Nam Ô là tên của một làng chài ven biển thuộc quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng. Theo ngư dân làng chài, món gỏi cá Nam Ô xuất hiện từ khi xưa và trở thành món ăn “gia truyền” của làng.
Ngư dân đánh bắt xong, muốn ăn món cá tươi ngon, nhưng sợ đau bụng, họ đã nghĩ ra cách thêm gừng, tỏi, ớt, mắm… làm cho món ăn vừa có hương vị thơm ngon, vừa để tránh đau bụng. Rồi, dần dà họ tìm những cây trong vườn, rau rừng hoang dã để tăng thêm hương vị cho món gỏi. Từ đó, món gỏi cá Nam Ô ra đời.
Gỏi cá Nam Ô có hai cách chế biến là gỏi khô và gỏi ướt. Có thể làm gỏi với các trích, cá mòi, cá cơm, … Những loại cá mà ngư dân làng chài Nam Ô chuyên đánh bắt được ở gần bờ.
Gỏi cá khô được ngư dân làng chài Nam Ô chế biến.
Nguyên liệu dùng chung cùng món gỏi cá không thể thiếu các loại rau, bánh tráng và nước chấm.
Người dân làng biển Nam Ô cho biết, nguyên liệu làm gỏi cho vị thơm ngon nhất là cá trích, bởi thịt của loài cá này săn chắc, lại thơm. Mỗi sáng mai, trên những tàu thuyền đánh bắt gần bờ của ngư dân làng chài cập bờ, những con cá trích vẫn còn quẫy đạp sẽ được làm sạch, lọc cắt bỏ xương, chỉ dùng lại những miếng thịt săn chắc để chuẩn bị nguyên liệu đầu tiên của món gỏi. Sau khi qua sơ chế, làm sạch, cá được ép, vừa phải chắt lấy nước để dùng chế biến nước dùng cho món gỏi. Sau đó ướp gừng, riềng, tỏi giã nhuyễn ướp cùng chanh, giấm gạo, sau đó trộn đều khoảng 10 phút cho ngấm rồi vớt cá ra cho lên đĩa. Trước khi hoàn thành món ăn này, cần lăn qua lớp bột thính (hay còn gọi bột ngô) là có ngay món gỏi khô thơm ngon.
Đối với món gỏi ướt, cũng được ướp tỏi, gừng giã nhuyễn, sau đó ngâm trong hỗn hợp nước dùng được đun sôi hòa với nước mắm Nam Ô. Như vậy đã hoàn thành món gỏi ướt.
Với cả 2 món gỏi trên, không thể thiếu nước chấm được lấy từ cá. Nước cốt cá hòa thêm đường, nước mắm và ít bột năng đem đun sôi, thêm gừng, tỏi và ớt, tạo thành thứ nước xốt sền sệt độc đáo, làm nên hương vị đậm đà của nước chấm. Khi ăn món gỏi cá cũng không thể thiếu đậu phộng rang vàng giã nhỏ, bởi đậu làm cho cá dậy mùi thơm.
Món gỏi cá Nam Ô càng thơm ngon nhờ thêm những món rau hoang dã, lá rừng được dân làng chài tuyển lựa, hái lúc mờ sáng dưới chân đèo Hải Vân với đủ các loại như đọt sim, ngành ngạch, tim lan, lá trám, lá đinh lăng, cùng với các loại rau vườn trồng như xà lách, diếp cá, dưa leo, chuối chát, khế, xoài… Dùng gỏi cá kết hợp với bánh tráng nữa sẽ thực sự đem đến món gỏi cá đủ vị chua cay, mặn, ngọt, chát khiến những ai một lần thưởng thức sẽ khó quên.