“Phù phép” quá dễ
Chỉ bằng những dụng cụ thô sơ, đơn giản như cây kéo, dao rọc giấy, bút, lọ cồn, “bà trùm” Trần Thị Anh Tuyết (SN 1966, trú tại phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã “phù phép” biến thuốc quá hạn sử dụng (quá đát) thành thuốc còn hạn sử dụng bán ra thị trường.
Theo cơ quan chức năng, tính đến thời điểm bị phát hiện, Tuyết đã chỉ đạo nhân viên tẩy, sửa hạn sử dụng khoảng 200 loại thuốc tân được và thực phẩm chức năng, ước chừng hàng trăm nghìn viên thuốc. Đối với những loại tân dược đóng trong hộp giấy, Tuyết cho tẩy xoá hoặc cạo ngày in trên vỏ hộp rồi in hoặc sửa ngày sử dụng mới vào.
Còn với những loại thuốc là viên nén đóng trong bao phim in date (đát) bằng dấu chìm thì vỉ thuốc được cắt góc, khiến người mua không phát hiện thuốc đó còn hạn hay đã hết hạn. Có khá nhiều loại tân dược là những thuốc đặc trị phải được bác sĩ kê đơn, có ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ người bệnh như thuốc thần kinh, dạ dày, cai nghiện ma túy, thuốc chữa bệnh tiểu đường, hen suyễn, an thần, dạ dày, thuốc hạ sốt trẻ em, thuốc bổ sung sắt cho phụ nữ có thai, thuốc cai nghiện…
Bà Trần Thị Ánh Tuyết có 3 tiền án và không có trình độ về y dược (ảnh lớn). Lực lượng chức năng thu giữ số tân dược quá hạn sử dụng. Ảnh: CAND
Theo cơ quan chức năng, để phục vụ cho việc tiêu thụ thuốc quá hạn sử dụng, Ánh Tuyết đã mở hơn 30 cơ sở bán thuốc trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thủ đoạn này của Tuyết đã kéo dài nhiều năm trước khi bị bắt giữ. Khó có thể ước đoán được bao nhiêu triệu đơn vị thuốc đã được bán ra thị trường và bao nhiêu người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng sức khoẻ khi dùng thuốc hết hạn.
GS Hoàng Tích Huyền – nguyên Chủ nhiệm bộ môn Dược lý (Đại học Y Hà Nội) cho biết, các nhà khoa học, nhà sản xuất đã nghiên cứu ra thời hạn sử dụng thuốc là “có nguyên tắc chặt chẽ”. Chỉ trong thời gian quy định thuốc mới không bị biến chất, giảm hàm lượng, làm tăng nguy cơ gây tác dụng phụ. Tùy từng loại thuốc sẽ có mức độ nguy hại khác nhau nếu người bệnh sử dụng phải thuốc quá hạn. “Trước hết là người bệnh không khỏi bệnh và khiến bệnh nặng hơn, làm mất thời gian vàng để điều trị bệnh khi bệnh đang còn nhẹ, thậm chí làm bệnh nhân tử vong nếu là các thuốc đặc trị.
Thuốc quá hạn có thể làm giảm hàm lượng thuốc, gây nhờn thuốc. Nếu là thuốc kháng sinh thì gây kháng thuốc, lần sau bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc kháng sinh thế hệ cao hơn, bệnh khó trị hơn, tốn tiền hơn. Bệnh nhân cũng có thể gặp các biến chứng, phản ứng phụ nguy hại của thuốc nếu dùng thuốc quá hạn” – GS Huyền phân tích.
Đáng nói, đây không phải lần đầu cơ quan chức năng bắt giữ được thuốc hết hạn sử dụng được tuồn vào nhà thuốc, bán ra thị trường. Trước đó, tháng 9.2015, cơ quan chức năng cũng đã bắt giữ 38kg tân dược hết hạn sử dụng được trà trộn vào thuốc còn hạn tại một nhà thuốc ở TP.An Giang. Tháng 4.2014, tại thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân, Thanh Hoá, hơn 160 loại thuốc và 25 loại thực phẩm chức năng (tổng cộng hơn 200kg) hết hạn sử dụng từ năm 2011, 2012, 2013 cũng được phát hiện tại một nhà thuốc nhỏ.
Khó nhận biết
Theo dược sĩ Nguyễn Huy Am – nguyên Trưởng khoa Dược (Bệnh viện 198), đa số người dân Việt Nam mua thuốc không kê đơn, khi cảm cúm, ốm toàn tự mua thuốc, mua lẻ vài viên, vài vỉ, không lấy bao thuốc… Điều này “tiếp tay” cho các nhà thuốc gian lận tuồn thuốc quá hạn sử dụng vào bán mà không lo bị phát hiện. Thậm chí, có người dân còn đề nghị nhà thuốc giúp mình chia thuốc thành từng liều nhỏ vào các túi nylon, lúc này, thuốc quá hạn hay còn hạn đều có thể bị trộn lẫn.
Một người bán thuốc tại quận Hoàn Kiếm cho biết, việc trộn thuốc quá hạn đưa cho người dân là quá dễ dàng vì khó phát hiện. Người dân không có hiểu biết về thuốc nên người bán đưa thuốc gì thì biết thế. Việc tẩy hạn sử dụng trên các vỉ thuốc cũng khá dễ dàng, chỉ cần dùng dao cạo, nạo ngày thật khéo, hoặc dùng cồn lau rồi sửa lại hạn sử dụng như năm 2015 sửa thành 2016. Còn ngày dập trên vỉ thuốc có thể cắt đi mà người dân cũng khó phát hiện. “Ai biết vỉ thuốc ấy dài ngắn thế nào mà so sánh. Chỉ tinh ý mới nhận ra đường cắt sắc hơn mà thôi” – chị này cho biết.
Hiện nay, theo quy định của Bộ Y tế, những loại thuốc cận ngày sử dụng, công ty sản xuất, phân phối phải có trách nhiệm thu hồi và tiêu huỷ. Các Sở Y tế phải có trách nhiệm thông báo và giám sát việc thu hồi, hoàn trả thuốc quá hạn (hoặc thuốc kém chất lượng mà Bộ Y tế vừa kiểm nghiệm phát hiện) hoàn trả thuốc về nhà cung ứng. Đồng thời, cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải ngừng phân phối và trong thời gian không quá 5 ngày, phải thông báo thu hồi đến tất cả các cơ sở phân phối, đơn vị sử dụng đã mua thuốc và báo cáo về cơ quan quản lý trong vòng 30 ngày.
Tuy nhiên theo một số nhân viên nhà thuốc, trên thực tế, thuốc đã mua về rồi thì việc tiêu huỷ thuốc quá hạn thuộc về các chủ cửa hàng thuốc. Không ít người đã “tiếc của” nên lén tẩy xoá, trà trộn vào thuốc còn hạn bán cho người bệnh hoặc gom vào bán cho những “đầu nậu” như bà Tuyết. Lực lượng kiểm tra dù có năng nổ cũng không thể ngày ngày đi săm soi từng vỉ thuốc tại các cửa hàng nhỏ lẻ.
Ông Nguyễn Văn Yên - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, các vụ vi phạm lớn về hành nghề y dược tư nhân bị phát hiện trong thời gian qua chủ yếu là nhờ các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, trong đó ngoài lực lượng thanh tra y tế còn có sự hỗ trợ của các đơn vị nghiệp vụ khác như công an, quản lý thị trường.
Tuy nhiên, mức xử phạt bán thuốc quá hạn sử dụng chỉ 40 triệu đồng/vụ, kèm đó là tước giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh là chưa đủ mạnh, bởi chỉ 5-6 tháng sau cơ sở bị phạt có thể xin giấy phép hoạt động trở lại. “Cần phải xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi kinh doanh thuốc kém chất lượng, thuốc giả, thuốc hết hạn sử dụng như phạt tiền, đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép hành nghề, thậm chí đề nghị khởi tố hình sự” – ông Yên nói.
Ngày 9.1, các cơ quan chức năng TP. Hà Nội đồng loạt kiểm tra 3 cửa hàng thuốc tây thuộc cùng một hệ thống có địa chỉ ở số 11A An Dương (Tây Hồ), số 20 Nguyễn Biểu và 129 Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội), phát hiện và thu giữ trên 500.000 đơn vị thuốc tây các loại hết hạn sử dụng đã bị tẩy xóa, sửa “đát”. Theo đó, chủ của các cửa hàng trên là bà Trần Thị Ánh Tuyết (SN 1966, trú tại phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Qua tra cứu hồ sơ Công an lưu giữ cho thấy, người phụ nữ này đã có 3 tiền án, bản thân không có trình độ về y dược, nhưng lại mở tới hơn 20 quầy bán thuốc tân dược, trải rộng trên địa bàn nhiều quận, huyện của Hà Nội. |
Mua thuốc phải đủ liều, đủ vỉ Để hạn chế mua phải thuốc rởm, thuốc quá hạn, người dân cần mua thuốc ở những cửa hàng thuốc lớn, có ghi số cấp phép trên biển hiệu. Khi mua thuốc phải kiểm tra cẩn thận ngày tháng sử dụng ghi trên bao bì thuốc hoặc mua cả vỉ thuốc. Ngày tháng sử dụng thường được dập chìm trên các vỉ thuốc có thể nhìn thấy. Nếu thấy chữ ghi hạn sử dụng không ngay ngắn, có dấu hiệu tẩy xoá thì không mua và báo cho cơ quan chức năng. Dược sĩ Nguyễn Huy Am Mắt thường khó nhận biết Việc phân biệt thuốc thật – giả đã khó, việc phân biệt thuốc thật quá hạn sử dụng còn khó hơn. Về cảm quan, chỉ có thể nhận biết được thuốc biến dạng, mốc, ẩm ướt, hộp thuốc méo mó, nứt, vỡ, biến màu, chảy nước… Nhưng đương nhiên những kẻ “phù phép” thuốc quá hạn sẽ không dại gì mà xử lý các loại thuốc như vậy. Còn những thuốc bị “phù phép” ngày tháng thì bác sĩ, thậm chí dược sĩ cũng chịu. Do đó phải trông chờ vào sự nghiêm minh của cơ quan chức năng. PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng -nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) Là hành vi sản xuất thuốc giả Theo quy định Thực hành tốt bảo quản thuốc do Bộ Y tế ban hành, nhà sản xuất và phân phối (bán buôn, bán lẻ) phải chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc sản xuất và lưu hành trên thị trường, trong đó có thời hạn dùng của thuốc đã được đăng ký với Cục Quản lý dược và hạn dùng này đã in trên bao bì của thuốc. Còn Luật Dược coi việc “Thay đổi, sửa chữa thông tin về hạn dùng ghi trên nhãn mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” là hành vi sản xuất thuốc giả. Tuỳ thuộc hành vi có thể bị phạt tiền, thu hồi giấy phép kinh doanh hoặc xử lý hình sự. PGS-TS Lê Văn Truyền - chuyên gia cao cấp về dược học của Bộ Y tế |