Trong năm 2015, Hà Nội đã phối hợp triển khai với nhiều tỉnh lân cận để tạo ra chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô.
Hà Nội là địa phương đầu tiên thành lập Ban điều phối chương trình phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn với sự tham gia của các đơn vị thuộc Bộ NNPTNT và Sở NNPTNT hơn 20 tỉnh, thành. Triển khai chương trình này, từ năm 2015 tới nay, rất nhiều cuộc làm việc, thăm quan thực tế giữa Sở NNPTNT Hà Nội và các tỉnh đã được tổ chức để bắt tay vào từng nhiệm vụ cụ thể.
Bản thân các tỉnh ven Hà Nội cũng đã tích cực quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất rau, vùng chăn nuôi an toàn để cung cấp cho thị trường Thủ đô. Nhờ đó nguồn cung nông sản thực phẩm sạch về thành phố ngày một nhiều hơn.
Trồng rau an toàn ở xã Tiền Lệ (Hoài Đức). Ảnh: VĂN TÚ
Bà Vũ Thị Hậu – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam với chuỗi siêu thị Fivimart, một đơn vị đồng hành với chương trình từ những ngày đầu cho biết, thông qua sự kết nối của Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, công ty đã có thêm 25 nhà cung cấp rau, quả tươi từ các tỉnh, thành trong cả nước với 257 mã hàng mới được thiết lập, đặc biệt là các mặt hàng trái cây theo mùa vụ và trái vụ.
Hiện doanh số bán hàng rau quả của đơn vị này đã tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm ngoái. “Từ chương trình hợp tác trên đã phần nào tạo thói quen cho người tiêu dùng Thủ đô đi chợ trong siêu thị” - bà Hậu cho biết.
Báo cáo của Sở NNPTNT Hà Nội cho thấy, trong năm qua, giữa các tỉnh, thành đã hình thành cơ chế liên lạc về kiểm soát nông sản thực phẩm về Thủ đô. Chỉ riêng trong năm 2015, có khoảng 5 triệu con gia súc, gia cầm từ các tỉnh được đưa và Hà Nội, phần lớn đã được kiểm dịch, kiểm soát thú y tại nơi xuất phát.
Nhiều chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ thực phẩm an toàn đưa về Hà Nội có sự tham gia của doanh nghiệp (DN) đã hình thành và đóng góp tích cực vào việc cung cấp nguồn cung thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô. Tiêu biểu là chuỗi sản xuất rau VietGAP của Hòa Bình, Sơn La đưa về hệ thống siêu thị Fivimart, BigGreen hay chuỗi thịt gà Dabaco Bắc Ninh…
Đảm bảo cung ứng đủ thực phẩm sạch dịp tết
Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, song theo nhận định việc cung ứng thực phẩm sạch cho địa bàn đông dân cư như Hà Nội vẫn còn rất nhiều hạn chế, số lượng thực phẩm cung ứng còn quá nhỏ so với nhu cầu thực tế.
Theo ông Nguyễn Văn Chí – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, hiện nay chúng ta chưa có chính sách hỗ trợ cho các DN của Hà Nội đầu tư phát triển sản xuất ở các tỉnh, thành phố khác, nên chưa khuyến khích được vai trò liên kết hợp tác sản xuất giữa Hà Nội và các tỉnh, thành.
Một bất cập nữa được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm đưa ra là, thủ tục hành chính về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn rườm rà. Đơn cử, quy định mỗi khay thịt đã xẻ phải có tem nhãn, đóng dấu kiểm dịch thú y làm tăng thêm chi phí và ảnh hưởng đến quy trình phân phối sản phẩm ra thị trường của DN. Đặc biệt, ở nhiều vùng sản xuất, người nông dân vẫn chưa làm quen với việc sơ chế, bao gói, dán tem nhãn và xin cấp giấy chứng nhận chất lượng cho nông sản thực phẩm...
Tại buổi làm việc mới đây với Sở NNPTNT Hà Nội, Bộ NNPTNT vẫn đề nghị Hà Nội cần cố gắng đảm bảo cung ứng thực phẩm sạch cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán tới ở mức tối đa. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho rằng, liên kết cung ứng thực phẩm sạch cho Hà Nội là việc cần thiết phải làm ngay, nhất là trong đợt hành động cao điểm vì chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp kéo dài đến hết tháng 2. Thông qua đó, kết nối, giúp cho người tiêu dùng Thủ đô mua được sản phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc.
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội: 95% mẫu rau trên thị trường Hà Nội an toàn Hà Nội hiện có khoảng 10 triệu dân, nhu cầu về sản phẩm an toàn rất lớn, nhất là rau, thịt. Từ đầu năm 2015 đến nay, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ NNPTNT, Hà Nội đã xây dựng chuỗi liên kết cung cấp rau, thịt cho thành phố. Tuy nhiên, năm nay mới chỉ là năm đầu tiên triển khai chương trình nên sự phối hợp giữa các đơn vị vẫn còn những vướng mắc nhất định, cần phải tiếp tục củng cố. Qua đó cung cấp cho thị trường Hà Nội nhiều sản phẩm có giá trị và đảm bảo an toàn. Hà Nội hiện nay có 5.000ha rau an toàn, mới cung cấp đảm bảo 60% lượng nhu cầu thành phố, còn lại thu mua từ các tỉnh khác về. Việc kiểm soát chất lượng rau, các tỉnh cũng đã triển khai nhưng trong khâu lưu thông, phân phối vẫn còn một số ít cơ sở chưa đảm bảo an toàn. Qua kiểm tra lấy mẫu, có 95% mẫu rau lưu thông trên địa bàn thành phố đảm bảo an toàn. Văn Tú |