Dân Việt

Gia tăng làm mẹ ở tuổi vị thành niên: 16 nhưng đã sinh 2 lần

12/07/2013 06:54 GMT+7
(Dân Việt) - Tại xã H còn có hàng chục trường hợp bé gái làm mẹ từ thuở 13-14 tuổi. Có em chỉ mới 16 nhưng đã sinh 2 lần. Những đứa trẻ sinh ra hầu hết đều suy dinh dưỡng, quặt quẹo...

Mang thai ở tuổi vị thành niên (VTN) dường như ngày càng phổ biến ở các tỉnh miền núi, khiến cả mẹ và con đều phải gánh chịu nhiều cay cực, bệnh tật.

Làm mẹ tuổi 15

Năm nay mới bước sang tuổi 16 nhưng Hồ Thị M ở thôn 2, xã H (huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế) đã có con hơn 1 tuổi. M xây dựng gia đình từ năm 14 tuổi, chồng 16. Hai vợ chồng quá trẻ con nên chành chọe nhau suốt ngày, thậm chí “choảng” nhau chỉ vì con khóc, cả hai mải chơi, không ai muốn ra dỗ con. Những vất vả cực nhọc khiến cô bé này ngày càng gầy héo và già trước tuổi.

img
Hồ Thị Đ cùng đứa con trai không có bố.

Tại xã H còn có hàng chục trường hợp bé gái làm mẹ từ thuở 13-14 tuổi. Có em chỉ mới 16 nhưng đã sinh 2 lần. Những đứa trẻ sinh ra hầu hết đều suy dinh dưỡng, quặt quẹo, bố mẹ “trẻ con” cũng không biết cách chăm sóc con nên các cháu càng ốm yếu.

Còn tại huyện miền núi Nam Đông, tình trạng làm mẹ ở tuổi VTN đang có xu hướng gia tăng. Theo thống kê, từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn có hơn 50 trường hợp tảo hôn, chủ yếu tập trung tại các xã định canh, định cư. Rất nhiều trường hợp trẻ em gái sinh con ngay sau khi tảo hôn. Sau khi làm mẹ, cuộc sống rơi vào cảnh túng thiếu, vợ chồng bỏ nhau vì những mâu thuẫn trẻ con, ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm sóc, giáo dục con cái.

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở tuổi 15-19. Ngày Dân số thế giới 11.7 năm nay hướng tới chủ đề “Mang thai ở tuổi vị thành niên” là một lời nhắc nhở đối với việc kiểm soát, giảm thiểu tình trạng này.

Gần đây, tốc độ yêu của trẻ VTN ngày càng gấp hơn. Quen biết nhau qua điện thoại, em Hồ Thị L, học sinh lớp 11 Trường THPT Tây Trà, ở xã T (huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi) đã hẹn gặp mặt bạn tình chỉ sau 1 tuần gửi cho nhau những lời yêu thương.

Mối tình đầu vừa chớm nở đã vội tàn khi L trót mang thai sau nhiều lần hẹn hò với bạn trai. Nhưng bạn trai em lại “quất ngựa truy phong”, L cũng xấu hổ, không dám đến trường, đành bỏ học, sinh con...

Còn Hồ Thị Đ (17 tuổi, xã T, huyện Tây Trà) cũng tin vào lời mật ngọt của một công nhân xây dựng, rồi có thai. Khi công trình xây xong, bạn trai Đ cũng biến mất. Giờ Đ cũng nuôi con một mình, trong khi gia đình em thuộc diện nghèo nhất xã. Bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Tây Trà cho biết:

“Trẻ VTN làm mẹ ngoài ý muốn ở huyện đang là tình trạng đáng báo động. Theo thống kê từ 2006 đến nay, toàn huyện có hơn 80 trường hợp trong độ tuổi VTN đã phải làm mẹ, tập trung nhiều nhất ở 2 xã Trà Thọ và Trà Phong, nhưng trên thực tế con số này có thể hơn vì khi sự việc xảy ra, gia đình thường không khai báo với chính quyền địa phương.

Chính quyền bất lực

Bà Nguyễn Thị Thúy Hòa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tình trạng trẻ em gái trên địa bàn các huyện A Lưới và Nam Đông làm mẹ rất phổ biến và là thực trạng nhức nhối. Khi bà Hòa làm việc với chính quyền các địa phương thì được trả lời rằng, các em gái chưa đủ tuổi lấy chồng và sinh con, xã không cấp giấy đăng ký kết hôn nhưng họ vẫn cưới “chui”, nên đành chịu. “Hiện chính sách và pháp luật bảo vệ trẻ em có nhiều nhưng chủ yếu vẫn nằm trên giấy tờ, chưa được quan tâm thực hiện”- bà Hòa nói.

Tại xã Trà Phong, huyện Tây Trà, theo thống kê của UBND xã, có hơn 13 em phải làm mẹ ở độ tuổi VTN, trong đó nhiều em còn đang là học sinh. Bà Hồ Thị Hồng Thanh - cán bộ phụ trách dân số xã Trà Phong cho hay: “Tại xã có 13 em phải làm mẹ ở tuổi VTN. Nhiều em còn đang trong độ tuổi học sinh nhưng đành phải nghỉ học vì lỡ mang thai, hầu hết những trường hợp này đều phải nuôi con một mình, vì “đồng tác giả” của những bào thai này thường là người ở các địa phương khác đến”.

Mang thai ở tuổi vị thành niên :Cha mẹ cũng phải chịu trách nhiệm

img

Về việc ngày càng nhiều trẻ VTN mang thai và sinh con, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến (ảnh) – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư cho biết: Do chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn tâm lý nên nguời ở tuổi VTN mang thai sẽ có nguy cơ sẩy thai, sinh non và tai biến sản khoa. Các em cũng chưa có tâm lý, kiến thức để nuôi dạy con dẫn đến đứa con dễ bị ốm yếu, quặt quẹo.

Làm mẹ sớm cũng khiến các em thất học, thất nghiệp và đói nghèo. Việc trẻ em mang thai là cả một quá trình chứ không phải “bỗng dưng” to bụng. Vì thế, cha mẹ cũng phải chịu trách nhiệm vì đã không quan tâm, gần gũi con, không có ý thức giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho con từ sớm. Để các em có ý thức bảo vệ mình thì bố mẹ, ông bà phải tác động vào nhận thức của các em từ tấm bé.

Nếu thực sự cần phải bỏ thai, ông có lời khuyên nào với các em?

- Nhiều em gái khi mang thai ngoài ý muốn đã lo sợ, muốn giấu giếm nên tìm đến các cơ sở y tế không đảm bảo, phá thai chui. Hậu quả là thủng tử cung, băng huyết, viêm nhiễm, thậm chí gây tử vong. Chúng ta cần giáo dục cho các em kiến thức về sức khỏe sinh sản, tình dục để các em biết cách thương thuyết, từ chối không quan hệ tình dục sớm. Nếu có quan hệ tình dục thì cũng biết cách quan hệ tình dục an toàn, biết tránh thai và phòng tránh các bệnh tình dục. Còn nếu mang thai ngoài ý muốn, buộc phải phá thai thì nhất thiết phải đến các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị, có kiến thức để phá thai an toàn.

Từ trước đến nay, nhiều tổ chức, đoàn thể đã đứng ra tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho nhóm tuổi VTN nhưng tại sao tỷ lệ nạo phá thai ở nhóm tuổi này vẫn không giảm?

- Trước đây, chúng ta mới chỉ chú ý giảm sinh cho các nhóm có gia đình, vì thế nhu cầu sức khỏe sinh sản, tránh thai của nhóm VTN và thanh niên chưa lập gia đình bị xem nhẹ. Tuy nhiên, gần đây, ngành dân số đã có nhiều biện pháp tuyên truyền để nâng cao ý thức và hỗ trợ việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nhóm này. Chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào thực tế là một tỷ lệ không nhỏ VTN đã có quan hệ tình dục, vì thế, chúng ta cũng cần sớm hướng dẫn, cung cấp các biện pháp tránh thai cho các em. Đây là việc làm không chỉ Bộ Y tế hay ngành dân số đảm nhiệm mà cần sự hỗ trợ, vào cuộc của nhiều ban ngành, đoàn thể, nhà trường và gia đình.

Xin cảm ơn ông!

Diệu Linh (thực hiện)