Thuyền trưởng Phạm Tiết và 2 con trai khóc hết nước mắt khi nhìn toàn bộ gia sản từ từ chìm lút dưới đáy biển Hoàng Sa. Con tàu bị đâm chìm đã 2 lần gặp nạn. Lần gặp nạn cách đây 3 năm, các ngư dân vẫn chia phần cho ngư dân đã mất như người còn sống. Còn lần này, lâm cảnh trắng tay, mất sạch.
“Thằng Cường vẫn có phần”
14 giờ ngày 9.1, tại vùng biển Hoàng Sa (tọa độ 16 độ 33 phút vĩ độ Bắc - 113 độ 44 phút kinh độ Đông), một chiếc tàu vận tải lớn liên tục hướng mũi về tàu gỗ nhỏ bé của ngư dân, sau đó đâm và kéo chiếc tàu nhỏ một đoạn dài. Con “tàu ma” không hề giảm tốc độ nên chiếc tàu gỗ tội nghiệp cứ nghiêng ngả rồi từ từ nứt toác ra. Còn chiếc tàu vận tải lặng lẽ bỏ đi.
Người thân các ngư dân điêu đứng vì lâm cảnh nợ nần. Ảnh: L.V.C
Đó là lời thuật lại của các nạn nhân đi trên tàu cá Bình Định 95027 TS làm nghề câu cá ngừ đại dương. Tàu do ông Phạm Tiết ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) làm thuyền trưởng. Các ngư dân may mắn được tàu cá Bình Định 97370 TS của ngư dân Nguyễn Minh Thi cứu sau 3 tiếng trôi nổi trên chiếc thúng.
Ngày tàu bị đâm cũng là ngày bà Nhân - vợ thuyền trưởng Tiết vừa tròn 3 năm chia phần bạn cho ngư dân đã khuất. Trước đó, ngư dân Nguyễn Cường đi trên tàu của ông Tiết do vô ý bị rơi xuống biển. “Anh em đi biển coi ngó giúp trên mặt nước, tàu 27 có người rơi xuống nước...”, thông tin này được ông Tiết gào lên trên máy Icom cho hàng trăm tàu cá ở ngoài khơi tham gia tìm kiếm. Ông Tiết cho tàu quần đảo “nát” một vùng biển và căng mắt tìm người. Các ngư dân tìm khắp mặt biển nhưng rồi thất thểu quay trở về với tin “thằng Cường tìm hoài mà không thấy”.
Ngư dân Nguyễn Cường mất, trong khi vợ vừa sinh con nhỏ. Chị Kiều 1 tay dắt thằng con lớn, một tay ôm con đỏ hỏn chạy dúi ngoài bờ cát trắng. Chị biết, ngư dân rơi xuống nước thì 10 phần chết 9, chuyện trở về chắc khó vô cùng. Thuyền trưởng Tiết thương tình hoàn cảnh ngư dân bị nạn nên quyết định với anh em đi bạn: “Coi như trên tàu lúc nào cũng có thằng Cường. Nó đi hay không đi thì vẫn tính công cho em nó để nuôi con nhỏ, vợ nó đỡ khổ”.
Vậy là mỗi phiên tàu đi biển trở về, trên chiếc chiếu các ngư dân ngồi chia tiền công, ngoài 8 người thì bao giờ cũng có một chỗ trống. Đó là nơi dành cho anh Cường. Anh Cường được chia phần bạn đúng như anh em. Bà Nhân - vợ thuyền trưởng Tiết mang phần chia cho vợ ngư dân bị nạn.
Nhưng giờ đây, con tàu đã bị đâm chìm, cha con ngư dân Nguyễn Tiết trắng tay. Không còn tàu ra Hoàng Sa, không còn ngồi trên manh chiếu để chia tiền và bỏ thêm cho ngư dân đã khuất 1 khẩu phần nuôi con còn nhỏ. Nói theo kiểu ngư dân là “tài sản đã tan thành bọt nước”.
Liều chết lưu bằng chứng
Tàu cá Bình Định 95027 TS có lắp đặt máy định dạng Haiyang của Hàn Quốc. Đây là loại thiết bị hàng hải mới với nhiều tính năng giống như mắt thần để bảo vệ tàu cá, phòng tránh nguy cơ đâm va trên biển. Khi tàu vận tải hành trình sẽ nhận được tín hiệu từ máy định dạng và né tránh. Khi tàu vận tải vào quá gần tàu ngư dân thì máy định dạng sẽ phát tín hiệu cảnh báo cho toàn tàu mức độ nguy hiểm. Nhưng rồi tai nạn vẫn xảy ra quá bất ngờ.
Tàu Bình Định 95207 TS bị chìm, ngư dân đã khuất không còn được chia phần. Ảnh: L.V.C
Các ngư dân điện vào bờ cho biết, khi tàu đang chìm, các ngư dân đẩy thúng và la hét để lao xuống thúng thoát thân. Nhưng ông Tiết liều chết chui trở lại ca bin tàu, lật máy định dạng sắp chìm lún xuống nước để nhìn màn hình lần cuối. Theo kinh nghiệm của bà con ngư dân, tàu chìm mà chui lại ca bin là tự sát. Nhưng ông Tiết thì quyết tử để xem mặt “thằng nào nó tông chìm tàu của mình”.
Ông Tiết trợn mắt, đu chặt vào ca bin đang nghiêng và nghĩ đến cái chết có thể ập đến nếu tàu chìm nhanh và hút mình xuống đáy biển. Màn hình máy định dạng báo tín hiệu của con tàu hàng 009115092, Korea Maiconrent, DSC X3.
Dãy số dài quá, ông Tiết vội cào cấu khắp khoang tàu đang chìm và may mắn lấy được cây bút bi ghi vội tín hiệu này vào giấy. Tờ giấy dù nhỏ bằng bàn tay, nhưng được các ngư dân bảo vệ tối đa bằng cách hốt tất cả bao nylon đựng gạo và quấn chặt, to gần bằng một người.
Làng chài Tam Quan Bắc đang tấp nập vào mùa. Trên các tần số máy thông tin luôn “nóng sôi” chuyện giá cả, luồng cá, giờ thêm xao động vì tàu cá bị đâm chìm. Trong đất liền, bà Nhân ngồi nhẩm tính, không còn thứ gì để bán ra, vớt vát, sắm lại con tàu. Vài năm nay, tàu ông Tiết câu cá ngừ nhưng thu nhập thấp nên bạn chài cứ ghé lại đi 1-2 phiên rồi lại vẫy tay chào. Để “níu kéo” bạn chài, bà Nhân và vợ các ngư dân phải khuyến mãi, cho ngư dân ứng trước tiền và năn nỉ. Không ít ngư dân cầm tiền rồi quay lưng đi mất. Bà Nhân rơi nước mắt kể: “Thằng Thành ở Tân Thành tới mượn 2 triệu đồng nhưng không đi, cũng không trả. Thằng Quang con bà Bưởi cùng thôn, mượn hơn 4 triệu đồng, định bỏ sang tàu khác, vợ chồng bà phải chạy sang níu nó về lại tàu mình”.
Hàng ngày, trong căn nhà rêu cũ, bà Nhân thất thểu ngồi cạnh chiếc điện thoại đã nối sóng với Đài Duyên hải miền Trung để nhận tin từ biển khơi. Gia đình bà sống trong một ngôi nhà nhỏ. Phòng khách treo tấm ảnh chụp con tàu và trở thành niềm tự hào cho cả gia đình. Nhưng hình ảnh đó mãi mãi chỉ là vật lưu niệm. Vì con tàu chìm ở vùng biển có độ sâu trên 1.000m thì việc trục vớt là điều không thể. Con tàu chìm, thiệt hại khoảng 2,2 tỷ đồng, là tài sản của gia đình ông Tiết và vay mượn ngân hàng với lãi suất cao.
Chìm hết, mất sạch
Ông Từ Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, địa phương đã đến thăm hỏi và động viên gia đình, đồng thời báo cáo với các cơ quan chức năng để điều tra làm rõ, giúp ngư dân khắc phục thiệt hại xảy ra. Khi ngư dân vào bờ, địa phương sẽ trích quỹ thiên tai để hỗ trợ cho chủ tàu 1 triệu đồng. |
Chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên, vợ thuyền trưởng Nguyễn Minh Thi cho biết: “Tàu trong đoàn của ông Tiết tìm hoài không thấy ngư dân, cứ tưởng chết rồi, làm cả xóm khóc vì sợ. Cuối cùng tàu nhà em vớt được 8 ngư dân. Nhưng tàu em dài 17m, có 6 người, thêm 8 người nữa thì cũng chật chội, thức ăn cũng ít. Cho nên anh em tàu khác tới hứng chở bớt, còn 3 cha con thuyền trưởng Tiết ở lại. Khoảng 10 ngày nữa thì tàu chở bà con ngư dân vô đất liền”.
Tàu của ông Tiết dài 16,9m, máy 610 mã lực, đóng mới vào năm 2006. Ông Tiết năm nay 51 tuổi nên kéo theo 2 con trai là Phạm Đình Thắng, Phạm Đình Thắng Em đi theo để truyền nghề cho con. Ông Tiết không chỉ dạy cách điều khiển tàu, tìm vùng cá ngừ, nghe thời tiết tránh sóng gió, mà còn phải biết cách đối phó với tàu tuần tra của Trung Quốc ở Hoàng Sa ngày nào cũng rập rình, rượt đuổi tàu cá của bà con ngư dân.
Thấy tình hình làm ăn khó khăn nên ông Tiết chơi kiểu một lúc 2 nghề. Nghề chính là câu cá ngừ đại dương, nhưng kèm theo giàn lưới rút, cầu may có luồng cá thì bung lưới. Nhưng tàu chìm thì toàn bộ tài sản của gia đình ông đã trở về bọt nước. Ngồi bệt dưới đất, bà Nhân khóc hết nước mắt và cho biết: “Tàu cũng vừa hết hạn bảo hiểm, những ráng phiên này vô rồi mua bảo hiểm đầu năm nhưng rủi ro lại xảy ra”.
Mười ngày nữa, tàu cá Nguyễn Minh Thi và các tàu cá khác sẽ chở ngư dân tàu bị nạn vào đất liền. Trên biển, ông Tiết hằng ngày vẫn ôm riết chiếc bao nylon có tờ giấy nhỏ để làm bằng chứng truy tìm thủ phạm. Vì tàu chìm là khánh kiệt, nợ nần, không có tiền chia phần cho thằng Cường đã khuất để nuôi con nhỏ.