Sau gần 1/4 thế kỷ thành lập, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh (Sở VHTTDL Đồng Tháp) vẫn chưa có trụ sở làm việc “chính quy” và chưa biết đến bao giờ mới thoát cảnh lang thang “ở trọ”. Trong khi đó, hơn 7ha “đất vàng” ở trung tâm TP.Cao Lãnh được quy hoạch làm trụ sở lại bị bỏ hoang từ nhiều năm qua, được người dân tận dụng làm bãi chăn bò, trồng rau màu…
“Không chốn nương thân”
Xin mượn tên tiểu thuyết “Không chốn nương thân” của nhà văn người Mỹ Cormac McCarthy để nói về tình cảnh của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Đồng Tháp (Trung tâm). Sau 25 năm hình thành và phát triển, tuy tên gọi có thay đổi theo thời gian, như: Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Văn hóa - Thông tin…, nhưng trung tâm vẫn chưa có trụ sở… chính quy. Thậm chí, nhiều năm phải tá túc trong cơ ngơi từng được làm nơi chứa… thuốc bảo vệ thực vật. “Tuy đã được vệ sinh, tẩy rửa, nhưng thỉnh thoảng vẫn phảng phất mùi khó chịu, nhưng cũng chỉ có cách ứng phó duy nhất là pha nước muối tiếp tục tẩy rửa…” - một cán bộ Trung tâm xin được giấu tên chia sẻ.
Mãi đến 3 năm trước, hơn 40 CB-CNVC của trung tâm mới thoát khỏi nạn “nghẹt thở” này khi thuê trụ sở của Cty CP Đầu tư - Xây dựng Viễn thông Đồng Tháp (DTC) tọa lạc tại 507 Nguyễn Thái Học (phường Hòa Thuận, TP.Cao Lãnh). Đó là tòa nhà 3 tầng, hoành tráng cả về không gian, diện tích và kiến trúc xây dựng.
Thế nhưng trụ sở hiện đại này lại phát sinh bất an mới. Một số nhân viên bị rơi vào trạng thái phập phồng, bất ổn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân sâu xa là do ngay mặt tiền khuôn viên trụ sở còn 3 ngôi mộ sót lại trong quá trình giải tỏa trước đây.
Tuy nhiên, điều khiến cho cả tập thể trung tâm sợ nhất vẫn là khả năng sụt giảm hoạt động nghiệp vụ, nhất là hoạt động phục vụ cộng đồng. Dù giá thuê khá mềm (15 triệu đồng/tháng) nhưng do không được chi thêm, nên trung tâm phải trích từ gói kinh phí thường xuyên để trả. Mỗi năm mất 180 triệu đồng. Với mức chi phí bình quân mỗi buổi văn nghệ phục vụ nông thôn khoảng 7 triệu đồng, thì mỗi năm chi phí thuê nhà ngốn mất 25 buổi phục vụ văn nghệ.
Đất vàng thành bãi chăn bò
Theo lời cán bộ nghiệp vụ Sở VHTTDL Đồng Tháp, Trung tâm là đơn vị duy nhất trong cả nước chưa có trụ sở chính quy. Không phải do tỉnh Đồng Tháp thiếu quan tâm, cũng không phải do ngành văn hóa thiếu trách nhiệm… Thậm chí, sau ngày thành lập, ngành văn hóa đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh chấp thuận đầu tư cho trung tâm cơ ngơi hoành tráng bậc nhất vùng ĐBSCL.
Theo đó, Đồng Tháp di dời, giải tỏa và san lắp 71.802m2 tại khóm 3, phường 4 (TP.Cao Lãnh) để xây dựng trụ sở làm việc với các phòng chức năng và hội trường quy mô 1.000 chỗ ngồi với tham vọng trở thành “điểm đến” của nhiều địa phương trong vùng có nhu cầu tổ chức các hoạt động giao lưu, văn nghệ… quy mô lớn. Nhiều người cũng từng kỳ vọng trung tâm sẽ sớm “bay lên” với cơ ngơi này.
NSƯT Nguyễn Thanh Tùng - nguyên GĐ Sở VHTTDL, người đề xuất ý tưởng này - kể: Trung tâm được định vị liền kề với khu di tích cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc (mở rộng) sẽ tạo ra sự hài hòa giữa cái “động” và cái “tĩnh”… Tuy nhiên, do nhiều bất cập trong tổ chức thực hiện, đến nay, phần đất vàng này vẫn là “rừng rú” - cỏ mọc thành rừng, um tùm cao hơn đầu người, trở thành “bãi đáp” cho những thanh niên lén vào hút, chích và người dân tại chỗ tận dụng để trồng rau màu và nuôi bò…
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, có ít nhất 3 hộ dân tận dụng mặt bằng rộng lớn và đầy cỏ ở đây để dựng chuồng trại và chăn thả hàng chục con bò, khiến nhiều người không sao hình dung được đây là công trình… văn hóa. Trên thực tế, tác động của ngành văn hóa chỉ mới ở vạch xuất phát. Hiện Trung tâm Quỹ đất tỉnh quản lý phần đất, ngành văn hóa chỉ mới đầu tư hơn 2 tỉ đồng xây dựng cổng, nhà bảo vệ và 940,822/1.121m hàng rào (do 181m còn lại vướng tranh chấp với dân).
“Buồn ơi, chào mi!”
Lại phải mượn tên một cuốn tiểu thuyết của nhà văn người Pháp Francoise Sagan. Nhiều đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ khóm 3, phường 4 (TP.Cao Lãnh) cho biết, tại nhiều cuộc họp, nhiều đảng viên bày tỏ bức xúc trước nạn lãng phí đất vàng của trung tâm. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến không gian di tích cụ Phó Bảng, cần được xem xét, giải quyết dứt điểm. Lãnh đạo trung tâm từng đề xuất xây dựng tại đây công trình tạm để có chỗ làm việc, khi nào xây dựng xong công trình chính thì phần xây tạm đó sẽ sử dụng làm nhà kho…
Nhưng dường như những đóng góp này vẫn như “gió vào nhà trống”. Vì vậy, vào những ngày đầu năm 2016, nghe tin tân lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp chủ động “vào cuộc” với câu chuyện của trung tâm, chúng tôi đã đăng ký làm việc với lãnh đạo Sở VHTTDL với mong muốn kết thúc vấn đề một cách… có hậu, nhưng người có trách nhiệm ở đây lại “cảm ơn” và đề nghị không nên viết với lý do: “Lãnh đạo đã cam kết giải quyết”. Nghĩ cũng lạ! Nếu những “người mới” quyết tâm xử lý, làm sự việc tốt lên, thì đáng để viết lắm chứ! Bởi vì, đó không chỉ là sự hoan nghênh cái mới tích cực mà còn là lời chia tay với nỗi buồn xưa cũ!