Dân Việt

Sửa ngay 3 tồn tại cản trở sự phát triển

Lương Kết (thực hiện) 16/01/2016 06:45 GMT+7
“Chúng ta có 30 năm đổi mới để từ đó rút ra được kinh nghiệm trong quản lý, trong điều hành và đã nhìn rõ những ưu, khuyết điểm. Đó là những tiền đề tạo cơ sở cho Đại hội Đảng XII (ĐH XII) đề ra mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội” - TS Cao Sỹ Kiêm- nguyên Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chia sẻ với NTNN.

Là người có nhiều kỳ tham dự ĐH Đảng toàn quốc, ông thấy bối cảnh đất nước ở ĐH XII tới có gì khác so với các kỳ ĐH Đảng trước đây, thưa ông?

img

Ông Cao Sỹ Kiêm. Ảnh: Chinhphu.vn

- Trong bối cảnh diễn ra ĐH XII của Đảng, tôi thấy đất nước đã có mấy dấu mốc quan trọng. Thứ nhất, nền kinh tế chúng ta đang phục hồi, các doanh nghiệp đang trở lại hoạt động bình thường sau những tác động từ khủng hoảng tài chính, tiền tệ của thế giới; Thứ hai,  các chỉ tiêu trong Nghị quyết đề ra từ ĐH XI của Đảng cũng được thực hiện tương đối toàn diện, các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đạt được những kết quả nhất định; Thứ ba, chúng ta đã xây dựng được hệ thống luật pháp, hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống chất lượng nguồn lực, nó có sự thích nghi hơn với xu thế hội nhập và cũng khắc phục được một bước những tồn tại lâu nay của nước ta trên những lĩnh vực đó; Thứ tư, chúng ta bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn hội nhập sâu hơn, toàn diện hơn, có chất lượng hơn thông qua các hiệp định đa phương, song phương với khu vực và toàn thế giới, đặc biệt là với khối ASEAN và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đặc biệt với TPP, chúng ta sẽ hội nhập vào sân chơi có trình độ quản lý kinh tế cao hơn, khu vực năng động hơn. Đó là những thuận lợi nổi bật của đất nước nó khác với các kỳ ĐH Đảng các khóa gần đây.

ĐH 12 này sẽ đánh giá kết quả 30 năm đổi mới, vấn đề có ý nghĩa thế nào trước ngưỡng cửa chúng ta gia nhập TPP thưa ông?

- Chúng ta đánh giá để rút ra bài học kể cả những mặt được, mặt tồn tại từ việc lập chính sách, đến quản lý điều hành và trong phối hợp giữa chính quyền T.Ư và địa phương, giữa cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp. Đó là những là kinh nghiệm để chúng ta mở đường và tạo cơ sở cho bước phát triển tiếp theo. Ý nghĩa của việc tổng kết có thể nói vừa tạo ra lý thuyết, vừa tạo ra mô hình chỉ đạo và cũng là để lựa chọn, bố trí, phát hiện cán bộ một cách đầy đủ hơn, rõ ràng hơn, thực tế hơn.

Trong kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết ĐH XI của Đảng nhiệm kỳ 2011-2015, đâu là những vấn đề cần tập trung làm rõ để đề ra phương hướng, mục tiêu mới thưa ông?

- Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết ĐH XI của Đảng, theo tôi có 3 vấn đề vừa là tồn tại, vừa là khuyết điểm vừa là bài học để chúng ta rút ra khi đề ra mục tiêu và thực hiện trong phát triển đất nước giai đoạn mới. Trước hết có thể nói kinh tế của chúng ta dù đã đi đúng hướng nhưng hiệu quả, chất lượng, năng suất và sức cạnh tranh vẫn còn khoảng cách so với các nước trong khu vực và trên thế giới, bên cạnh đó, còn thiếu sự bền vững. Thứ hai, những vấn đề trong mục tiêu dài hạn của chúng ta như gắn quy hoạch, kế hoạch với hoạt động thường xuyên, vận dụng những nguyên tắc của kinh tế thị trường có bộ phận, có nơi làm còn chưa hiệu quả, chưa tạo được hiệu ứng, động lực tốt cho doanh nghiệp và các thành phần khác để họ phát huy hết tiềm năng, nhất là về khoa học kỹ thuật, chất lượng nguồn lực, thủ tục hành chính... Thứ ba, đội ngũ cán bộ hoạt động chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là trình độ về lập chính sách, điều hành trên các lĩnh vực kể cả cán bộ ở cấp T.Ư và địa phương. Vẫn còn một số cán bộ làm không đúng, một số cán bộ chất lượng chưa đảm bảo, trách nhiệm chưa tốt có biểu hiện tham nhũng, biến chất.

Chúng ta nên phản ứng trước những tồn tại đó như thế nào, thưa ông?

"Vẫn còn một số cán bộ làm không đúng, một số cán bộ chất lượng chưa đảm bảo, trách nhiệm chưa tốt, có biểu hiện tham nhũng, biến chất”.
 TS Cao Sỹ Kiêm

- Đấy là những yếu tố làm chúng ta thụt lùi so với các nước. Ví dụ, có những nước trước đây chúng ta đứng trên họ, nhưng hiện nay có những lĩnh vực chúng ta lại giảm sút so với họ như Lào, Campuchia, Myanmar. Đấy là những tồn tại trong cả 30 năm đổi mới và những năm gần đây sẽ làm bước cản sự phát triển chung tới nếu chúng ta không sửa một cách nghiêm túc.

Tình hình Biển Đông sẽ còn diễn biến phức tạp, nước ta lại đang đứng trước ngưỡng cửa mới khi tham gia TPP với cơ hội và không ít thách thức. Trách nhiệm của ĐH XII sẽ rất nặng nề trong việc hoạch định chiến lược phát triển, thưa ông?

- Đúng như thế, bắt đầu từ Đại hội XII và trong quá trình về sau chúng ta cũng phải tập trung, kiên quyết khắc phục những hạn chế càng nhanh càng tốt. Bên cạnh đó là đối sách trước tình hình mới. Hiện nay có mấy vấn đề đang hạn chế đất nước trong thời kỳ mới. Một là hiểu biết của chúng ta về kinh tế thị trường, về hội nhập chưa được đầy đủ, chưa rõ ràng, chưa thống nhất từ T.Ư đến địa phương, nhất là với đội ngũ doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ đi ngoại giao, lập chính sách, điều hành. Thứ hai, hội nhập của chúng ta còn khoảng cách xa với các nước nhất là về mặt môi trường pháp lý, phương thức điều hành. Thứ ba, xã hội của chúng ta cũng đang biểu hiện những cái tiêu cực, lộn xộn, nhất là biểu hiện ở việc tham nhũng, không sát dân khiến cho một bộ phận người dân  mất niềm tin. Những vấn đề đó cần được giải quyết triệt để mới có cơ hội tạo ra động lực để nền kinh tế hội nhập sâu, rộng.

Xin cảm ơn ông!