Trong đó anh có hai chiếc xe Traction và DS-19 vốn dĩ thuộc dòng xe sang một thuở, từng là giấc mơ của bao người.
Dòng xe DS-19 và DS-21 hiện ở Việt Nam chỉ còn vài chục chiếc nhưng chủ yếu để làm cảnh hoặc cất trong kho vì xe ra đời từ những năm 1955, đến nay không còn phụ tùng thay thế nên rất dễ gặp sự cố khi di chuyển. Dòng xe này mà bị sự cố trên đường thì chủ xe chỉ còn nước móc điện thoại ra gọi… xe cứu hộ kéo về nhà. Hiếm garage nào nhận sửa do không tìm được thợ biết sửa loại xe này. Xe ít nên cũng chẳng garage nào tính chuyện cho thợ tìm hiểu cách sửa, cứ luẩn quẩn như vậy nên số xe có thể chạy trên đường chỉ đếm trên đầu ngón tay của một bàn tay. Có mấy ai muốn xách xe ra đường mà không biết khi nào phải gọi cứu hộ?
Bảnh bao bỗng chốc thành lem luốc
Sở dĩ anh Tuấn tự tin chạy xe vì anh biết sửa xe. Đó là kết quả của biết bao nhiêu thời gian bỏ ra lần mò trên mạng tìm hiểu tính năng, phụ tùng, cách sửa chữa xe, kể cả những mẹo vặt để giải quyết nhanh sự cố nhằm giải phóng xe càng sớm càng tốt trên đường.
Như có lần xe đang đi bị hỏng thắng một bánh, nếu tiếp tục chạy và đạp thắng thì dầu thắng sẽ chảy hết và xe mất thắng hoàn toàn. Anh Tuấn giải quyết bằng cách lấy ống đồng ra nối cho dầu thắng chạy ngược về lại bình chứa, chấp nhận chỉ còn ba thắng để chạy về sửa sau. “Cái xe tôi chạy ngoài đường nhìn rất đẹp nhưng mấy ai biết trong cốp xe của nó chất đầy đồ nghề và hầm bà lằng đủ loại phụ tùng sửa xe, để khi đi đường lỡ xảy ra sự cố là có “đồ chơi” móc ra sửa liền” - anh Tuấn cười theo một cách rất hào sảng.
Ông giám đốc ấy ăn mặc rất bảnh bao nhưng khi xe hư thì không ngần ngại xắn tay áo lên chui xuống sửa, tay chân, mặt mũi dầu mỡ lem luốc không khác gì anh thợ sửa xe lưu động. Cũng có lúc phải gọi thợ, thời gian chờ thợ đến chắc cũng quá tự sửa, mà thật ra thợ cũng chẳng biết ất giáp gì đâu mà sửa, chẳng qua máy móc có những chỗ lắp đặt rất khó mà phải là dân thợ có tay nghề chuyên nghiệp mới mở ốc tháo ra được nên thợ đến để nghe anh Tuấn chỉ cách tháo gỡ ra sửa. Hai ông “thợ sửa xe” châu đầu vào nhau, thì thầm to nhỏ, ông thì góp bàn tay, ông thì góp cái đầu, cứ thế “song kiếm hợp bích” một lúc xe lại nổ máy, chạy phom phom trên đường như thường.
Anh Tuấn bên chiếc xe DS-19 và chiếc Traction đằng sau. Ảnh: PTG
Mê xe vì công nghệ
Tôi hỏi anh Tuấn vì sao anh lại mê Citroën và chơi luôn hai chiếc xe vốn dòng hạng sang như vậy thì anh gãi đầu cười nói là ngẫu nhiên thôi, chơi xe vì thích chứ chẳng nghĩ nó là xe sang xe chảnh gì cả. Lúc nhỏ anh được ngồi xe Traction về Biên Hòa, một lần thôi mà mê tới giờ. Còn DS-19 anh cũng thích từ lâu, sau này quyết sắm bằng được cũng chỉ vì khi nghiên cứu tìm hiểu về công nghệ xe quá thích do nó quá độc đáo với giới chơi xe.
Ra đời năm 1955 mà lúc đó xe đã thiết kế kiểu khí động học rất đẹp mắt đến 60 năm sau vẫn chưa lỗi thời. Xe DS-19 đặc biệt ở hệ thống nhún xe “hổng giống ai” vì nó không dùng lò xo hay nhíp mà dùng hệ thống nén thủy lực với khí nitơ nên cực kỳ êm ái, xe còn tự động điều chỉnh thân xe luôn giữ khoảng cách cố định với mặt đường bất kể số người ngồi trên xe nhiều hay ít, đường mấp mô hay lồi lõm, khiến xe chạy êm ru kể cả trên đường xấu. Vì vậy xe được đặt biệt danh là “chiếc thảm bay”.
Ngoài ra còn rất nhiều tính năng độc đáo, hiện đại vào thời đó khó kể ra hết được như đèn xe tự động điều chỉnh khi xe lên dốc hay xuống dốc, tay lái trợ lực, kính hậu chống lóa, tay lái thụt vào khi va chạm… khiến nó thực sự trở thành chiếc xe trong mơ. Giá bán chiếc xe khi được giới thiệu lần đầu anh Tuấn quy đổi, tính trượt giá… ước cũng phải tương đương con số chục tỉ bây giờ nên ở miền Nam lúc đó chỉ có quan chức cao cấp hay đại gia mới mua nổi. Hình ảnh bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, được chính phủ Pháp dùng dòng xe DS đưa đón đã góp phần nâng tầm hình ảnh chiếc xe VIP này trong mắt mọi người.
Chiếc xe thứ ba là Citroën 2CV vốn là dòng xe phổ thông của Pháp, còn gọi là xe con cóc, khá nổi tiếng và xuất hiện trong bộ truyện tranh đình đám lúc đó là Bill et Boule. Chiếc xe này anh Tuấn đi hỏi hết 99 người thì tất cả đều chê xấu, còn người thứ 100 khen đẹp thì đó chính là… anh Tuấn. “Ai thấy xấu thì đó là thẩm mỹ của riêng họ, còn tôi thấy đẹp là được. Tôi chơi xe vì tôi thích chứ đâu phải vì người khác thích”.
Dựng lại một nhan sắc
Mất bao công sức để nài nỉ rước được một “em” DS-19 về nhà và sau niềm vui là cơn đau đầu vì con này cũng chỉ như xe trong viện bảo tàng, tức là thích hợp để… đậu hơn là để đi. Nguyên do là chủ xe - một tay chơi xe thứ dữ có quá nhiều xe, không có thời gian để chăm sóc, cải tạo nên xe nát không thể tưởng tượng nổi. Hầu như những ai có dòng DS-19 anh đều biết, Long Khánh, Bảo Lộc… anh Tuấn đều đến nói chuyện tìm hiểu để rồi rút ra kết luận: Không thể phục chế xe nổi vì nguồn phụ tùng trong nước quá hiếm và nếu có thì giá cũng ở tận trên trời.
Không chịu thua, anh Tuấn lang thang lên mạng, lần mò vào diễn đàn hay trang web của những người chơi dòng xe DS ở Mỹ, Anh, Pháp, New Zealand… để trao đổi, tìm hiểu thêm về cách phục chế xe. Nhiều người hướng dẫn nhiệt tình, chỉ cho anh những chỗ có thể tìm đặt mua được phụ tùng, thậm chí có người sẵn sàng gửi tặng cho anh những phụ tùng họ còn giữ, chỉ cần anh trả tiền cước chuyển về Việt Nam là được.
May mắn nhất là anh quen được một tay chơi xe người Mỹ vốn là chủ một garage đã nghỉ hưu, ông này có em trai từng tham chiến tại Việt Nam, qua những câu chuyện được nghe từ em trai, ông có thiện cảm rất lớn với đất nước và con người Việt Nam nên đã nhiệt tình giúp đỡ đủ mọi thứ, từ chuyện tặng phụ tùng cho đến dành nhiều thời gian hướng dẫn những bí quyết trị các chứng bệnh kinh niên mãn tính của xe. Hàng được chuyển về rồi anh Tuấn còn phải lên hải quan giải trình vì phụ tùng xe quá lạ không biết tính thuế sao, cũng may sau khi nghe anh trình bày, hiểu được hoàn cảnh của người chơi xe cổ nên mọi sự cũng giải quyết ổn thỏa.
Từ lúc bắt đầu lên kế hoạch đến lúc sắm sửa đủ phụ tùng và tiến hành phục chế xe xong mất tới ba năm, thậm chí xe làm xong phải chạy một thời gian theo dõi điều chỉnh mới tạm ổn. Chừng ấy thời gian là bao nhiêu lo lắng, hồi hộp rồi vỡ òa khi tái hiện dung nhan chiếc xe vang bóng một thời. Tôi có hơi ngạc nhiên vì dòng xe gốc màu đen sang trọng nay lại sơn màu trắng, hóa ra nguyên nhân không phải do sở thích phong thủy gì cả mà màu trắng để hạn chế bức xạ nhiệt, tránh nóng. Do xe được làm cho thị trường xứ lạnh nên thậm chí xe còn cả hệ thống dẫn khí nóng từ máy vào trong xe, còn máy lạnh vốn yếu nay cũ còn yếu hơn nữa, mà anh Tuấn lại không muốn độ chế thay máy lạnh đời mới vì muốn phục chế “chiếc thảm bay” thật đúng nguyên bản.
Những chuyến đi không vội đến
Dù được tặng một số món đồ nhưng tiền mua xe, mua phụ tùng và thuê thợ làm lại xe khiến anh Tuấn tốn ngót nghét cả tỉ bạc, chưa kể tiền trả garage đậu ba chiếc xe mỗi tháng 5 triệu đồng khiến bà xã giận anh quá chừng. Ai đời lại bỏ tiền tỉ ra để lãnh về chiếc xe cũ vừa đi vừa sửa, coi chịu nổi không. Có lúc chị làm chiến tranh lạnh để anh đổi ý nhưng vô vọng. Theo thời gian, chị cũng nguôi ngoai, rồi chấp nhận chiếc xe cũng như chấp nhận sở thích mới của chồng như một phần của đời mình.
Những chuyến du lịch của anh Tuấn bao giờ cũng đủ mặt cả gia đình hai vợ chồng hai đứa trẻ, dung dăng dung dẻ cùng nhau túc tắc mà đi hết danh lam này đến thắng cảnh khác. Nói túc tắc vì đi rất chậm, Đà Lạt người ta đi xe hơi 6-7 tiếng là đến, còn nhà anh Tuấn đi không dưới 10 tiếng. Không phải vì sửa xe mà vì dọc đường cứ thấy chỗ nào hay hay là dừng lại chơi chán mới đi. Đi theo hội nhóm cũng vậy, xe đông nên xác suất có xe bị trục trặc dọc đường cũng cao nhưng lúc xe hư lại là lúc… vui nhất chứ chả có gì phải phiền toái, vì ai sửa cứ sửa, những người còn lại có quán vào quán, không có quán thì lấy bàn ghế xếp trong xe ra ngồi uống nước, trò chuyện tán gẫu với nhau, ngắm cảnh vật, ngắm xe của mình. Ngồi bao lâu cũng được không việc gì phải vội đi, vì nhóm khá giống nhau ở chỗ cũng chẳng ai cần đến nơi sớm, chừng ấy thời gian cũng đi rồi cũng về, trải nghiệm, biết thêm một chỗ mới dọc đường cũng là cái thú rất riêng của họ.