Nếu thời tiết vẫn tiếp tục thất thường như mấy ngày qua thì tỉ lệ lay ơn trồng ra hoa chắc chỉ 30-50%, giảm khoảng 1/2 so với mấy vụ trước. Đó là chưa nói đến chuyện giá hoa bị giảm thì xem như mất trắng, khỏi ăn Tết".