Ông Alex Crane, Tổng Giám Dốc Cushman & Wakefield Việt Nam. Ảnh/Lê Trang.
Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, ông Alex Crane cho rằng, thị trường bất động sản năm 2016 sẽ được cải thiện nhiều tuy nhiên vẫn cần hết sức cẩn trọng đối với một số phân khúc thị trường đang phát triển khá nóng như hiện nay.
Ông có đánh giá thế nào về diễn biến của thị trường bất động sản trong năm 2016, liệu rằng thị trường có thực sự bùng nổ từ những tín hiệu hồi phục khá mạnh trong nửa cuối năm 2015, như nhiều người vẫn kỳ vọng?
- Cushman & Wakefield thấy rằng niềm tin thị trường đã được cải thiện trên tất cả các phân khúc, quan trọng hơn chính là có nhiều xu hướng mới đang thay đổi thị trường.
Ví dụ như chúng tôi nhận được ngày càng nhiều sự quan tâm từ các khách hàng là các tập đoàn trong khu vực và trên thế giới, các nhà sản xuất và khách thuê văn phòng, các nhà bán lẻ….
Trước đây, Việt Nam đã từng bị đánh giá thấp trong một vài phân khúc nhất định như sản xuất hay công nghệ kỹ thuật cao, nhưng sức cạnh tranh của chúng ta đang ngày càng tốt hơn trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang mất dần các lợi thế cạnh tranh vốn có.
Chúng ta cần phải cải thiện việc tiếp cận thông tin, sự minh bạch và tốc độ giao dịch để tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế hơn và giúp tăng niềm tin vào thị trường. Những điều này mang tới các cơ hội phát triển chọ thị trường bất động sản.
Phân khúc bất động sản thương mại vẫn được các nhà đầu tư nước ngoài săn đón nhưng họ đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ những công ty trong nước có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động và vẫn đang tiếp tục các hoạt động kinh doanh thuận lợi của mình.
Lợi nhuận đầu tư tại Việt Nam so với đầu tư tại các nước đã phát triển luôn là vấn đề mà các tập đoàn nước ngoài cân nhắc trước khi đầu tư.
Tôi nghĩ rằng sẽ có một đến hai giao dịch nổi bật về dự án phức hợp và dự án bất động sản thương mại trong 12 tháng tới từ các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên vấn đề then chốt vẫn là năng lực phát triển dự án từ các chủ đầu tư và các nhà phát triển bất động sản trong nước.
Thị trường sẽ trở nên cạnh tranh hơn đối với các nhà đầu tư và nhu cầu về các dự án bất động sản chất lượng cao, đặc biệt là bất động sản thương mại sẽ vẫn tiếp tục phát triển.
Những thay đổi lớn như các Hiệp định tự do thương mại, luật sở hữu bất động sản cho người nước ngoài (dù đang thiếu các thông tư hướng dẫn chi tiết) và quy định bảo lãnh của ngân hàng, các tổ chức tín dụng đối với các dự án hình thành trong tương lai đã tạo nên một khởi đầu thuận lợi cho thị trường năm 2016.
Mặt bằng giá bất động sản 2016 sẽ ra sao thưa ông? Liệu có tiếp tục tăng không và phân khúc nào sẽ có mặt bằng giá tăng mạnh nhất trong năm 2016?
- Đối với phân khúc nhà ở, chúng ta khó có thể đưa ra những dự đoán chính xác vì hiện nay thị trường đang trên đà phát triển và chưa có dấu hiệu ổn định, nó còn phụ thuộc vào tỷ lệ hoàn vốn đầu tư của các nhà đầu tư như thế nào nữa.
Vẫn phải cần một thời gian dài hơn nữa để phân khúc này ổn định, phát triển đồng đều, thay vì “sốt nóng” cục bộ tại một vài dự án, khu vực như trong năm 2015.
Đối với phân khúc bất động sản thương mại như bán lẻ và công nghiệp thì tôi thấy giá thuê hiện nay đang ổn định, riêng phân khúc văn phòng thì giá thuê tại TP.HCM đang tăng do nguồn cung khan hiếm nhưng ngược lại tại Hà Nội thì giá thuê lại giảm, do nguồn cung hiện đang dư thừa.
Trong thời gian qua, đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều nhau về việc thị trường bất động sản Việt Nam đang tiềm ẩn nguy cơ bong bóng trở lại. Ông nghĩ sao về điều này và theo ông, liệu rằng bong bóng bất động sản có thể xảy ra trong năm 2016 và 2017 không?
- Tình trạng này sẽ không xảy ra đối với phân khúc bất động sản thương mại, mặc dù tại một số thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM thì hoạt động của thị trường này diễn tiến khác nhau.
Phân khúc nhà ở đang hoạt động rất sôi nổi, nhiều dự án đã, đang và sẽ triển khai khiến nguồn cung tăng lên nhanh chóng,
Thông qua các Hiệp định tự do thương mại (FTA), Việt Nam đang và sẽ nhận được rất nhiều đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là vào các phân khúc bán lẻ, khu công nghiệp, điều này sẽ giúp thị trường có sự cân bằng trước sự phát triển nóng của thị trường nhà ở.
Cần quan tâm đến triển vọng dài hạn khi đầu tư vào những dự án nhà ở, nghiên cứu tỷ lệ hoàn vốn đầu tư và nhu cầu khách hàng trước khi xây dựng bất cứ dự án nào để đảm bảo cung và cầu sẽ gặp nhau, tránh tình trạng dư cung xảy ra.
Trong các phân khúc, theo ông phân khúc nào sẽ có nhiều tiềm năng phát triển trong năm 2016 này?
- Theo Cushman & Wakefield, diễn biến các phân khúc bất động sản năm 2016 được dự báo như sau:
Phân khúc nhà ở có mức giá khoảng 20 - 25 triệu đồng/m2 vẫn sẽ là phân khúc chủ đạo trên thị trường bất động sản trong năm tới. Thực tế cho thấy, không chỉ doanh nghiệp trong nước mà hiện nay nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang mạnh tay “rót” vốn vào dự án nhà ở có mức giá ở khoảng này. Nhà ở cao cấp cũng sẽ là phân khúc được quan tâm nhưng với mức độ không quá cao.
Nhu cầu cho bất động sản công nghiệp được kỳ vọng sẽ tăng, cùng với đó, bất động sản bán lẻ và văn phòng sẽ tiếp tục sôi động đặc biệt là khu vực phía Nam.
Các dự án du lịch, nghỉ dưỡng sẽ được tái khởi động.
Tuy vậy, để ngăn chặn khả năng bong bóng bất động sản quay trở lại, các tổ chức nên có các chế tài thích hợp để giảm bớt rủi ro ví dụ hạn chế cho vay đối với các dự án bất động sản khởi công mới, dự án bất động sản có quy mô lớn, dự án bất động sản cao cấp, cao ốc, văn phòng có hiệu quả thấp, tiềm ẩn rủi ro hoặc có mục đích đầu cơ bất động sản và ưu tiên cho đối tượng thu nhập thấp, trung bình, có nhu cầu ở thực.
Xin trân trọng cảm ơn ông!