Dân Việt

Siêu dự án nông nghiệp 6.500 tỷ đồng

Thanh Xuân 16/01/2016 06:00 GMT+7
Với tổng số vốn thực hiện lên đến 6.500 tỷ đồng, đây được coi là siêu dự án đầu tiên trong việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trọng tâm của việc thực hiện dự án sẽ tập trung vào việc tái canh cây cà phê bền vững và tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo.

Thay đổi toàn diện sản xuất lúa gạo và cà phê

Hôm qua (15.1), tại Hà Nội, Bộ NNPNT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức hội nghị khởi động Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) vay vốn WB.  Trình bày tổng quan về dự án lớn này, ông Đặng Minh Cường- Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án VnSAT- cho biết, mục tiêu của dự án là góp phần triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua tăng cường năng lực thể chế, đồng thời đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho 2 ngành hàng lúa gạo và cà phê ở 2 vùng sản xuất hàng hoá chủ lực của Việt Nam là vùng đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

img

VnSAT sẽ hỗ trợ nâng cao giá trị cho lúa gạo lên 30% (ảnh chụp mô hình lúa chất lượng cao xuất khẩu của HTX Tân Cường, Đồng Tháp)  Ảnh: T.X

Đối với mặt hàng lúa gạo, dự án sẽ hỗ trợ cho sản xuất trên diện tích 200.000ha của 140.000 hộ nông dân bằng việc áp dụng công nghệ tiên tiến, lợi nhuận của nông dân trên mỗi ha có thể tăng 30%, tổng giá trị tăng thêm cho toàn vùng khoảng 40-60 triệu USD/năm. Thông qua dự án, sẽ giúp cho ngành lúa gạo phát triển bền vững với việc tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng này, từ đó tăng thu nhập cho nông dân sản xuất lúa gạo, giảm tác động tiêu cực tới môi trường từ sản xuất lúa.

Về mặt hàng cà phê, dự án sẽ hỗ trợ 63.000 hộ nông dân canh tác bền vững trên diện tích cho 69.000ha áp dụng công nghệ tiên tiến, lợi nhuận của nông dân có thể tăng khoảng 15 triệu đồng/ha so với cà phê không áp dụng canh tác bền vững hoặc không tái canh. Tổng giá trị tăng thêm cho toàn vùng sản xuất cà phê khoảng 48-50 triệu USD/năm (242-250 triệu USD cho 5 năm). Đặc biệt, lợi nhuận này sẽ còn kéo dài trong suốt chu kỳ kinh doanh cà phê (20-25 năm).

Ngoài hỗ trợ cho hai ngành hàng lúa gạo và cà phê, Dự án VnSAT cũng sẽ hướng tới giảm tác động tiêu cực tới môi rường thông qua việc giảm nước tưới, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác lúa gạo, cà phê; tăng cường năng lực thể chế phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Bộ NNPTNT và các tỉnh tham gia dự án.

Dự án có tầm quan trọng rất lớn

 Dự án VnSAT được vay vốn ưu đãi từ WB. Dự án sẽ được triển khai thực hiện tại 13 tỉnh, thành phố gồm: Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang và 7 tỉnh lựa chọn thí điểm tái cơ cấu nông nghiệp là: Vĩnh Phúc, Nam Định, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Bình Định, Đồng Tháp, Lâm Đồng. Tổng số vốn hỗ trợ cho dự án 301 triệu USD (tương đương 6.500 tỷ đồng). Thời gian thực hiện trong 5 năm (2015-2020).

Ông Y Dhăm Ênuôl- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk- cho biết, mặt hàng cà phê của Đăk Lăk đang đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng, chiếm 40-45% sản lượng cà phê của cả nước. Cà phê được xác định là cây mũi nhọn của Đăk Lăk, nên trước khi có Dự án VnSAT, tỉnh đã xây dựng phát triển cho vùng cà phê bền vững với diện tích 140.000ha. Cùng với sự hỗ trợ của Bộ NNPTNT, đến nay diện tích phát triển cà phê bền vững đã nâng lên 170.000ha. 

Cùng chung nhận định trên, ông Đồng Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng: “Mục tiêu của dự án là tăng lợi nhuận 30% sẽ giúp người dân phấn khởi thực hiện. Tuy nhiên, để đồng bộ cho việc triển khai, Bộ NNPTNT cần hết sức lưu ý xem xét kỹ hiện tượng hạn mặn trong năm 2016 rất gay gắt.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện của WB đã cam kết sẽ hỗ trợ dự án về phương tiện kỹ thuật cũng như cung cấp bài học từ các quốc gia khác đã triển khai tương tự. Cũng theo vị đại diện này, để việc triển khai dự án thành công, vai trò hỗ trợ của Bộ NNPTNT đối với các địa phương là rất lớn.

Bà Trần Anh Thư- Giám đốc chi nhánh Sở Giao dịch 3 Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết: BIDV được Bộ Tài chính ký Hiệp định vay phụ cho vay lại 105 triệu USD vốn vay từ WB thuộc Dự án VnSAT.  Thông qua Hiệp định vay phụ, BIDV sẽ quản lý và giải ngân đến các định chế tài chính được lựa chọn để tham gia dự án với mức lãi suất ưu đãi, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cấp công nghệ và thiết bị chế biến gạo ở đồng bằng sông Cửu Long và nông dân tái canh cây cà phê ở Tây Nguyên. BIDV cam kết chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch thực hiện các thủ tục giải ngân nguồn vốn nhanh chóng, thuận tiện.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh- Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án VnSAT đã khẳng định tầm quan trọng của dự án và cho rằng, đây là dự án đầu tiên có nguồn lực hỗ trợ cho Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Dự án cũng hướng tới 2 đối tượng với nội dung rất quan trọng là tạo ra ngành hàng theo chuỗi thực sự từ canh tác tới chế biến.  

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh: Gắn dự án với đề án tái cơ cấu nông nghiệp

Tôi đề nghị  Ban Quản lý dự án VnSAT sớm ban hành sổ tay hướng dẫn để các địa phương thực hiện đồng thời tổ chức đào tạo tập huấn cả về tài chính, đấu thầu…để khi triển khai dự án được bài bản. Đồng thời, các đơn vị trực thuộc của Bộ NNPTNT, nhất là Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật… phải gắn dự án này với nhiệm vụ tái cơ cấu của từng đơn vị và gắn với trách nhiệm để phối hợp cùng các địa phương thực hiện hiệu quả dự án.

Ông Y Dhăm Ênuôl- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk: Cứu cánh cho nông dân

Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng nhất trong sản xuất nông sản ở  là phải chú trọng về chất lượng sản phẩm, từ đó mới có giá trị gia tăng, ông Y Dhăm Ênuôl nói. Khi tiếp nhận dự án VnSAT,  Đăk Lăk coi đó là “cứu cánh” để hỗ trợ nông dân nhằm nâng giá trị của ngành cà phê và lúa gạo của Việt Nam để từ đó trả lại đúng tên, đúng giá trị đích thực của 2 mặt hàng này ở nước ta.

Ông Phạm S- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Mong mỏi của 200.000 hộ nông dân

 Đây là dự án ODA đầu tiên khi Việt Nam triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp với sự mong mỏi của trên 200.000 hộ nông dân. Do đó, chúng tôi rất mong Bộ NNPTNT sớm triển khai đào tạo tập huấn cho các tỉnh trong vùng dự án, để sớm khởi động dự án đầy ý nghĩa này.

Phương Vy- Hải Hà (ghi)