Dân Việt

Thịt VietGAP “đổ bộ” chợ Tết

Minh Trung 20/01/2016 11:44 GMT+7
Ngoài các loại rau, củ, quả, nhiều cơ sở, doanh nghiệp, công ty cung ứng thịt lợn, gà đang chuẩn bị số lượng lớn sản phẩm cung cấp cho thị trường dịp Tết Bính Thân. Năm nay, nét mới là nhiều loại thịt lợn, gà sản xuất theo quy trình VietGAP được cung cấp tới người tiêu dùng.

Nhiều người đặt mua thịt lợn VietGAP

Theo bà Lê Ngọc Đào - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, năm nay lượng hàng hóa chuẩn bị cho dịp tết phong phú và đa dạng với giá cả ít biến động và số lượng tăng từ 15-20%. Năm nay, thịt gia cầm chiếm gần 52%, gia súc chiếm gần 26% tổng lượng hàng hóa.

img

Người dân mua thịt lợn tại một cửa hàng bán thực phẩm an toàn trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM. Ảnh: Minh Trung

Trong khi đó, bà Nguyễn Hồng Thắm- Giám đốc Công ty TNHH An Hạ, huyện Củ Chi, TP.HCM cho biết, đơn vị chuyên cung cấp các sản phẩm thịt lợn, trong đó có thịt lợn đạt tiêu chuẩn VietGAP. Theo bà Thắm, sản lượng thịt trong các ngày 25-28 âm lịch tăng gấp đôi ngày thường vì nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao.

Chính vì vậy, các hợp đồng với người nuôi lợn đang được khẩn trương thực hiện để cân đối nguồn hàng cho thị trường. Đơn vị cũng đã tiến hành khảo sát, thống kê số lượng đàn lợn chuẩn bị xuất chuồng, tiến hành ký kết với các hộ dân để đảm bảo nguồn cung dồi dào, không bị thiếu hụt. Dự kiến, mỗi ngày đơn vị này cung cấp 500 tấn thịt lợn, trong đó có 40 tấn thịt lợn VietGAP.

Dù số lượng hàng cung cấp dịp tết nhiều hơn ngày thường, nhưng nhiều năm qua, An Hạ đều đảm bảo  lượng hàng hóa và đảm bảo tất cả các khâu, đặc biệt là an toàn thực phẩm. Bà Thắm cho hay, tính đến nay, các đơn hàng lẻ của các hộ gia đình đặt mua thịt lợn VietGAP đã rất nhiều, tổng sản lượng đã trên 10 tấn.

“Đó là chưa tính những người chưa đặt hàng, còn đợi tới những ngày cận tết. Vì vậy chúng tôi phải chốt đơn hàng sớm và không nhận thêm để đảm bảo giao hàng đúng thời điểm” - bà Thắm cho biết.

Năm nay, Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM - Saigon Co.op công bố 176 điểm bán sản phẩm an toàn và VietGAP phục vụ tết. Trong đó gồm 78 siêu thị Co.opmart phân bố trên cả nước và 2 Co.opXtra, 96 cửa hàng thực phẩm Co.op Food tập trung chủ yếu tại TP.HCM. Dự kiến tổng lượng hàng hóa đạt tiêu chuẩn an toàn do Saigon Co.op đưa ra thị trường phục vụ nhu cầu mua sắm thực phẩm sạch trong 3 tháng trước trong và sau tết dự ước sẽ vượt 95.000 tấn. Trong đó có 16.000 tấn rau củ quả, thịt gà, thịt lợn và hơn 12 triệu quả trứng gà VietGAP, VietGAP nhãn xanh.

Gia cầm có thể khan hiếm

"Năm nay giá gà khá thấp, toàn khu vực có 3.000 hộ chăn nuôi gia cầm. Hiện tại, 30% số hộ đã dẹp chuồng trại không nuôi được nữa vì quá lỗ. Con số này qua tết sẽ lên 50%. Bà con đa phần sợ thêm nợ nên không dám thả gà mà chỉ vì trót nuôi nên phải cắn răng chịu”.

Ông Âu Thanh Long - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ

Ngoài loại thịt heo bình thường, Công ty TNHH MTV Kỹ nghệ súc sản – Vissan cũng cam kết đưa ra thị trường thịt heo theo tiêu chuẩn VietGAP trung bình 35 tấn/ngày và có thể tăng lên theo nhu cầu khách hàng.

Ông Văn Đức Mười - Tổng Giám đốc công ty cho biết, hiện tại Vissan tự lực nuôi heo VietGAP tại 3 trang trại. Sản lượng từ 3 trại chỉ đảm bảo một phần nhỏ nhu cầu. Còn lại Vissan mua mỗi ngày 500 con lợn từ các hộ nuôi ở Củ Chi và các nơi khác đạt chứng nhận VietGAP.

“Đến nay, thịt lợn VietGAP chỉ chiếm 40% tổng số lượng bán ra của công ty. Còn lại 60% Vissan mua tại các trại chăn nuôi. Số lợn này cũng được kiểm tra cẩn thận, đúng quy trình và là thịt lợn an toàn” - ông Văn Đức Mười nói.

Trong khi thịt lợn cơ bản ổn định về nguồn cung và giá cả thì các hộ nuôi gà lại khốn khó với giá giảm chỉ còn 15.000-16.000 đồng/kg. Nhiều hộ dân thua lỗ từ vài chục đến hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng nên không mặn mà với nuôi gà bán dịp tết.

Ông Nguyễn Văn Ngọc- Phó Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Bình Phước cho biết, hiện nay cả tỉnh có 50% các hộ nuôi gà công nghiệp đã phải dẹp bỏ trang trại. Tính ra cứ mỗi con gà người dân lỗ từ 15.000-20.000 đồng. Đây là con số quá sức chịu đụng cho người nuôi.

“Bà con nuôi gà thua lỗ chỉ biết dẹp chuồng để giảm bớt phần nào thiệt hại. Nếu nuôi nữa, chắc chắn lỗ. Trước đây, các công ty và người dân thả gà để bán tết nhưng năm nay các công ty ngưng thả và người dân bỏ trống chuồng vì lo ngại tết bán không được”- ông Ngọc nói.