Dân Việt

Gia Lai: Dân bức xúc, tàn phá rừng gỗ sao 10 năm tuổi

Lê Kiến 15/01/2016 06:00 GMT+7
Bức xúc vì Ban quản lý rừng để nhiều hộ dân phá quy hoạch trồng cao su chuyển sang trồng hồ tiêu, gần 300 hộ dân ở xã Bar Maih (Chư Sê, Gia Lai) đã đồng loạt kéo vào tiểu khu 1028 tàn sát rừng gỗ sao.

Xác nhận vụ việc này với PV, ông Nguyễn Hữu Tâm – Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê cho biết: Việc gần 230 người dân cầm rựa ồ ạt vào rừng chặt phá rừng gỗ sao (thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý) là có thật. Ngay sau khi sự việc xảy ra, huyện đã làm báo cáo nhanh gửi UBND tỉnh thông tin về vụ việc để có hướng xử lý. Đồng thời, UBND huyện giao cơ quan công an huyện lập chuyên án điều tra; yêu cầu chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê báo cáo chi tiết vụ việc…

img

Rừng gỗ sao 10 năm tuổi đã bị đốn hạ. Ảnh:   L.K

Theo tìm hiểu của PV, khoảng 8 giờ sáng 11.1, gần 230 người dân ở hai làng Phạm Clá 1 và Phạm Clá 2 tụ tập thành đám đông rồi đồng loạt kéo nhau vào tiểu khu 1028 chặt phá rừng gỗ sao 10 năm tuổi, đường kính khoảng 20cm.

Đến gần 11 giờ, chính quyền địa phương vào hiện trường để ngăn cản. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, người dân mới ngừng chặt phá, dần bỏ về làng.

Để hiểu rõ hơn, PV đã đến làm việc với chính quyền xã Bar Maih. Tuy nhiên, ông Dương Mạnh Huy – Chủ tịch UBND xã Bar Maih đã từ chối cung cấp thông tin với lý do huyện đã có quy định, muốn làm việc với xã phải được sự đồng ý của UBND huyện Chư Sê!

Tại hiện trường, khu rừng gỗ sao hàng chục ha 10 năm tuổi bị đốn hạ ngổn ngang, nhiều cây to chưa kịp chặt đã bị đẽo quanh gốc héo lá.

“Ban đầu Ban quản lý rừng Chư Sê báo chỉ có vài ha bị chặt hạ nhưng tôi không đồng ý vì chính tôi đã trực tiếp xuống hiện trường thấy rất nhiều. Sau đó, Ban quản lý báo cáo lại là 9,64ha bị người dân chặt phá” - ông Tâm cho biết.

Theo ông Tâm, nguyên nhân dẫn đến việc người dân phá rừng là do các cán bộ, hộ dân nhận khoán chuyển đổi một phần rừng nghèo sang trồng cao su không làm đúng cam kết ban đầu.

Theo đó, những hộ trồng cao su đã tự ý phá cao su chuyển sang trồng hồ tiêu (trái với cam kết trồng cao su nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân – PV) khiến người dân bức xúc chặt phá rừng để lấy đất sản xuất...