Dân Việt

“Thắt lưng buộc bụng”, ngành cao su vẫn khó khăn chồng chất

Minh Trung 16/01/2016 13:30 GMT+7
Năm 2015, giá cao su bán ra giảm hơn 30% so với năm 2014. Cũng vì thế, ngành cao su đã phải triển khai nhiều biện pháp “thắt lưng buộc bụng”. Song cho đến nay, những khó khăn của ngành này vẫn chồng chất.

 Công nhân bị giảm lương, nghỉ việc

Sáng ngày 15.1, tại Hà Nội, Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2015. Báo cáo của Tập đoàn này cho thấy, năm 2015, sản lượng cao su tồn kho lớn, cung vượt cầu. Đặc biệt, giá dầu thô giảm dưới 32 USD/thùng đã khiến các nước sản xuất, xuất khẩu cao su, trong đó có Việt Nam thêm nhiều khó khăn.

img

Nông dân huyện Bến Cát (Bình Dương) chặt bỏ cao su vì thua lỗ.  Ảnh: Thuận Hải

Tại hội nghị, ông Trần Thoại, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VGR) nhận xét, do giá cao su thiên nhiên giảm mạnh đã trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của tập đoàn.

Dù đã nỗ lực hết sức và có các dự báo từ đầu năm nhưng doanh thu năm 2015 của tập đoàn đạt 98% kế hoạch. Giá bán cao su bình quân năm 2014 còn đạt 37,3 triệu đồng/tấn, đến 2015 chỉ còn khoảng 30,5 triệu đồng/tấn. Dự đoán năm 2016 này giá tiếp tục giảm, còn khoảng 25- 26 triệu đồng/tấn. Tình hình khó khăn có thể đến năm 2020 mới tạm ổn.

Hệ lụy theo sau đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trong đó, người lao động trong nghành bị tác động nhiều nhất. Năm 2014, tiền lương bình quân của VRG khoảng 4,8 triệu đồng/người/tháng. Giảm hơn 167.000 đồng/tháng. Như vậy, thu nhập của người lao động giảm 3,36% so với năm 2014. Và thu nhập bình quân năm 2015 giảm gần 6% so với năm trước.

Nhiều lao động tại các đơn vị kinh doanh, sản xuất cao su đã xin nghỉ việc dẫn đến số lao động giảm mạnh so với cùng kỳ. Các đơn vị cũng sắp xếp lại lao động, chuyển sang chế độ cạo ít hơn nên nhiều người cũng bỏ đi tìm việc khác.

Đến cuối năm 2015, đã có gần 100.000 lao động đang làm việc, giảm gần 19% so với năm trước, tương đương hơn 22.000 người.

“Thắt lưng buộc bụng”

Trước tình hình giá thành tiếp tục giảm trong năm 2016, nhiều phương án được đưa ra. Nhiều công ty cao su đang tập trung thực hiện các giải pháp để đạt lợi nhuận tối thiểu 1 triệu đồng/tấn. Với những vườn cây cao su kinh doanh sẽ không được bón phân trong năm 2016. Nếu có, không vượt quá 50% lượng phân bón năm 2015.

Năng suất lao động tăng lên là ưu tiên hàng đầu của các đơn vị sản xuất. Nhiều nơi sẽ chuyển sang chế độ cạo D4 (4 ngày cạo 1 lần), có nơi D5, D6 (5-6 ngày cạo 1 lần) để tiết kiệm nhân công lao động.

Trong các phương án “thắt lưng buộc bụng” này, việc giảm các chi phí về trang thiết bị vật tư, quản lý giá thành chế biến, chuyển đổi cây trồng vùng đất xấu, cắt giảm tối đa suất đầu tư cũng được nhiều nơi đồng loạt áp dụng nhằm tiết kiệm tối đa chi phí trong thời điểm khó khăn của toàn ngành cao su.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cho biết, với giá bán từ gần 52 triệu đồng/tấn/năm 2013, còn hơn 37 triệu đồng/tấn/năm 2014 và năm 2015 chỉ còn 30 triệu đồng/tấn, năm qua cao su Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc “thắt lưng buộc bụng” là việc cần phải làm. Tuy nhiên, ngành cao su cần tận dụng tối đa thế mạnh với các sản phẩm khác như chế biến gỗ, các sản phẩm sau cao su, thủy điện… Những ngành này có tiềm năng rất lớn và thực tế năm qua đã đem về doanh thu không nhỏ cho tập đoàn.

Ông Tuấn cho rằng, phải tập trung vào các thị trường tiềm năng lớn như Nhật Bản. Họ có thể nhập khẩu 200.000 tấn mủ cao su chất lượng trong khi chúng ta chỉ mới xuất được 700 tấn theo các tiêu chí của họ. Thị trường Trung Quốc cũng cần được chú trọng khi chiếm hơn 50% tổng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam. Tình hình khó khăn này cũng là cơ hội để ngành cao su tập trung vào công nghiệp cao su như chế biến gỗ, gỗ MDF, lốp ô tô, xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thu hút nhà đầu tư… 

 Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) được thoái vốn của Tập đoàn tại 5 công ty thủy điện gồm Công ty cổ phần Thủy điện Geruco Sông Côn, Công ty cổ phần VRG Bảo Lộc, Công ty cổ phần VRG Đăk Nông, Công ty cổ phần VRG Phú Yên và Công ty cổ phần VGR Ngọc Linh. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc thoái vốn theo lô nêu trên phải gắn với điều kiện giải tỏa nghĩa vụ bảo lãnh của Tập đoàn, chuyển nghĩa vụ trả nợ của Tập đoàn cho các công ty này.