TS Nguyễn Đắc Thắng - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết: Năm 2015, Liên minh HTX đã khảo sát nhiều HTX nông nghiệp ở An Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nam Định, Bắc Giang và Hà Nội, đến đâu các HTX cũng phản ánh rất khó tiếp cận nguồn vốn vay từ NH thương mại.
“NH và HTX chưa có tiếng nói chung”
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp tính đến 31.10.2015 đạt dư nợ 2.021,25 tỷ đồng với 31 dự án được giải ngân. Bản thân các NH thương mại cam kết hỗ trợ cho vay với tổng số tiền 5.627,62 tỷ đồng. Các đơn vị như NH NNPTNT (Agribank), BIDV đã đẩy mạnh các chính sách tín dụng ưu đãi phát triển nông nghiệp, đi sâu vào cho vay kinh tế HTX. Nhiều HTX làm ăn hiệu quả cũng đã mạnh dạn gõ cửa NH. Dư nợ tín dụng mảng tam nông của một số NH còn chiếm tới 70-80%.
HTX Nấm và Cây dược liệu Khánh Trung (Ninh Bình) mỗi năm thu hoạch hơn 30 tấn nấm sò tươi, 10 tấn mộc nhĩ, nấm mỡ và đang trồng khoảng 60.000 bịch nấm linh chi. Ảnh: Hà Hương Nam
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của NHNN trong năm 2015 tại 3 tỉnh là Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa cho thấy, tỷ lệ chênh lệch tín dụng giữa lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và HTX quá lớn. Tại Nghệ An, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn cho HTX và tổ hợp tác chỉ chiếm 0,76% tổng dư nợ nông nghiệp nông thôn; ở Hà Tĩnh là 0,69%, Thanh Hóa là 0,11%.
Bà Nông Thị Biệt - Chủ nhiệm HTX Minh Anh (Bắc Kạn) chia sẻ, vì không có tài sản thế chấp, các thủ tục còn rườm rà, cứng nhắc nên NH và HTX chưa thể có tiếng nói chung.
Ông Nguyễn Trí Hiếu- chuyên gia tài chính lý giải: Điểm yếu nhất của HTX là không có phương án vay vốn rõ ràng, không có trụ sở mà dễ hiểu hơn là khả năng minh bạch tài chính hạn chế nên khó tạo niềm tin để NH cho vay vốn.
Muốn có tiền, HTX cũng cần hoàn thiện
"Các HTX cũng cần thay đổi, hoàn thiện việc sản xuất của mình để đáp ứng dần những đòi hỏi từ phía NH bởi việc cấp tín dụng phải dựa trên cơ sở đánh giá hiệu quả, khả năng hoàn trả vốn của phương án, dự án kinh doanh do HTX đề xuất”. Ông Cao Sĩ Kiêm |
Để thực hiện có hiệu quả chính sách ưu đãi về tín dụng cho các HTX đầu tư phát triển, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần xây dựng hệ thống liên kết giữa Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX T.Ư và các quỹ địa phương theo hướng quỹ T.Ư là đầu mối hướng dẫn, tư vấn và phối hợp cùng quỹ địa phương triển khai hỗ trợ vốn cho các HTX theo các hình thức khác nhau như hợp vốn đồng tài trợ, uỷ thác... Các chính sách tín dụng cho HTX cũng cần đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu và thống nhất.
Một vướng mắc khác cũng cần được tháo gỡ, theo ông Cao Sĩ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN là các HTX cũng cần phải thay đổi, hoàn thiện việc sản xuất của mình để đáp ứng dần những đòi hỏi từ phía NH bởi việc cấp tín dụng phải dựa trên cơ sở đánh giá hiệu quả, khả năng hoàn trả vốn của phương án, dự án kinh doanh do HTX đề xuất. Có như vậy mới nâng cao được hiệu quả sử dụng vốn và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của kinh tế HTX.
Ông Nguyễn Hoàng Long - Chủ nhiệm HTX Mây tre đan (Chương Mỹ, Hà Nội) bày tỏ: “Ngoài việc có tiền để cho vay, các NH nên có cơ chế hỗ trợ, tư vấn cho HTX thiết lập các dự án kinh doanh có hiệu quả, nếu làm được như vậy, HTX vừa được vay vốn vừa được hỗ trợ tư vấn các phương án kinh doanh, họ sẽ làm ăn hiệu quả hơn.
Đồng thời, bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý để hỗ trợ, các tổ chức tín dụng cũng cần cải thiện môi trường thông tin, tăng cường khả năng chia sẻ và tiếp cận thông tin tín dụng để việc hỗ trợ đối với các HTX được sâu sát và chặt chẽ.