Dân Việt

Người sót lại của chiến tranh bị ‟bỏ bùa” nơi rừng xanh núi đỏ

21/04/2013 07:38 GMT+7
(Dân Việt) - Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm nhưng ở làng Kuk (xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) vẫn có một người lính thời chống Mỹ chưa một lần về quê, chưa một lần biết tin tức gia đình, tự coi mình là một người con của ngôi làng Jrai trong nỗi buồn mênh mang cả núi rừng.

Chuyện khó tin ấy tưởng chừng chỉ có trong tiểu thuyết.

Khi mặt trời đứng bóng trên triền đồi bạt ngàn của làng Kuk thì ông Đinh Xuân Vi mới đi làm rẫy về. Mình trần, chiếc quần dài trễ xuống quá rốn, khuôn ngực ông gầy, nổi từng đốt xương phập phồng theo nhịp thở. Căn lều mái tôn sùm sụp trên đầu khiến tôi có cảm giác ông mang từ rẫy về cái nắng nôi và bụi bặm của một đời người.

Thấy khách lạ ở trong nhà, ông vẫn thủng thẳng tắm táp, gội rửa rồi mới lấy tẩu thuốc ra ngồi với khách. Rất tự nhiên, ông cứ ngồi bệt giữa nhà mà trò chuyện. Tôi hiểu là nếp làng đã bắt vào ông. Giá vô tình gặp ở ngoài đường, tôi cũng sẽ đinh ninh ông là một già làng như bao nhiêu già làng khác của vùng cao nguyên này.

img
Ông Đinh Xuân Vi trước ngôi nhà của mình.

Người sót lại của chiến tranh

Ông bắt đầu câu chuyện bằng cái giọng chứa nhiều chua chát. Quê ông ở tận Yên Bái, nhập ngũ năm 1965, phiên hiệu đơn vị ông chỉ còn mang máng là tiểu đoàn 1, quân khu Việt Bắc. Một năm sau, ông được điều đi B, phiên chế về binh trạm trung, mặt trận B3. Suốt 14 năm lăn lộn với chiến trường Tây nguyên ác liệt, với cấp bậc trung úy, đại đội trưởng, trình độ học vấn lớp 10, nếu không vì cái “sự cố” bất ngờ ấy thì chí ít ông cũng đã được cái “lon” thượng tá mà về hưu, đâu phải mỏi mòn ở cái làng bản xa xôi này cho đến bây giờ.

“Số là cuối năm 1972, tôi được giao phụ trách kho gạo ở đồi Ba Không. Một đêm nghe tiếng mưa đổ bất thường, tôi tỉnh giấc nhìn ra thì đã thấy bốn bề nước láng băng. Ở xứ này, những cơn mưa lở trời lở đất như thế cũng chẳng phải hiếm gặp. Đang định khoác áo mưa ra kho xem thế nào thì đã nghe ngoài vách tiếng rào rào nổi lên như có bầy voi rừng đang đạp cây tiến đến. Một cơn lũ quét bất chợt ập về. Chúng tôi ngoi ngóp trong làn nước, may mà không ai bị cuốn trôi.

Định thần lại, nhìn ra bờ suối thì kho gạo đã bay biến mất tự lúc nào. Sự cố bất khả kháng nhưng tất cả lính kho đều bị kỷ luật, và đương nhiên tôi là người nặng nhất. Cũng cứ nghĩ đấy chỉ là cái án nhất thời, nào ngờ, cho đến tận ngày giải phóng, mọi cuộc bình bầu khen thưởng tôi đều bị gạt ra.” - giọng ông Vi bỗng trở nên xa xăm như đang sống lại những ký ức buồn.

Trăn trở về câu chuyện của mình, ông viết một bức thư cho chỉ huy xin được ra ngoài tạo lập cuộc sống. Rồi chỉ có một bộ quần áo trên người, ông lội bộ tìm về làng Kuk. Làng Kuk bấy giờ xác xơ, đói rét lắm, song cũng chẳng biết đi đâu bởi đây là nơi duy nhất ông có người quen.

Từ lúc về làng, ông Vi thú thật là cũng không ít lần nghĩ đến việc về thăm nhà. Con chim, con thú còn biết nhớ cây, nhớ cội, con người sao có thể đành đoạn tuyệt với ruột thịt, quê hương? Thế nhưng, cứ khoác túi bước xuống cầu thang, ông lại tưởng tượng ra những câu hỏi tất yếu của mẹ và những người thân trong gia đình. Cùng đi B với nhau, cũng bấy nhiêu năm vào chết ra sống, người ta lên úy, lên tá, còn mình trơ cái thân không trở về, nếu không đi đầu hàng địch thì cũng là đào ngũ.

Hẳn rằng có thanh minh thế nào thì mọi người cũng không chấp nhận. Thế là ông lại khoác túi trở lên nhà. Cứ trượt theo lối suy nghĩ ấy, thư ông cũng chẳng viết, điện thoại về cũng không… “Bây giờ thì dễ chừng đã có bằng “Tổ quốc ghi công” treo ở quê, nỗi đau của người thân có lẽ cũng đã lắng. Vậy thì hãy để niềm tin ngủ yên, còn xáo động lên làm gì sự hoài nghi dằn vặt bởi sự “sống lại” muộn màng này nữa?” - ông Vi chua chát.

img
"Giang sơn" của ông Vi trong gần 40 năm ở trên mảnh rừng này.

Tôi nhìn mênh mang vào cái “thế giới” của ông. Căn chòi thưng bằng nứa lồ ô lợp tôn vá víu được ông chia làm hai ngăn. Ngăn trong cắm một chiếc sạp gỗ buông màn tối om, ý chừng là nơi ngủ của ông. Gian ngoài làm bếp.

Từ đây về tới làng Kuk dễ chừng phải đến 3 cây số. Hút mắt nhìn ra chỉ thấy bốn bề cao su và cà phê vây bủa. Ông phân trần rằng, bởi suốt ngày trần lưng ngoài rẫy, tối mới đáo về nấu cơm ăn rồi lăn ra ngủ. Một mình một cõi nên cũng chẳng buồn nghĩ đến phương tiện sinh hoạt. Xưa sống sao, bây giờ cứ vậy. Gần bốn chục năm gắn bó với làng, lại còn co mình vào cõi cùng của thế giới ấy nữa, ông đã mặc cảm với cuộc sống đến độ không biết tự thương thân.

Những thăng trầm số phận

Tôi không thể không bật cười bởi dòng suy nghĩ cực đoan của ông. “Đã đành là bác có lỗi, nhưng cái nhìn xã hội bây giờ đã thoáng lắm rồi. Mà như bác nói thì Nhà nước đã cho hưởng trợ cấp một lần, thế có nghĩa là xem như mình được xóa lỗi.

Bưu điện xã ngay kia, chỉ cần một cú gọi dịch vụ là có ngay số điện thoại UBND quê nhà bác. Rồi cứ nhắn tin như thế, như thế… Việc gặp lại người thân chỉ gang tấc mà thôi!”. Mặc cho tôi nói, ông vẫn cứ ngồi lặng, lúc lâu mới buông một câu gọn lỏn chẳng để làm gì: “Có lẽ rồi cũng thử xem? Biết đâu...”.

Trước khi vào làng Kuk tìm ông, tôi đã nghe không ít lời đồn đại chuyện thuốc thư, bùa ngải khá ly kỳ ở ngôi làng này. Người mách tin cho tôi thậm chí còn quả quyết: “Cứ cho là trước đây rừng núi mịt mù, điều kiện liên lạc không có thì cũng đành. Bây giờ ở làng Kuk, đến đứa trẻ con cũng biết điện thoại di động mà vẫn không nghĩ đến chuyện về quê hay tìm cách liên lạc với gia đình thì tôi tin chắc là ông ấy đã bị bỏ bùa rồi (!)”.

Bây giờ gặp, tôi mới hiểu chưa hẳn chuyện bùa mê, thuốc lú đã có tác dụng với ông. Ông đưa tôi về nhà. Vợ ông, bà Rmah Thận đang ngồi sưởi nắng trước hiên nhà. Cả tháng nay bà cứ cảm giác như có con lươn đang trườn trên da thịt. Cái lạnh cứ thấm vào từng đốt xương rờn rợn… “Bệnh người già đấy mà!” - bà bảo thế. Còn ông Vi cầm tay bà, nói một câu gì đó bằng tiếng Jrai, thấy bà lọm khọm đứng dậy đi vào bếp, rồi mang ra một ghè rượu và một ít cá khô.

“Trong những ngày vô vị đầu tiên khi tôi về làng Kuk này, tôi đã tình cờ gặp Rmah Thận. Bà ấy vốn là thanh niên xung phong của mặt trận B3. Cũng đã gặp mặt một đôi lần gì đó ở binh trạm nhưng tôi đâu có hay bà ấy ở làng này. Như là duyên tiền định, chỉ con gà với ghè rượu, chúng tôi nên vợ nên chồng.” - ông Vi chậm rãi uống một ngụm rượu ngọt như người ta uống nước, rồi bắt đầu câu chuyện về mái ấm của mình.

Hồi ấy làng Kuk này nhà nào cũng đói xác xơ vì mới chạy loạn từ Campuchia về. Nhà bà Rmah Thận cũng thế nên chẳng giúp được gì, hai vợ chồng ông bắt đầu tạo dựng cuộc sống từ con số 0.

Làm việc không tiếc thân mình, vốn liếng có lúc lên tới 7 con bò, lẽ ra ông đã được đền bù hay chí ít ra thì cũng đã có căn nhà đàng hoàng để ở, thế nhưng rốt cuộc lại trở về tay trắng. Nguyên do là bởi bệnh tật rình rập khắp nơi, sốt rét hoành hành. Mỗi gùi lúa ba chục cân chỉ đổi được liều thuốc sốt. Mà ông thì chẳng nhớ bao lần bị sốt.

“Có một lần tôi sốt chẳng biết đã mấy ngày. Trong mê man chợt nghe văng vẳng tiếng chiêng. Cố mở mắt thì thấy họ hàng đang chuẩn bị đập heo để làm ma. Đã không dưới 2 lần tôi được chuẩn bị cho về làng ma như thế, vậy mà như có phép mầu lại được sống. Trời có lẽ cũng thương tôi vào chết ra sống bao năm ở chiến trường không nỡ bắt hay chăng?” - ông Vi cười sảng khoái như khoe một chiến tích của mình.

img
Bà Rmah Thận, người níu giữ trái tim đầy mặc cảm của ông Vi trên vùng cao nguyên ấy.

Thực ra thì nỗi đau thể xác ấy có đận rồi cũng qua, chuyện đáng nói hơn là con cái. Dù ông chỉ kể sơ sài thì tôi cũng cảm nhận được nỗi buồn thầm kín ấy. Ông có đến 8 đứa con, 4 trai, 4 gái. Trong cái không gian làng như bao đứa trẻ cùng thời, chúng cứ lớn lên lấm láp và gần như hoang dã. Có đe nẹt hết cách thì một đứa cũng chỉ tới được lớp 6, một đứa men tới lớp 9 thì bỏ. Chúng thích lên rẫy hơn là đến trường.

Đau nhất là đứa con đầu. Nó cao to, trắng trẻo, đẹp trai nhất làng. Với đồng bào, điều khác thường như vậy chỉ là do ma lai ám. Giá là con ai khác thì bị giết công khai rồi, song có lẽ vì ngại ông, người ta chỉ xầm xì bàn tán. Thế rồi bỗng dưng nó bị bệnh, chết một cách bí hiểm. Vợ ông quả quyết là nó bị bỏ “thuốc thư”. Ông chẳng tin nhưng nỗi đau này cứ ám ảnh không thể nào nguôi.

Sáng tinh mơ đã chui ra khỏi lều, chiều nhọ mặt người mới chui về. Vậy mà 3 năm đầu, vợ chồng ông cũng đói vàng cả mắt, toàn phải đi đào củ mài ăn. Thời chiến tranh con mắt nhìn mọi chuyện đều đơn giản, đến lúc hòa bình mới thấy cuộc sống bao điều phải suy xét, lo toan.

Ông ở nhờ nhà vợ, 6 con người phải chen chúc nhau trong túp lều dễ chừng chỉ nhỉnh hơn chòi lúa. Hiểu rằng mình đang như con bò kéo cỗ xe ngược dốc, từ tinh mơ đến tối mịt, ông trần mình trên rẫy, tối lại về xoay trần nấu rượu, rồi thì đi bộ 20 cây số lấy muối, cá khô về cho vợ đổi lúa lấy lời.

Rồi cứ theo lẽ thường tạo hóa, chúng lần lượt lấy vợ lấy chồng, gắn cuộc đời với rẫy nương. Buồn hơn cả trong số chúng là Siu Hoa. Hoa là cô gái trắng trẻo, xinh xắn vào hàng nhất làng Kuk. Hoa lấy Rơ Châm Then cùng làng. Năm 2004, làng Kuk bị cuốn vào cơn lốc vượt biên. Nghe lời bọn phản động dụ dỗ, Then đã đành đoạn bỏ lại đứa con mới thôi nôi và người vợ trẻ để đi tìm “đất hứa”.

Trong chuyến đò vượt sông Pô Kô vào cái đêm mưa gió bão bùng ấy, chỉ mỗi Then và đứa cháu gái may mắn thoát chết. Nhưng cập được bờ “đất hứa” rồi, anh ta lại viết thư về tuyên bố bỏ vợ. “Đau nỗi con dang dở đã một nhẽ, mình là cựu chiến binh, là người hiểu biết ở làng này, lại để xảy ra chuyện đáng chê trách như vậy, chẳng phải là mang tiếng lắm sao?” - ông Vi phân trần mà ánh mắt buồn vời vợi.

Sự đền đáp quý giá nhất đời ông là một tình yêu bền chặt. Ông Vi nhìn bà Rmah Thận âu yếm, cái nhìn của sự chia sẻ và có chút hàm ơn: “Bà ấy không được học hành, sống theo lẽ thường của bao người đàn bà ở làng này. Nhưng với tôi, trong cái vỏ thô tháp ấy là một viên ngọc tình yêu.

Thú thật là những ngày đầu sống chung, không ít lần tôi đã trăn trở về sự lựa chọn của mình, thậm chí đã có lúc tôi định bỏ trốn. Thế nhưng, cứ mỗi lần chạm tới ý nghĩ tội lỗi ấy là lại thấy mình hèn. Những tai ương, những nỗi buồn đã qua, nói “trời thương” là thuận miệng chứ không có bà ấy, dễ tôi đã buông xuôi hay “tiêu cực” từ rất lâu rồi.

Làm sao tồn tại bằng sự trốn chạy ấy nếu phía sau không có bà ấy là điểm tựa. Rồi bây giờ với 2 ha rẫy cao su và cà phê mỗi năm thu mấy trăm triệu đồng là thành quả lao động bao nhiêu năm trời, tôi đâu phải là cái máy nếu không có tình yêu của bà ấy “điều khiển”. Thế nên đã bao lần tôi tự cười mình khi đâu đó người ta xì xầm rằng tôi bị “bỏ bùa”. Đúng là tôi đã bị bỏ bùa như thế đấy!”.

Ở Tây nguyên, những người có cảnh ngộ như ông cũng không phải hiếm, nhưng tôi biết họ đã lần lượt bước qua mặc cảm tìm về quê quán gặp lại người thân. Năm nay ông Vi đã bước vào tuổi 65. Cuối đời, ông hẳn cũng như bao người Jrai ở làng Kuk này, sẽ lại về với đất, sẽ được bỏ mả như người Jrai để rồi tan biến vào bầu trời như một giọt sương.

Kiếp người với cái vòng luân hồi “đất - người - ma - đất” theo quan niệm của người Jrai thô sơ mà triết lý, ôm hết cho bao tộc người trên thế gian này. Tôi bảo ông giờ thảnh thơi rồi, liên lạc với quê hương bản quán đi, ông ậm ừ bảo sẽ cố. Chắc là nói để yên lòng khách chứ tôi tin ông chẳng chịu làm đâu. Nỗi mặc cảm trong ông vẫn còn quá lớn.

Chiều mênh mang buồn trên đại ngàn, tôi cứ nghĩ mãi về câu chuyện cuộc đời của ông Vi, cứ nghĩ về những phận người còn sót lại sau chiến tranh như ông mà ngậm ngùi. Cũng may sao, ông Vi còn được bù trừ những điều tuyệt vời về một gia đình với tình yêu định mệnh.

Theo Dòng Đời