Làng Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội nổi tiếng với nghề trồng lá dong gói bánh chưng đã 600 năm qua.
Ưu điểm nổi bật của lá dong Tràng Cát là lá bầu, rộng bề ngang, mỏng, dẻo dễ gói và có màu xanh đẹp mắt hơn lá dong rừng.
Lá dong trồng tại đây từng là loại cây xoá đói giảm nghèo cho người dân địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, diện tích trồng giảm mạnh từ 20 ha xuống còn 6 ha vì những lý do khác nhau.
Ông Phạm Văn Công (68 tuổi) có nhiều năm kinh nghiệm cho biết, mỗi sào lá dong phục vụ dịp Tết chỉ cho lãi từ 7 đến 8 triệu đồng. Còn một sào cam, với giá ổn định như các năm trước thì có thể cho thu 40 triệu đồng. Trước đây, nhà ông có ba sào lá dong nhưng nay chỉ còn một, vì chuyển sang trồng cam.
Hiện tại, lá dong chưa vào lúc cao điểm nên giá cả còn chưa rõ ràng. Theo anh Phạm Văn Đồng, người bán mặt hàng này đầu tiên của làng thì mỗi sào với khoảng 25.000 tàu lá có giá bán tại vườn là 11 triệu đồng, chưa tăng so với năm ngoái.
Trao đổi với PV ông Đoàn Văn Huỳnh - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Kim An cho hay lá dong có thể tăng giá trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới do cung không đủ cầu.
Thu hẹp diện tích của cây dong truyền thống, người dân phát triển mở rộn cây cam đường. Những ngày này, khắp thôn Tràng Cát đâu đâu cũng vàng rực màu trái cam thời kỳ thu hoạch.
Song điệp khúc được mùa rớt giá tái diễn khiến người nông dân nơi đây sẽ đón Tết kém vui. Nếu như các năm trước, giá cam đường tại vườn ổn định ở 40.000-45.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 20.000-22.000 đồng/kg. Người dân dự đoán rất có thể lợi nhuận từ việc trồng cam năm nay không cao hơn trồng lá dong.
Trong khi đó, việc đầu tư trồng cam rất tốn kém do đây là loại cây "khó tính", cần nguồn dinh dưỡng lớn và sự chăm sóc thường xuyên.
Anh Nguyễn Hữu Tâm, chủ một vườn cam quyết định đào những cây đẹp, sai quả lên để bán cam cảnh. Anh cho biết, nếu vặt quả bán thì mỗi cây chỉ được 500.000 đồng nhưng nếu bán cả cây sẽ thu được khoảng 2,5 triệu đồng. Lời hơn nữa, một số khách quen còn có thể tặng lại cây cho chủ vườn sau khi chơi Tết xong.