Dân Việt

Nông nghiệp VN 2016: Nói nhiều, làm ít đừng mong đồng hành

Vĩnh Hoàng 14/01/2016 16:07 GMT+7
Bức tranh kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn được phác thảo thế nào trong năm 2016? Nhiều chuyên gia cho rằng, nông nghiệp còn nhiều khó khăn khi hội nhập! Nhưng chỉ kêu khó mà không tìm ra giải pháp gì gỡ khó, thì sao có thể nói đồng hành với nhà nông, sao có thể coi nông nghiệp là “bệ đỡ”, là trụ cột của nền kinh tế?

img

Nông dân thu hoạch lúa tại Ô Môn, Cần Thơ. Ảnh: LHT

Hàng loạt hội nghị, hội thảo đầu năm của nhiều bộ, ngành đang nóng bỏng câu chuyện gỡ khó cho kinh tế “tam nông”. Thực tế chính là phải nhìn thẳng vào thực trạng: Gạo xuất khẩu số lượng năm nào cũng nhất nhì thế giới, nhưng giá trị cứ như giảm dần đi. Con cá tra, con tôm cứ bị thị trường “bắt ne, bắt nét”, nay kiện phá giá, mai trả về vì để tồn dư quá lượng kháng sinh.

Ngành hàng hoa, rau, củ quả... xuất khẩu có tăng, nhưng vẫn không đủ sức bù đắp chi phí và kéo lại những sụt giảm giá trị của toàn ngành nông nghiệp Việt Nam. Rõ ràng, việc xây dựng thương hiệu nông sản, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu... nói nhiều mà chưa làm được là bao. Chả thiếu chuyện hạt gạo, trái cây bán “qua tay” láng giềng là mang thương hiệu nước khác.

Nhà nông đa số là nghèo, vốn liếng đâu có nhiều. Cạnh tranh không thể bằng lao động thủ công, bằng đồng vốn mỏng manh, mà phải bằng đầu tư máy móc công nghệ mới. Chỉ chuyện vay vốn ngân hàng  mua máy gặt đập liên hoàn, đóng tàu hiện đại ra khơi cũng đâu dễ dàng, thông đồng bén giọt. Hãy nhìn xem, vì sao chế biến sản phẩm nông nghiệp bao năm chưa khởi sắc? Vì đầu tư lớn, nhưng lợi nhuận chẳng đáng gì, chỉ 4-5% nên các doanh nghiệp vẫn ngoảnh mặt, quay lưng.

Nông nghiệp ứng phó với hội nhập phải từ sự chuyển động của thể chế, chính sách, chỉ đạo, điều hành của các bộ, ngành, cơ quan chức năng. Đừng mãi kêu khó khăn mà hãy chung tay hướng dẫn nhà nông sản xuất đúng quy trình, trung thực, không gian dối từ sản xuất đến khi thành sản phẩm bán tới người tiêu dùng cả trong nước và xuất khẩu.

Bộ NNPNT, Bộ Công Thương nói kiên quyết chặn thức ăn chăn nuôi sử dụng chất tạo nạc, tồn dư hóa chất, chặn nạn phân bón, thuốc trừ sâu giả…Chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân với Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về giám sát vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp phải hướng dẫn nông dân cụ thể cách khắc phục. Nếu không, nông dân làm sao có thể phân biệt được trong 5.000 loại phân bón tràn lan, loạn xạ kia, đâu là thật – giả?

Cơ quan quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp phải cùng nông dân chấp nhận thách thức để vượt lên! Đó mới là giải pháp căn cơ giúp nông dân làm giàu, giảm nghèo bền vững.