Ngày trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) và NSƯT có phải một ngày đặc biệt không, khi 3 thành viên trong gia đình chị đều được phong tặng những danh hiệu cao quý?
- Đúng là một ngày rất đặc biệt. Không chỉ riêng tôi được nhận danh hiệu NSƯT mà bố và mẹ tôi - nghệ sĩ múa Đặng Hùng và Vương Linh - cùng được phong tặng danh hiệu NSND. Tôi rất xúc động khi bố mẹ và tôi đứng chung sân khấu. Đó là phần thưởng rất lớn với “con nhà nòi” như tôi.
Khi biết mình có tên trong danh sách nghệ sĩ ít tuổi nhất được phong tặng danh hiệu NSƯT, chị có cảm thấy áp lực không?
NSƯT Linh Nga là một trong những nghệ sĩ trẻ tuổi nhất được vinh danh trong đợt trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 8. Ảnh: I.T
- Được trao danh hiệu, tôi có cảm giác vui và hơi hồi hộp. Vui vì danh hiệu tiếp thêm động lực để thế hệ những nghệ sĩ trẻ như tôi phấn đấu. Tôi đang suy nghĩ nên làm chương trình gì tiếp theo để xứng đáng với danh hiệu cao quý NSƯT. Điều này khác hoàn toàn so với những chương trình diễn chỉ nhằm mục đích bán vé, thỏa mãn sở thích, bởi bây giờ việc biểu diễn còn để đáp ứng niềm kiêu hãnh của cả gia đình.
Chị từng học múa tại Trung Quốc, vậy điều gì khiến chị trở về? Ngày về, chị bắt đầu con đường nghệ thuật để trở thành NSƯT Linh Nga như ngày hôm nay ra sao?
- Có rất nhiều môn nghệ thuật ở nước ngoài điều kiện rèn luyện tốt hơn Việt Nam. Cách đây 7 năm, khi về nước, tôi cũng rất lo nếu như quê hương không đón nhận, có thể mình phải ra đi để phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, cùng lứa với tôi, các nghệ sĩ Tạ Thùy Chi, Bùi Công Duy đều là những người đã ra đi và có ngày trở về. Khi trở về Việt Nam, cũng tại Nhà hát Lớn Hà Nội, show diễn đầu tiên của tôi là “Ra đi để trở về”, cũng chính câu này tôi luôn tự nhắc nhở với học sinh của mình.
Như một lời kêu gọi du học sinh đang hoạt động nghệ thuật tại nước ngoài về nước cống hiến, là một người từng trải, Linh Nga có thể nói rõ hơn về vấn đề này được không?
- Đối với các môn nghệ thuật hàn lâm như piano, khiêu vũ, ballet..., bản thân những người học xong còn lo lắng trên con đường của họ. Có những người nghĩ ở lại nước ngoài sẽ tốt hơn. Song tôi mong muốn các thế hệ nghệ sĩ kế tiếp sau khi du học sẽ trở về quê hương và gặt hái được nhiều thành tựu trên đất nước mình. Tuy nhiên, nghệ sĩ về nước cống hiến rất cần được khích lệ với những cuộc thi tầm cỡ và được khán giả trân trọng.
Theo chị, thời gian qua nhà nước đã tạo điều kiện thế nào với nghệ sĩ nói chung?
"Có rất nhiều môn nghệ thuật, nghệ sĩ khi đã ra đi là “mất” luôn. Nhưng lời khuyên chân thành của tôi là các nghệ sĩ nên có trách nhiệm cống hiến với quê hương”. |
- Đất nước đã tạo điều kiện để rất nhiều nghệ sĩ ra nước ngoài học tập, nhưng đối với môn nghệ thuật đặc thù như xiếc, múa còn rất ít. Như Nhà hát Bông Sen có cả một thế hệ gần 20 em vừa tốt nghiệp trở về, và còn rất nhiều người cũng mong muốn được Nhà nước công nhận tài năng, đóng góp.
Tuy nhiên, trách nhiệm của nghệ sĩ là cống hiến chứ không “ngồi chờ sung rụng”. Nhà nước sẽ không biết đến mình khi mình không làm việc gì.
Đã là NSƯT, chị có mong muốn phấn đấu đạt danh hiệu NSND không?
- Tôi nghĩ, điều này không phải mong muốn mà được và không phải ngày mai sẽ trở thành hiện thực ngay. Có nhiều người gắn bó “sinh nghề tử nghiệp”, cống hiến đến hơi thở cuối cùng có khi vẫn chưa toại nguyện.
Với bản thân tôi – thế hệ những nghệ sĩ trẻ được nhận danh hiệu, cần phải có sự tích lũy, trải nghề nhiều hơn nữa. Mỗi ngày mình làm sẽ dần trở thành kho tàng nghệ thuật để bản thân đến lúc nào đó được công nhận. Tôi nghĩ, danh hiệu NSND là điều lớn lao, là danh hiệu vô cùng cao quý, không biết mình có đủ sức, đủ nhiệt huyết để đi được đến đích đó hay không. Bởi riêng với nghề múa, một phụ nữ sinh con sau 30 tuổi sẽ rất khó.
Cảm ơn NSƯT Linh Nga!