Các hình thức taxi kiểu mới như Uber và GrabTaxi đang ngày càng trở nên phổ biến. Đây là những ứng dụng trên thiết bị di động, giúp gọi xe taxi nhanh chóng. Riêng Uber, mặc dù việc gọi xe đã trở nên dễ dàng hơn, xe taxi tiện nghi, tài xế được đánh giá thân thiện nhưng giá cả không phải lúc nào cũng hợp lý.
Anh Quốc Hải (ngụ tại Q.4, TP.HCM) kể: "Tôi thường đi taxi Uber từ Bến xe Miền Đông về nhà ở đường Nguyễn Tất Thành (Q.4) với cước phí dưới 100.000 đồng, nhưng vào ngày 20.12.2015, tôi phải trả 278.000 cho hành trình tương tự với xe UberX (dịch vụ taxi giá rẻ nhất của Uber - PV)".
Cước phí đi taxi Uber có thể bị đôi lên 3 lần vào giờ cao điểm.
Theo anh Hải, thực tế Uber tính cước minh bạch. Anh đặt xe lúc 18h30 và giao diện ứng dụng Uber có hiển thị ô nhập "2.9" để người dùng xác nhận đồng ý với mức tăng 2,9 lần so với thông thường. Tuy nhiên, tại thời điểm anh đặt xe, anh quan sát thấy có ít nhất 4 xe lân cận.
Anh Hải cho biết, anh đồng ý trả phí tăng gấp gần 3 lần không có nghĩa là anh hài lòng với điều đó. Anh Hải đặt câu hỏi: "Uber tính phi tăng cao như vậy là có hợp lý không? Lúc tôi đặt xe, có tới 4 xe khác đang ở lân cận chứ không phải thiếu xe. Tôi sẽ xem xét lại việc sử dụng taxi Uber, và mọi người cũng cần cẩn trọng hơn khi đi Uber vào giờ cao điểm để tránh phải trả cước phí quá cao".
Một trường hợp khác, chị L.T.N.H thường xuyên đi taxi Uber từ Ký túc xá Trường Đại học Sư phạm TP.HCM (đường Lạc Long Quân, Q.11) về một chung cư trên đường Thành Thái (Q.10), cũng bị Uber tính "đội giá". Tuy nhiên, trường hợp này là do tài xế chạy xe không phải đường tối ưu nhất. Sau khi gửi phàn nàn tới Uber, dịch vụ đã trả lại gần 1/3 cước phí hành trình.
"Tôi không chú ý đường xe chạy nhưng thông thường tôi chỉ tốn 50.000 đồng mà hôm đó lại đội lên 86.000 đồng. Thây lạ nên tôi xem lại email hoá đơn. Tôi phát hiện tài xế đi đường vòng nên có email phản hồi lại Uber thì được họ xử lý giúp", chị H. nói.
Uber là một dịch vụ gọi xe taxi đang gây nhiều tranh cãi tại Việt Nam.
Trước nhiều thông tin liên quan tới cước phí và việc đóng thuế của Uber tại Việt Nam, Uber đã có phản hồi, nêu rõ: "Trong những ngày vừa qua, có rất nhiều tranh luận về hình thức hoạt động kinh doanh của Uber tại Việt Nam. Chúng tôi không có bình luận nào về những tin đồn đó và chúng tôi cũng không thể xác thực độ chính xác của những thông tin được chia sẻ bởi các bên thứ ba. Tuy nhiên, Uber luôn tuân thủ các quy định về thuế và chi trả đầy đủ các khoản thuế tại mọi thị trường mà chúng tôi có mặt".
Theo Uber, các đối tác vận tải và các tài xế đối tác của họ tại Việt Nam đóng vai trò như nhà cung cấp dịch vụ vận tải trong các hành trình Uber. Còn nền tảng công nghệ của Uber đóng vai trò như nhà cung cấp các dịch vụ về kết nối và xử lý thanh toán cho các đối tác vận tải, như: Thu hộ phí vận tải và dịch vụ chuyển tiền.
Các đối tác vận tải của Uber sẽ nhận về 100% tất cả các khoản thu dịch vụ vận tải từ những chuyến đi mà họ đã thực hiện với ứng dụng Uber. Các đối tác vận tải có trách nhiệm đóng cho Uber 20% chi phí dịch vụ cho việc cung cấp công nghệ giúp kết nối xe và hành khách. Khoản chi phí dịch vụ này là một phần chi phí kinh doanh của các đối tác vận tải.
"Khác với ngành vận tải truyền thống với nguồn thu chủ yếu đến từ tiền mặt và thông tin dòng tiền chưa đủ minh bạch, nền tảng công nghệ của chúng tôi đảm bảo rằng mọi thông tin từ khách hàng, chuyến đi, doanh thu đều được lưu trữ điện tử, minh bạch và dễ theo dõi. Nhờ đó, việc thu thuế trở nên dễ dàng, thuận tiện và công bằng hơn rất nhiều so với ngành vận tải truyền thống", Uber cho biết.