Các chuyên gia như GS Trần Lâm Biền, PGS-TS Phạm Mai Hùng, PGS-TS Đặng Văn Bài, TS Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa... đều nhất trí, những công trình sai phạm tại chùa Hương trong thời gian vừa qua cần được dỡ bỏ.
Kiểm tra là ra vi phạm
Ngày 15.1, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc hội thảo về những công trình sai phạm tại chùa Hương, huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Theo ông Trương Minh Tiến- Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội, những ngày qua báo chí, dư luận đã nêu những sai phạm tại chùa Hương. Qua kiểm tra thực tế, Sở thấy 2 vi phạm ở 2 công trình.
Công trình Hương nghiêm pháp đường tại chùa Hương. Ảnh: T.H
Vi phạm thứ nhất là việc tu bổ gác chuông, mặc dù đã thực hiện đúng trình tự làm hồ sơ xây dựng, tuy nhiên trong quá trình tu bổ, có một số chi tiết chưa đúng hồ sơ đã được phê duyệt. Cụ thể, việc phủ lớp sơn lên toàn bộ mặt gỗ của gác chuông là không đúng, đồng thời những cấu kiện hạ giải tại gác chuông cũng chưa được xem xét kỹ. Công trình thứ hai là Hương nghiêm pháp đường được xây dựng khi chưa được cấp phép, đồng thời kiến trúc tại công trình này được xây dựng theo kiến trúc ngoại lai, không đúng với kiến trúc truyền thống của Việt Nam.
GS Trần Lâm Biền- Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia- cho hay, gác chuông tại chùa Hương không phải của chùa Hương. Trước đây chuông thuộc về vùng Ngăm Kẹo, nhưng vì sợ hỏng nên họ đưa về chùa Hương, dựng lên tháp chuông mang tính chất trưng bày và bảo quản. Việc tu bổ gác chuông tại đây đã có những sai phạm. Cụ thể, sơn nước sơn PU, đồng thời chân tảng của kiến trúc không đồng bộ với những chân tảng gốc. Theo GS Trần Lâm Biền, nên cạo bỏ toàn bộ lớp sơn đã sơn tại gác chuông.
Về công trình Hương nghiêm pháp đường, GS Trần Lâm Biền nói: “Lúc đầu người đưa ra ý kiến “trảm” là tôi, vì tôi muốn bảo vệ pháp luật nhà nước. Nhưng khi đi khảo sát, nhận thức của tôi thay đổi. Với Hương nghiêm pháp đường, cần dỡ bỏ những kiến trúc không phải kiến trúc truyền thống Việt Nam. Ví dụ như đầu trụ, thay bằng những trụ con, đặt lên trên đó bộ lá sen úp, trên đó là nụ sen”.
Phải mạnh dạn nhận trách nhiệm
Tại hội thảo, nhiều ý kiến kiến nghị xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân đã để xảy ra vi phạm. Căn cứ theo Luật Di sản, căn cứ Quyết định số 11.2011 và Quyết định số 12.2013 của UBND thành phố về phân cấp toàn bộ các di tích cho các quận huyện, thị xã, địa bàn thành phố quản lý trực tiếp, thì UBND huyện Mỹ Đức phải chịu trách nhiệm trực tiếp. |
PGS-TS Phạm Mai Hùng cho biết: “Tôi xin nói thẳng, trước hết Bộ VHTTDL phải nhận trách nhiệm. Tiếp đến là sự chủ quan của sư trụ trì khi chỉ báo cáo huyện. Đây là di tích quốc gia, không thể báo cáo sở, mà chỉ có sự đồng ý của Bộ mới có giá trị pháp lý”. Theo PGS-TS Phạm Mai Hùng, để xử lý những sai phạm, nên trồng thêm cây xanh lớn hai bên lối lên của Hương nghiêm pháp đường, đồng thời thu hẹp sân nền và trồng cây xanh tại công trình để thu hẹp sự “bành trướng” của Hương nghiêm pháp đường.
Đồng quan điểm với các chuyên gia khoa học, ông Trần Đình Thành- Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cũng nhất trí quan điểm cách xử lý 2 vi phạm tại chùa Hương. Đó là cần cạo bỏ toàn bộ sơn mới tại gác chuông, đồng thời với Hương nghiêm pháp đường, lan can bằng đá cần được thay thế bằng chất liệu khác. Cần thay đổi màu sơn của công trình ít ra giống màu vàng nhạt, toàn bộ màu đỏ, sẫm thành màu trung tính, để công trình đỡ rối mắt.
Kết thúc cuộc hội thảo, các đại biểu thống nhất đề nghị UBND huyện Mỹ Đức cần thành lập hội đồng đánh giá cấu kiện tại gác chuông. Đặc biệt với những cấu kiện gỗ cần phải phân loại cụ thể, loại nào còn giá trị tái sử dụng đưa vào sử dụng. Loại nào chỉ có thể trưng bày thì đưa vào gian trung bày của nhà chùa.