Dân Việt

“Cấp bậy” chứng nhận 815 loại phân bón: Bàng hoàng, chán nản, thất vọng

Đình Thắng – Quốc Hải 14/01/2016 06:51 GMT+7
“Tôi đã đề nghị Thủ tướng kiểm tra, kiểm soát, tổ chức lại hệ thống phân tích, lấy mẫu và cấp chứng chỉ, kỷ luật nghiêm minh những cá nhân, đơn vị làm sai phạm; củng cố phân bố đều hệ thống khảo nghiệm, tăng cường trung tâm ở các tỉnh, thành để tránh tình trạng quá tải, nảy sinh việc làm khuất tất, đen tối”.

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Đình Hạc Thúy – Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam khi trao đổi với phóng viên NTNN trước thông tin Trung tâm Khảo nghiệm phân bón quốc gia cấp giấy chứng nhận chất lượng cho 815 sản phẩm phân bón mà không cần lấy mẫu hay phân tích mẫu sản phẩm.

“Không còn gì để nói”

Bàng hoàng, chán nản, thất vọng - đó là trạng thái tâm lý của các chuyên gia cũng như các doanh nghiệp khi tiếp nhận thông tin “động trời” trên. Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy bức xúc: “Vụ việc cho thấy tình trạng kiểm tra kiểm soát thiếu nghiêm túc, một cơ quan được tin tưởng nhất thì lại làm những việc bậy bạ nhất, cố ý làm sai quy trình thủ tục để trục lợi.

Phân bón rởm, giả, kém chất lượng mà được cấp giấy chứng nhận chất lượng đã làm loạn thị trường phân bón, ảnh hưởng tới nông dân, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng tới các đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón chân chính”.

img

Nông dân Lê Văn Phú (thôn 3, xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lộc, Lâm Đồng) bên những bao phân bón nghi là kém chất lượng.  Ảnh:  LAMDONGONLINE

Khi nhận được thông tin trên, ông Hoàng Văn Tại - Tổng Giám đốc Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển im lặng trong giây lát, rồi nêu ý kiến: “Một cơ quan được cấp quyền rất to về cấp phép, một cơ quan được tham gia soạn thảo các thông tư, nghị định liên quan đến cấp phép vậy mà họ lại làm những việc sai trái như thế, tôi không thể hình dung được, không còn gì để nói nữa.

Sự việc ở Trung tâm Khảo nghiệm quốc gia thể hiện sự sơ hở, quản lý lỏng lẻo của các cơ quan quản lý. Nếu sản phẩm phân bón được cấp giấy chứng nhận chất lượng mà không cần lấy mẫu, cũng không cần phân tích, vậy việc khảo nghiệm có cần thiết không, hay họ đưa quy trình này ra để trục lợi?”.

Trước tình trạng thật giả, trắng đen lẫn lộn này, ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cũng cho rằng: “Phải xử lý nghiêm minh tình trạng lộn xộn này, cơ quan điều tra cần có nhiều hơn những vụ điều tra như trên, không chỉ xử lý đơn vị trực tiếp cố tình vi phạm pháp luật mà còn cả với các các cơ quan quản lý nhà nước, công chức nhà nước đối với việc sản xuất kinh doanh và lưu hành phân bón giả vốn rất lộn xộn trong thời gian qua”.

 “Kiểm định chất lượng phân bón hình thức lắm”

"Tôi đề nghị cần mở rộng điều tra trên diện rộng tất cả các trung tâm khảo nghiệm xem ngoài 815 sản phẩm vừa phát hiện ra còn những trường hợp nào khác nữa hay không.

Đồng thời cần phải xem xét lại tất cả các loại phân bón, để làm sao chỉ tồn tại trên thị trường những sản phẩm phân bón chất lượng”. 

Ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, giám đốc kinh doanh của một công ty phân bón có nhà máy đóng tại tỉnh Bình Dương (đề nghị không nêu tên) cho rằng, việc kiểm định chất lượng phân bón, cấp giấy phép kiểm định phân bón hiện nay là một quy trình bắt buộc mà quản lý nhà nước đưa ra, nhưng theo đánh giá của doanh nhân này, quy trình này không có gì cụ thể và khoa học cả, chỉ làm hình thức thôi.

Ví dụ, theo quy định thì sai số của mẫu kiểm định so với quy chuẩn tới 30% mới bị coi là phân bón giả, nhưng nếu sai số chỉ từ 29% trở xuống thì được coi là phân bón kém chất lượng. Mức xử phạt với 2 mức này cũng khác nhau “một trời một vực”. Dĩ nhiên, với quy định như thế sẽ không tránh khỏi việc gian lận trong các chỉ tiêu chất lượng của phân bón.

Những khuất tất, sai sót như ở Trung tâm Khảo nghiệm phân bón quốc gia sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh phân bón trên cả nước. Hiện nay Việt Nam được đánh giá là quốc gia có danh mục sản phẩm phân bón thuộc diện nhiều nhất thế giới, với khoảng 5.000-6.000 loại.

Không chỉ sản phẩm phân bón nhiều mà số lượng doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón của Việt Nam cũng rất nhiều. Theo thống kê của Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT và Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện nước ta có gần 800 DN sản xuất, kinh doanh phân bón, trong đó riêng TP.HCM xấp xỉ con số 500 DN.

Vậy bao nhiêu trong số trên là DN thật, đủ điều kiện kinh doanh, bao nhiêu DN chưa đủ điều kiện, chỉ gia công các loại phân rởm, giả? Con số đó có lẽ không ai có thể trả lời chính xác, tuy nhiên thực tế trong khoảng 2 năm gần đây, trên thị trường xuất hiện nhan nhản các sản phẩm phân bón trung, vi lượng vượt ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng, và người nông dân đang hoa mắt với “ma trận phân bón” được giăng ra.

Bày tỏ ý kiến về vấn đề này với Dân Việt, ông Vũ Xuân Hồng đề nghị các cơ quan quản lý phải làm rõ trách nhiệm, truy đến cùng và phải công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, để thông tin này đến được tới nông dân – những người nhận hậu quả nặng nề nhất.

Phải xử thật nặng

Về động cơ của việc cấp phép “giả” này, theo  một người kinh doanh như tôi tính toán thì nếu một tấn phân bón thật chỉ lãi vài chục ngàn đồng thì phân bón giả có thể thu lãi lên đến 300.000 - 500.000 đồng/tấn. Đây là một món lợi “kếch xù” nên ai cũng ham và dám liều. Tôi đề nghị nhà nước phải xử thật nặng những người gây ra vụ việc này vì họ đã được nhà nước tin tưởng nhưng lại tham món lợi trước mắt mà gây thiệt hại cho hàng triệu nông dân…

Ông Nguyễn Quốc Dũng (chủ Doanh nghiệp Quốc Dũng, huyện Hóc Môn, TP.HCM)