Gia tăng chống đối, chây ỳ
Ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: “Năm 2015, việc kiểm soát tải trọng đã tập trung xử lý hành vi thay đổi kích thước thùng chở hàng trái phép, kiểm tra tận gốc tại các nhà máy, xí nghiệp, kho bãi, bến cảng”. Theo đó, các trạm kiểm tra tải trọng xe trên cả nước đã kiểm tra 635.351 xe, phát hiện và xử lý 50.863 xe vi phạm. Lượng xe vi phạm tải trọng 100% đã giảm cơ bản, chủ yếu còn các xe vi phạm vượt tải thấp từ 30 - 50%.
Lực lượng Thanh tra Tổng cục Đường bộ kiểm tra kích thước thùng chở hàng của chiếc xe vi phạm trên tuyến QL1, đoạn chân cầu Thanh Trì. Ảnh: DUONGBO
Tổng cục Đường bộ đánh giá hiện tượng xe quá tải đã giảm hơn 90%. Tuy nhiên, 10% còn lại là những đối tượng vi phạm tải trọng “khó nhằn”, không dễ để giải quyết.
Đơn cử như vụ việc đoàn xe quá tải nằm “ăn vạ” hai ngày trên đại lộ Thăng Long tuần qua. Ngay cả khi ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam xuống hiện trường, tài xế cũng không chấp nhận đưa xe vào trạm cân.
Ông Võ Văn Văn – Phó Giám đốc Sở GTVT Gia Lai cũng cho rằng tình trạng chây ỳ, không hợp tác đưa xe vào trạm cân của các lái xe chở quá tải đang có xu hướng gia tăng. Ông Văn cho hay: “Khi xử lý, lái xe họ bảo tôi đi qua 4 – 5 trạm rồi nhưng không có ai bắt hạ tải sao các ông lại bắt phải hạ tải. Chúng tôi rất khó trả lời. Điều này cho thấy việc phối hợp tốt thực ra chỉ ở trong cuộc họp, còn ở ngoài đường rất khó”.
Ông Văn cũng cho biết thêm, trong khoảng thời gian này mỗi ngày trên địa bàn có khoảng 400 xe chở sắn, chở mía lưu thông đi qua các địa phương lân cận. Sở GTVT Gia Lai đã đến các nhà máy ở các địa phương khác đề nghị phối hợp không chở quá tải nhưng đều không nhận được sự hợp tác.
Xử lý cán bộ để xe quá tải chạy “lông nhông”
“Khu vực, địa phương nào còn xe quá tải thì phải xử lý cán bộ. Đó là các Cục trưởng, Chi cục trưởng. Để đường xấu, xe quá tải, cầu hỏng mà không báo cáo xử lý mà cứ để phải qua báo chí mới biết thì không được”. |
Ông Đinh La Thăng – Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng: “Công tác kiểm soát tải trọng xe đã giúp giảm 91,5% lượng xe quá tải nhưng vẫn còn một số nơi xe quá tải hoạt động ngang nhiên, chưa xử lý dứt điểm. Do công tác phối hợp chưa tốt giữa Tổng cục Đường bộ và các địa phương nên vẫn còn tình trạng xe quá tải chạy lông nhông trên đường mà không bị xử lý”.
Ông Thăng dẫn chứng vụ việc đoàn xe quá tải đi trên Quốc lộ 1 từ Nam ra Bắc qua 5 địa phương mới bị chặn lại ở tỉnh Hà Tĩnh, hay đoàn xe siêu trường từ Hải Phòng đi Quốc lộ 10 phải có chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ mới giữ lại được ở tỉnh Nam Định.
Ông Thăng cho rằng: “Còn 10% còn lại phần lớn là các đối tượng đầu bò đầu bướu hay đứng sau là ông anh, bà chị nào đó”. Người đứng đầu Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ phải chấm dứt được nạn xe quá tải trong năm 2016.
Ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết: “Trong năm nay sẽ tập trung công tác hậu kiểm. Đồng thời, chúng tôi sẽ phối hợp với Cục Đăng kiểm để kết nối phần mềm quản lý dữ liệu kiểm định với phần mềm kiểm soát tải trọng xe của Tổng cục”.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng sẽ phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra đột xuất việc thực hiện tại các điểm kiểm tra tải trọng, tập trung tại các địa phương xe quá tải diễn biến phức tạp.