Thưa ông, ông đánh giá thế nào về chất lượng và tính an toàn của các sản phẩm nông nghiệp hiện nay của nước ta?
Ảnh minh họa
- Số lượng nông sản an toàn là không đáng kể so với sản lượng nông phẩm được người dân tiêu dùng hàng ngày. Người trồng không dám ăn, người nuôi không dám dùng. Đó là thực trạng về tình hình buôn bán thực phẩm khá phổ biến tại Việt Nam hiện nay.
Khi sang Pháp, theo thói quen tôi hỏi một người bán rau: “Rau này có sạch không? Họ nhìn tôi như người trên trời mới xuống rồi nói: “Rau không sạch thì sao bán?”. Còn chúng ta, rau phun thuốc tràn lan, thịt có chất cấm nhưng vẫn được bày bán công khai. Cơ quan chức năng chưa đủ điều kiện để xử lý, kiểm tra, chế tài. Cả nước đang bị đầu độc hàng ngày.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là nông sản an toàn. Cơ quan quản lý nhà nước có chức năng cũng không thể kiểm soát được quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối nông sản theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tiến sĩ Vũ Trọng Khải
Điều này gây nên những hậu quả như thế nào, thưa ông?
- Bây giờ dường như cả xã hội bất lực, nhiều người nói là “đành chấp nhận tình trạng bị đầu độc” như một điều hiển nhiên. Trong khi, nền nông nghiệp truyền thống đúng nghĩa đã tồn tại hàng ngàn năm nay, là nền nông nghiệp hữu cơ, tạo ra nông sản vừa sạch vừa ngon hơn nền nông nghiệp an toàn mà ta đang phấn đấu thực hiện.
Nếu nghĩ sâu hơn một chút, người ta thấy sự buông xuôi của xã hội, của người dân, thậm chí bất lực của cơ quan chức năng... Thực trạng này chính là ta đang vô tình thừa nhận tính hợp pháp của một nền nông nghiệp vốn bất hợp pháp. Nói cụ thể hơn là trên thực tế, chúng ta đang thừa nhận tính hợp pháp của việc sản xuất, mua, bán, tiêu thụ nông sản không an toàn trên thị trường nội địa.
Trước thực trạng báo động như vậy, theo ông giải pháp nào là phù hợp?
- Giải pháp khắc phục tình trạng này chính là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Điều này không phải chỉ để tạo ra các khu nông nghiệp công nghệ cao, mà là để tạo ra nền nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra phải tuyên truyền rộng rãi, liên tục cho mọi người. Đặc biệt, người nông dân phải nhận thức việc sản xuất nông sản không an toàn là hành vi vi phạm cả luật pháp và đạo đức, trái với truyền thống văn hóa.
Phát triển các tổ chức nghiên cứu và triển khai các giải pháp nông nghiệp công nghệ cao ở tất cả các ngành hàng nông sản ở mỗi vùng nông nghiệp sinh thái, thuộc mọi thành phần kinh tế.
Luật pháp phải có quy định, chế tài nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, xây dựng một hệ thống chính sách đủ mạnh để khuyến khích và thúc đẩy việc nghiên cứu và triển khai các giải pháp phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao. Khi đó, chúng ta mới hy vọng vào tương lai của một nền nông nghiệp sạch, an toàn.
Xin cảm ơn ông!