Dân Việt

Những chính sách về ôtô có hiệu lực tại Việt Nam từ năm 2016

Đức Huy 16/01/2016 20:27 GMT+7
Ôtô nhập khẩu sẽ tăng giá do cách tính mới liên quan tới thuế TTĐB, người Việt có thể thi bằng lái ôtô dành riêng cho xe số tự động.

Năm 2015 ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục của thị trường ôtô Việt Nam, nhưng cũng là năm hãng xe, khách hàng đều "quay cuồng" vì những dự thảo, đoán định liên quan tới chính sách về thuế, phí, giá xe và cả những hoạt động an toàn khác liên quan tới ôtô. Dưới đây là những chính sách lớn đã chính thức phê duyệt, có hiệu lực từ 2016.

1. Giá tính thuế TTĐB của xe nhập khẩu sửa đổi

img

Nghị định 108 quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, trong đó trọng tâm là thay đổi thời điểm tính thuế TTĐB với xe nhập khẩu dưới 24 chỗ, sẽ trực tiếp làm tăng giá xe bán lẻ tới khách hàng. Theo đó, thời điểm tính thuế TTĐB đổi từ giá vốn sang giá bán buôn, tức là giá vốn cộng thêm phần chi phí vận chuyển, quảng cáo, bán hàng và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Theo cách tính mới, mức thuế TTĐB doanh nghiệp phải đóng sẽ tăng lên, do đó bắt buộc phải tăng giá bán để đảm bảo lợi nhuận. Các nhà kinh doanh sẽ điều chỉnh giá cho phù hợp từ đầu 2016. Mức tăng thêm phụ thuộc vào từng loại xe và cách mà nhà phân phối thương thuyết với cơ quan thuế.

Thực tế đến thời điểm này, từ các đại lý nhập khẩu chính hãng, không chính hãng tới cả các hãng sản xuất đều thông báo tăng hoặc rục rịch tăng giá. Mercedes giới thiệu bảng giá mới trong đó mức tăng tùy từng mẫu xe, thấp nhất là 20 triệu và cao nhất đắt hơn tới 1,8 tỷ. Hay đơn vị lắp ráp như Thaco cũng cho biết giá xe lắp ráp từ linh kiện nhập khẩu có thể tăng 2-5%.

Hãng xe cũng như khách hàng trong giai đoạn này rơi vào mớ hỗn độn giá và hợp đồng mua bán. Hai bên cần đưa ra thương thảo chính thức liệu người đã ký hợp đồng nhưng chưa nhận xe có phải đóng thêm tiền phụ trội khi nhận xe vào năm 2016, hay người mua xe vào thời điểm này có cần cam kết gì không về mức giá. Rắc rối này khiến nhiều người muốn mua xe cũng phải dè chừng hơn.

2. Giảm thuế xe nhập khẩu từ ASEAN còn 40%

img

Theo quy định tại Thông tư 165 năm 2014 của Bộ Tài chính, biểu thuế áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu từ ASEAN chịu thuế suất ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định thương mại hàng hóa AFTA. Theo đó, xe ôtô nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN sẽ giảm từ 50% năm 2015 xuống còn 40% năm 2016. Tương tự, các năm sau sẽ là 30% năm 2017 và về 0% vào 2018.

Hiện tại, dòng xe chủ yếu mà thị trường Việt nhập từ ASEAN là bán tải (nhập Thái Lan). Tuy nhiên, nhận định của các hãng cho thấy, triển vọng giá xe nhập ASEAN giảm theo thuế vào 2016 gần như sẽ không thể xảy ra. Bởi lẽ, bên cạnh giảm thuế nhập khẩu từ 50% xuống 40%, xe lại chịu cách tính thuế TTĐB mới như phân tích ở trên, chưa kể những tác động khác như tăng mức thuế suất TTĐB hay hàng rào thuế, phí khác.

3. Cấp bằng lái xe số tự động

img

Bộ Giao thông vận tải chính thức sửa đổi thông tư 46 có hiệu lực, theo đó sẽ có thêm mục cấp giấy phép lái xe số tự động song song với giấy phép truyền thống, bắt đầu thực hiện từ 1.1.2016.

Giấy phép lái xe hạng B1 số tự động sẽ cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển ôtô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi; ôtô tải, kể cả ôtô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn. Người có giấy phép lái xe số tự động hạng B1 không được lái xe số sàn.

Khi dự thảo được ban hành vào năm ngoái từng gây cuộc tranh cãi lớn trong cộng đồng, nguyên nhân chủ yếu do hiểu nhầm về ý nghĩa của loại giấy phép mới. Hiểu chính xác, người thi bằng lái B1 tự động sẽ chỉ được lái xe số tự động, nhưng người thi bằng lái xe truyền thống bằng xe số sàn sẽ được lái cả hai loại số sàn và số tự động. Cách hiểu muốn lái 2 loại xe cần có 2 loại bằng của nhiều người là không chính xác.

Mục đích của việc cấp thêm bằng lái xe B1 số tự động là để tạo cơ hội cho nhiều người có thể lái xe ôtô, đặc biệt là phụ nữ hay những người chỉ có nhu cầu, khả năng điều khiển xe số tự động. Đây cũng là cách áp dụng ở nhiều nước phát triển như Đức, Mỹ, Nhật, Australia.

4. Ôtô phải trang bị bình cứu hỏa

img

Bộ Công an ban hành Thông tư 57 có hiệu lực từ 6.1.2016, hướng dẫn trang bị phương tiện PCCC đối với ôtô từ 4 chỗ trở lên, rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc chở khách được kéo bởi xe ôtô, máy kéo; xe vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ.

Theo danh mục quy định, ôtô từ 4 chỗ trở lên phải được trang bị một bình bột loại dưới 4kg hoặc bình bọt loại dưới 5 lít hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít, bình khí CO2 loại dưới 4 kg. Phương tiện nào không trang bị sẽ phạt từ 300.000-500.000 đồng.

Quy định mới gây khó khăn cho người sử dụng ôtô và ngay cả hãng xe. Nhiều người sử dụng và một số chuyên gia kỹ thuật ngành bốn bánh cho biết bình cứu hỏa có thể trở thành nguồn nổ nếu đặt trong xe đỗ dưới trời nắng nóng thời gian dài. Cạnh đó, bình cứu hỏa đặt ở đâu, gắn như thế nào cũng không có hướng dẫn cụ thể.

Đại diện các hãng xe lớn cho biết, quy định bắt buộc gắn bình cứu hỏa trên ôtô khá hiếm trên thế giới. Hiện tại, các hãng đang tiến hành nghiên cứu về cách thức sử dụng và đặt bình cứu hỏa trong xe và chưa thể đưa ra bất cứ khuyến cáo hay hướng dẫn nào cho khách hàng.

Trên thực tế, một số quốc gia như Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất UAE quy định phải có bình cứu hỏa trên các xe bán ra tại nước này. Một số dòng Kia khi bán tại Trung Đông có sẵn bình cứu hỏa đặt dưới gầm ghế phụ phía trước.

5. Những chính sách khác

Bên cạnh những chính sách lớn ở trên, năm 2016, người sử dụng ôtô còn trực tiếp chịu điều chỉnh của nhiều quy định khác. Ví dụ cải cách, đổi mới kiểm định ôtô, tách riêng bằng lái các hạng trên thẻ nhựa, kiểm tra, xử lý xe quá tải trọng... Ngoài ra, nhiều quan tâm nhất là thay đổi trong mức thuế suất TTĐB cũng như những thuế, phí khác cũng sẽ được các cơ quan chức năng nghiên cứu và áp dụng vào 2016.