Dân Việt

Bị hủy án, Cơ quan điều tra nói tòa "chưa nghiên cứu kỹ"

Chân Luận 14/01/2016 07:13 GMT+7
Sau khi tòa phúc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại vì xác định CQĐT đã lấy quyết định khởi tố của vụ án này áp cho vụ án kia, CQĐT có kết luận điều tra mới, vẫn giữ nguyên quan điểm, bảo tòa “chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ”…

Ngày 13.1, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã triệu tập bị can Cao Thị Thu Hằng để tống đạt kết luận điều tra. Vụ án từng gây chú ý ở chỗ sau khi TAND tỉnh Phú Thọ phạt Hằng 15 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã hủy án sơ thẩm vì có nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng, trong đó có việc chưa có quyết định khởi tố vụ án.

Lấy quyết định khởi tố vụ án này áp vào vụ kia

Như Pháp luật TP.HCM từng thông tin, tháng 8.2011, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 33, sau đó khởi tố bị can đối với Lê Thị Minh Hiền về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiền đã nhận hàng chục tỉ đồng của nhiều người để chạy việc và xin đất dự án ở TP Việt Trì nhưng không thực hiện được. Tại CQĐT, Hiền khai phần lớn số tiền nhận của người dân đã giao cho Hằng nhưng không có tài liệu chứng minh.

Một tháng sau, CQĐT nhận được đơn của ông Tạ Quang Thuật và bà Hoàng Thị Thu (ngụ thị trấn Hùng Sơn, Lâm Thao) tố cáo Hằng lừa đảo chiếm đoạt gần 1,2 tỉ đồng. CQĐT và VKS tỉnh cho rằng ông Thuật đã nhận nhiều hồ sơ chạy việc, chạy trường cùng hàng trăm triệu đồng từ bà Thu rồi chuyển hồ sơ, tiền cho Hằng. Ngoài ra, bà Thu cũng chuyển hồ sơ và tiền riêng cho Hằng. Tổng số tiền mà ông Thuật, bà Thu bị Hằng chiếm đoạt là 676,5 triệu đồng.

Ngày 16.9.2011, CQĐT đã khởi tố bị can, sau đó bắt tạm giam Hằng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tháng 12.2012, TAND tỉnh Phú Thọ xử phạt Hằng 15 năm tù. Bản án này bị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội (nay là TAND Cấp cao tại Hà Nội) hủy để điều tra, xét xử lại. Tháng 9-2014, TAND tỉnh Phú Thọ xử sơ thẩm lần hai, tiếp tục phạt Hằng 15 năm tù. Tháng 8.2015, TAND Cấp cao tại Hà Nội xử phúc thẩm lần hai đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.

Theo tòa phúc thẩm, quyết định khởi tố bị can ngày 16.9.2011 đối với Hằng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không có căn cứ pháp luật vì chưa có quyết định khởi tố vụ án. CQĐT cho rằng đã khởi tố bị can đối với Hằng theo quyết định khởi tố vụ án hình sự số 33 liên quan đến việc Lê Thị Minh Hiền lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa phúc thẩm chỉ rõ vụ án này xảy ra tại TP.Việt Trì, là vụ án độc lập của Hiền, không liên quan đến vụ án xảy ra tại thị trấn Hùng Sơn (Lâm Thao) mà Hằng là bị cáo…

Ngoài ra, tòa phúc thẩm cho rằng việc cấp sơ thẩm xác định ông Thuật, bà Thu là người bị hại là sai. Trong trường hợp có căn cứ xác định Hằng phạm tội lừa đảo thì cũng có căn cứ để xác định ông Thuật và bà Thu là đồng phạm với vai trò giúp sức cho Hằng. Hơn nữa, bản án sơ thẩm không xác định được địa chỉ, không lấy được lời khai của rất nhiều người bị hại mà bản án liệt kê nên chưa đủ cơ sở xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt để làm căn cứ định khung hình phạt...

img

Bị can Cao Thị Thu Hằng. Ảnh: C.Luận

“Tòa cấp cao chưa nghiên cứu kỹ tài liệu”

Trong bản kết luận điều tra mới ngày 12.1.2016, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ cho rằng quyết định khởi tố bị can ngày 16.9.2011 của CQĐT đối với Hằng chỉ xác định Hằng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chứ không xác định có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại thị trấn Hùng Sơn (Lâm Thao). Thực tế, cấp sơ thẩm cũng chỉ điều tra, truy tố, xét xử Hằng về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Hằng xảy ra tại TP.Việt Trì chứ không hề điều tra, truy tố xét xử vụ án nào của Hằng xảy ra tại huyện Lâm Thao.

CQĐT không giải thích rõ tại sao lại xác định chỉ điều tra, truy tố, xét xử Hằng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Hằng xảy ra tại TP.Việt Trì. Danh sách những người bị hại mà CQĐT xác định bị Hằng lừa cũng không có ai sống tại TP.Việt Trì. Tuy nhiên, trong kết luận điều tra mới, CQĐT xác định ông Thuật có mang tiền, hồ sơ đến nhà Hằng (ở TP.Việt Trì).

CQĐT cho rằng bản án phúc thẩm lần hai của TAND Cấp cao tại Hà Nội xác định CQĐT khởi tố bị can đối với Hằng khi chưa khởi tố vụ án là do “chưa nghiên cứu kỹ tài liệu có trong hồ sơ vụ án” và khẳng định việc khởi tố hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Hằng sau quyết định khởi tố vụ án hình sự số 33 là đúng pháp luật.

Trong bản án phúc thẩm lần hai, TAND cấp cao cũng yêu cầu điều tra, làm rõ việc điều tra viên tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm đối với Hằng ở đâu, vào thời điểm nào, ai là người nộp, hình thức nộp đơn, ai là người tiếp nhận đơn tố giác và các chứng cứ kèm theo. Tuy nhiên, trong bản kết luận điều tra mới, CQĐT cho rằng các yêu cầu này của tòa là “không có căn cứ”.

CQĐT vẫn xác định từ năm 2006 đến 2011, do cần tiền đầu tư mua bán điện thoại di động, Hằng đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức “xin nhận hồ sơ, tiền để chạy xin việc làm cho những người có nhu cầu xin đất, xin việc, xin chuyển công tác…”. Để tạo lòng tin, Hằng nói mình là cháu của “đồng chí lãnh đạo tỉnh”, có nhiều mối quan hệ. Sau khi nhận tiền, Hằng không giữ cam kết mà dùng tiền do người khác đưa để chi tiêu cá nhân, mua bán điện thoại di động mang lại lợi ích cá nhân. Theo CQĐT, hành vi của Hằng đã phạm vào khoản 4 Điều 139 BLHS (khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân) và cần được xử lý nghiêm.

Không chấp hành kiến nghị của VKSND Tối cao

Ngày 31.12.2015, bị can Hằng đã gửi đơn kêu cứu khẩn cấp đến nhiều cơ quan từ tỉnh đến trung ương về việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh và VKSND tỉnh Phú Thọ không chấp hành kiến nghị của VKSND Tối cao, bản án phúc thẩm lần đầu của TAND Tối cao cùng bản án phúc thẩm lần hai của TAND Cấp cao tại Hà Nội.

Trước đó, VKSND Tối cao đã kiến nghị giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ tổ chức kiểm điểm các cá nhân liên quan đến việc bắt tạm giam Hằng và có biện pháp xử lý kỷ luật nghiêm minh. Bởi lúc bị bắt, Hằng đang nuôi con nhỏ 24 tháng tuổi, đang mang thai chín tuần bốn ngày. Thời gian bị tạm giam, Hằng bị cắt quà tiếp tế của gia đình với lý do “khai báo gian dối, chưa thành khẩn”. Khi mang thai đến tháng thứ bảy Hằng mới được tại ngoại vì đã điều tra xong.

VKSND Tối cao cũng xác định điều tra viên Nguyễn Mạnh Cường đã xâm phạm hoạt động đúng đắn của CQĐT; xâm phạm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân qua việc giả mạo tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc kê biên tài sản của cha mẹ Hằng. Cụ thể, ông Cường đã tự ý viết thêm vào biên bản ghi lời khai của Hằng, tự viết khống trong biên bản xác minh tại UBND xã Thụy Vân. Tuy nhiên, hành vi giả mạo của ông Cường chỉ nhằm phục vụ điều tra và đảm bảo thi hành án, không có vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Mặt khác, việc kê biên tài sản đã được CQĐT giải tỏa, chưa gây thiệt hại tới tài sản của cha mẹ Hằng nên hành vi của ông Cường chưa đến mức xử lý hình sự mà chỉ cần kiến nghị xử lý kỷ luật nghiêm minh.