Sau khi Hari Won tuyên bố chia tay Tiến Đạt, một bộ phận cư dân mạng đã chỉ trích nữ ca sỹ gốc Hàn "tham phú, phụ bần", bỏ bạn trai người Việt khi cô đã gây dựng được chỗ đứng trong Vbiz. Ngay lập tức, rapper Tiến Đạt đã lên tiếng bênh vực Hari Won, khẳng định bạn gái cũ là một cô gái tốt. Anh cũng đề nghị mọi người dừng miệt thị Hari và chia sẻ những nỗi vất vả mà cô đã phải trải qua khi còn nhỏ. Câu chuyện xúc động về cuộc sống khốn khó của Hari từng được cô chia sẻ khi tham gia talkshow Lần đầu tiên tôi kể trên kênh truyền hình HTV2 năm 2014. Dưới đây là những tâm sự của Hari Won khiến người hâm mộ không kìm được nước mắt
- Ngoại hình của chị rất giống một cô gái Việt Nam. Đã có ai nói với chị điều đó?
Không ai bảo tôi là người Hàn Quốc mới lạ chứ. Mới hôm qua thôi, tôi đi siêu thị Hàn Quốc và gặp ông chủ cũng là người Hàn Quốc, nhưng ông ấy cứ nhìn tôi một cách ngờ vực. Sau đó khi tôi nói chuyện với anh Đạt (rapper Đinh Tiến Đạt), ông chủ đó nghe thấy liền hỏi tôi là người Hàn Quốc hay người Việt Nam. Tôi trả lời mình là người Hàn Quốc, ông ấy khen: "Người Hàn Quốc sao nói tiếng Việt rành thế". Nói chung, tôi đi đâu người Hàn Quốc cũng tưởng tôi là người Việt Nam.
- Sang Việt Nam từ năm 1995, cơ duyên nào đưa chị đến với nơi đây từ lúc mới 9 tuổi rồi ỏ lại học tiếng Việt như người bản địa?
Tôi cũng không biết nữa. Lúc đó ba tôi qua Việt Nam và tôi đi cùng. Ngày 9 - 10 tuổi tôi cũng không biết Việt Nam như thế nào mà chỉ biết mình có bố là người Việt, vậy thôi!
Bây giờ thì cả gia đình tôi sống bên Hàn Quốc rồi, chỉ có mình tôi ở đây. Dưới tôi còn có hai em nữa cũng sống ở Hàn Quốc. Hai em có thể nghe và hiểu được tiếng Việt nhưng không nói được, chỉ có mình tôi là nói giỏi nhất (Cười).
- Nhìn ngoại hình và tính cách hồn nhiên của chị, phần đông mọi người cho rằng chị được sinh ra trong nhung lụa. Nhưng thực tế cuộc sống của chị không như vậy. Đã khi nào chị e ngại về xuất phát điểm thiệt thòi của mình khi so với bạn bè trang lứa?
Nhiều người bạn Việt Nam và cả Hàn Quốc đều nghĩ tôi sống trong gia đình giàu có vì họ thấy tôi quá tự tin. Nhưng thực tế khi tôi còn ở Hàn Quốc, gia đình tôi nghèo quá trời nghèo, tới mức độ mẹ tôi lúc nào cũng nói: nhà mình là nghèo nhất nha con. Khi đó tôi còn nhỏ và nghe mẹ nói thì cũng chỉ biết vậy, nhưng tôi vẫn nghĩ mình nghèo thì nghèo thôi có ảnh hưởng gì đâu, gia đình mình vẫn hạnh phúc là được rồi.
Nếu là người khác chắc không dám nói nhà mình nghèo đâu, nhưng tôi thì thường hay đi “khoe” nhà mình nghèo (Cười). Tôi còn nhớ năm học lớp 1 hay lớp 2, cô giáo có nói các em học sinh nhắm mắt lại, nhà ai nghèo thì giơ tay lên. Rút cục có mỗi mình tôi giơ tay thôi. Sau đó cô giáo dặn lúc nào học xong ở lại nói chuyện với cô một lát.
Lúc nói chuyện, cô giáo hỏi nhà tôi nghèo như thế nào. Khi đó cảm giác của tôi mừng lắm vì mình ít nhất cũng nhận được sự quan tâm của cô, vì vậy tôi rất muốn được nói chuyện thật nhiều với cô. Tôi nói với cô rằng nhà tôi nghèo túng lắm luôn, không có nhà nào nghèo bằng nhà tôi. Tôi khẳng định một cách hết sức tự tin như vậy trước mặt cô giáo.
Hồi đó tôi cứ nghĩ mình chỉ muốn được nói chuyện với cô và cho rằng mình có một điều gì đó đặc biệt nên cảm thấy rất vui, nhưng nhìn mặt cô lại rất buồn. Từ đó hàng năm, cứ 2 – 3 lần nhà trường lại tổ chức quyên góp gạo phát cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngay cả sữa uống hàng ngày các thầy cô cũng đều dồn hết cho tôi.
Thực sự lúc đó nhà tôi nghèo nhưng tôi lại nhận được tình yêu thương của các thầy cô rất nhiều, điều đó khiến tôi mừng vui và hạnh phúc. Sau này lên lớp 3 tôi cũng vẫn tự tin nói nhà mình rất nghèo mỗi khi thầy cô hỏi về hoàn cảnh gia đình các học sinh trong lớp.
Hari Won kể về chiếc áo khoác được nhà trường tặng.
Một lần, tôi được nhận quà của nhà trường - một chiếc áo khoác mùa đông màu hồng có nhiều lông vũ đẹp mắt. Sáng hôm sau đến lớp, tôi cũng nhìn thấy nhiều bạn mặc chiếc áo màu hồng y chang tôi. Lúc đó tôi thấy rất mừng vì nhiều bạn có áo mặc như mình. Đến giờ tôi mới biết những chiếc áo đó là do một công ty tài trợ cho những học sinh khó khăn, và chỉ cần nhìn vào là biết bạn đó nhà nghèo (Cười lớn).
Nhưng ngày đó tôi không biết gì, lúc nào cũng thấy vui vì được áo miễn phí, tôi rất thích và luôn biết ơn thầy cô. Đến giờ này nghĩ lại, tôi thấy buồn cười và không hiểu vì sao ngày đấy mình lại ngây thơ đến vậy (Cười).
Tôi còn nhớ có lần tôi vô tư khoe nhà em nghèo lắm, có ngày không có gạo để nấu cơm ăn. Lúc đó tôi thấy mặt thầy cô buồn lắm, không hiểu sao tôi đang nói chuyện vui như vậy mà thầy cô lại buồn (Cười lớn).
- Chiếc áo khoác màu hồng được tặng ngày đó, với chị hiện tại là kỷ niệm đẹp hay kỷ niệm buồn?
Thực sự với tôi đó là một kỷ niệm rất vui. Và nếu có cơ hội gặp những người đã giúp đỡ mình, tôi muốn nói cảm ơn họ thật nhiều. Vì thực sự chiếc áo khoác đó với tôi đẹp lắm, lại ấm nữa. Tôi biết thời đó ít người có điều kiện mua quần áo mới, thường anh chị trong nhà mặc xong lại để lại cho các em.
Nhà tôi cũng vậy, tôi không bao giờ được mua quần áo mới, vì vậy nhận được những bộ quần áo mặc lại là gia đình tôi đã thấy quá mừng rồi. Còn chiếc áo khoác màu hồng chính là món đồ mới đầu tiên tôi được xài, vì thế tôi rất vui và cảm động. Nhờ điều đó mà giờ đây, khi chứng kiến những gia đình hoàn cảnh khó khăn là tôi rất muốn giúp đỡ.
- Đi qua tuổi thơ nghèo khó, chị ấn tượng ra sao về những bữa ăn - một trong những điều mà đứa trẻ nào cũng thích - được ăn ngon?
Tôi còn nhớ ngày bé mình không có quốc tịch. Bố của tôi sang Hàn Quốc năm 16 tuổi khi Việt Nam đang có chiến tranh, vì vậy không được cấp quốc tịch Hàn Quốc. Sau đó bố lấy vợ và có tôi cùng các em, cả bốn bố con đều không có quốc tịch, trừ mẹ.
Phải đến năm học lớp 4, tôi mới được nhập quốc tịch Hàn Quốc. Tôi nhớ có lần cả nhà hết gạo ăn và chỉ biết cầu nguyện. May mắn ngày hôm sau có người bên nhà thờ mang mấy chục ký gạo đến phát chẩn, rồi một người quen của bố cũng đến cho gạo tiếp.
Hari sụt sùi nhớ lại tuổi thơ vất vả.
Ngày đấy nhà nghèo nên nhà tôi không có thức ăn gì khác ngoài cơm với trứng gà hoặc kim chi, ăn đến phát ngán luôn nhưng không có tiền để mua thức ăn khác. Rất lâu sau này tôi mới được ăn thịt heo và thường phải chia một miếng ra làm ba miếng nhỏ, để danh ăn cho được nhiều cơm. Kể cả khi đã lớn tôi vẫn ăn như vậy, và khi có người nhắc tôi mới biết chỉ có nhà mình ăn kiểu thế.
Di chứng tuổi thơ nghèo là đến giờ tôi có tật xấu rất tham ăn. Mỗi khi đói mà không được ăn ngay là tôi thường phát cáu vì không thể chịu đói hơn được nữa. Thậm chí tôi kiếm được tiền là dành mua thức ăn ngon chứ không quan tâm đồ hiệu gì hết. Tôi chỉ cần biết hàng ngày phải ăn đủ 3 bữa chính và 2 bữa phụ.
- Cuộc sống khó khăn chuyện ăn uống đã thiệt thòi vậy, còn chuyện học của chị thì sao?
Ngày nhỏ tôi rất thích được đi học, nhưng nhà nghèo nên mẹ thường dỗ để lần sau sẽ cho đi. Trong khi đó người bạn hàng xóm của tôi thì bao lần khóc vì phải đi học thêm. Lúc đó tôi nghĩ bạn này may mắn quá mà lại không thích đi học, bản thân tôi muốn đi học lại không được.
Có bạn ngày nào đi học cũng được mang hộp cơm có thức ăn ngon, mặc dù bạn đó không muốn ăn nhưng bị mẹ ép phải ăn bằng hết. Bạn đó thỏa thuận với tôi, nếu hàng ngày tôi ăn hộ một nửa hộp cho bạn thì bạn sẽ cho kẹo chocolate, tôi đồng ý liền (Cười).
Khi đó tôi nghĩ nếu bố mẹ mình mà cho ăn thế này tôi sẽ ăn hết luôn chứ không cho ai cả. Tôi cũng nghĩ trời ơi mình may mắn quá. Nói chung từ nhỏ tôi được rất nhiều người giúp đỡ.
- Tuổi thơ nghèo khó ấy còn để lại cho chị những ghi dấu nào đặc biệt mà đến giờ chị vẫn không thể quên?
Năm tôi học lớp 5, các bài tập đều tự phải suy nghĩ và làm lấy. Nhưng cách làm bài của tôi so với các bạn trong lớp rất khác. Tôi chỉ có một cách làm trong khi các bạn có nhiều cách trả lời hay và chuyên nghiệp. Sau đó tôi mới phát hiện họ dùng sách hướng dẫn đáp án, và nghĩ nếu mình có cuốn sách đó mình sẽ kết hợp với đáp án của riêng mình, chắc chắn bài làm sẽ hay hơn.
Hari vẫn còn nhớ kỷ niệm lần đầu ăn cắp cuốn sách của giáo viên.
Vì lẽ này, trong đầu tôi nảy ra ý định xấu. Nhân lúc đi vệ sinh lớp, tôi đã ăn cắp một cuốn của giáo viên khi nhìn thấy cuốn sách trên bàn cô giáo. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi ăn cắp đồ của người khác. Sau đó tôi bị bạn thân phát hiện khi bạn đó đến nhà, nhìn thấy cuốn sách.
Lúc trả lại cô giáo, tôi đã xin lỗi cô và nói tôi chỉ muốn học giỏi hơn nên mới muốn lấy cuốn sách đó (Khóc nức nở vì hối hận và tủi thân).
- Bước qua tuổi thơ nghèo khó và nhiều chịu đựng, giờ đây nhìn lại, chị thấy mình có gì?
Ngày tôi 11 - 12 tuổi, dù các bạn trong lớp có người trêu chọc nói tôi là con lai, nhà nghèo rớt nhưng tôi lại thấy tự hào vì điều đó. Tôi thấy mình như cỏ dại ven đường, dù người ta có chà xéo bao nhiêu mình vẫn tự đứng dậy được. Dù người ta có nói mình thế nào, tôi vẫn coi đó là lời khen.
Nghèo không phải là tội, đâu có ai muốn nghèo. Bây giờ nếu tôi nghèo mà có người nói tôi nghèo thì đó là sự thật, cãi làm gì. Mình nghèo mà mình thấy nhục thì tôi thấy không đúng, bởi như vậy nghĩa là mình không biết tôn trọng bản thân. Nếu có, với tôi đó chỉ là chút tự ái cá nhân mà thôi.