Thêm nhiều mái ấm
Lập gia đình gần 10 năm nhưng vợ chồng anh Thạch Sang ở ấp Ô Tưng B, xã Châu Điền (Cầu Kè) vẫn không có tiền mua được mảnh đất để dựng nhà. Thấy hoàn cảnh khó khăn của anh Sang, chính quyền địa phương đã mua, hỗ trợ cho gia đình anh mảnh đất 258m2 để dựng nhà. Gia đình anh Sang vui mừng khôn xiết và hứa sẽ phấn đấu làm ăn để cuộc sống ổn định hơn.
Gia đình chị Thạch Thị Nuôi (ấp Ô Tưng B, xã Châu Điền) được hỗ trợ đất để dựng nhà. Ảnh: Huỳnh Xây
“Vợ chồng tôi sống nhờ vào việc cấy lúa thuê nên chỉ đủ tiền nuôi 2 đứa con. Được hỗ trợ 33 triệu đồng mua đất ở dựng nhà, tôi rất mừng, dù chỉ là căn nhà lá nhưng đỡ khổ và sống yên tâm hơn rất nhiều” – anh Sang thổ lộ.
Tương tự, gia đình chị Thạch Thị Nuôi ngụ cùng ấp Ô Tưng B với anh Sang cũng được chính quyền địa phương xét, cấp đất dựng nhà. Từ ngày có chỗ che nắng che mưa, khỏi phải ở nhờ nhà người bà con, chị Nuôi yên tâm hẳn. Chị bảo: “Vợ chồng nghèo, có đến 3 đứa con đang đi học tiểu học nên chưa dám nghĩ đến việc dựng nhà. Được hỗ trợ đất ở, chúng tôi mừng không sao kể xiết...”.
Làm đường giúp dân tiêu thụ hàng hóa
Thực hiện Quyết định 29/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, huyện Cầu Kè đã hỗ trợ kinh phí cho khoảng 300 hộ (33 triệu đồng/hộ) mua đất, hỗ trợ giải quyết việc làm cho 2.815 hộ, chuyển đổi nghề cho 561 lao động. |
Theo Phòng Dân tộc huyện Cầu Kè, để nâng cao mức sống của các hộ đồng bào DTTS, ngoài việc hỗ trợ đất ở và việc làm, huyện còn tập trung xây dựng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả như vùng lúa chất lượng cao 7.170ha ở các xã: Hòa Ân, Châu Điền, Phong Phú, Phong Thạnh, Hòa Tân; cánh đồng mẫu lớn 851,65ha ở xã Châu Điền, Phong Phú; mô hình luân canh cây lúa - màu 9,45ha ở xã Hòa Tân và thị trấn Cầu Kè; mô hình cánh đồng công nghệ sinh thái...
Thông qua các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững, huyện đã đầu tư 1,98 tỷ đồng cho 679 hộ dân thực hiện các mô hình trồng ớt chỉ thiên, chăn nuôi heo, bò sinh sản, trồng ca cao xen dừa, hỗ trợ lúa giống, phân bón, mua máy móc, nông cụ..., nhờ đó thu nhập của các hộ đã dần được cải thiện.
Đặc biệt, để giải quyết khâu vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa, ông Tạ Anh Dũng – Phó phòng Dân tộc huyện Cầu Kè cho biết, huyện đã phân bổ 7,7 tỷ đồng để xây dựng các công trình đường đan, đường nhựa, cầu bê tông liên ấp. “Lâu nay, người dân trồng lúa, màu tiêu thụ rất khó khăn do không có đường giao thông đi lại. Việc này đã được khắc phục, cải thiện nhiều ở các địa phương có đông đồng bào Khmer. Từ ngày có đường sá bằng phẳng, thương lái còn về tận nơi thu mua lúa, màu cho bà con” – ông Dũng thông tin.
Bà Thạch Thiên Chi, ngụ ấp Ô Tưng B, xã Châu Điền nói thêm: “Hàng chục năm nay người dân ở đây chủ yếu phải đi bằng bờ ruộng để về lộ lớn. Từ năm 2013 đến nay, giao thông ở vùng Ô Tưng đã được Nhà nước đầu tư rất nhiều, riêng tuyến đường nội đồng của ấp được đổ bê tông rất đẹp, việc vận chuyển nông sản nhờ đó đã được thông suốt...”.